Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 23:31 (GMT +7)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8%
Thứ 4, 11/08/2021 | 17:36:54 [GMT +7] A A
Đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư với biến chủng Delta diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong tháng 7 và 7 tháng năm 2021 của Việt Nam. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7/2021 chỉ tăng 1,8%, là mức tăng thấp nhất từ đầu năm.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, đứng trước những khó khăn, thách thức, nền kinh tế Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2021 vẫn đạt được những kết quả quan trọng, đáng khích lệ. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng đầu năm tăng 1,64% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016. Thu ngân sách nhà nước được cải thiện so với cùng kỳ năm 2020, đạt 67,9% so với dự toán. Thị trường tiền tệ diễn biến ổn định, lãi suất được duy trì ở mức thấp, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến thực tế của nền kinh tế vĩ mô.
Dịch vụ tài chính phát triển tích cực, thanh toán không dùng tiền mặt được đẩy mạnh; Chuyển đổi số được đẩy mạnh. Thương mại điện tử tiếp tục phát triển nhanh, góp phần hỗ trợ sản xuất, kết nối cung-cầu, giảm bớt khó khăn về lưu thông, cung ứng hàng hóa. Sản xuất nông, lâm nghiệp tăng trưởng tốt trong điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi. Giải ngân vốn FDI tăng so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ người lao động được đẩy mạnh; An ninh lương thực cơ bản được giữ vững, nhất là tại các khu vực bị cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội. Cả nước và ngành y tế đẩy nhanh tìm kiếm, kêu gọi tài trợ, đàm phán, ký kết hợp đồng, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19. Hợp tác quốc tế trong tiếp cận vaccine và thúc đẩy chuyển giao công nghệ vaccine COVID-19 được tăng cường. An toàn, an ninh, an dân, trật tự xã hội được bảo đảm.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng dự báo nền kinh tế nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn trong những tháng còn lại của năm, có thể gây ảnh hưởng lớn đến việc đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả năm 2021. Dịch bệnh vẫn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, có thể tiếp tục phải gia tăng thời gian giãn cách xã hội tại một số địa phương lớn để kiểm soát hoàn toàn. Các ngành dịch vụ tiếp tục là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch, trong đó đáng chú ý là bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng trong tháng có dấu hiệu giảm.
Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 7 chỉ tăng 1,8% so với tháng trước và tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng thấp nhất từ đầu năm. Trong đó ngành khai khoáng giảm 8%; ngành chế biến, chế tạo tăng 2,9%; sản xuất và phân phối điện tăng 6,7%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 4,4%.
Tính chung 7 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,9% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,2%), đóng góp 8,1 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 8,2%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 5,6%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 6,3%, làm giảm 1 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Tình hình doanh nghiệp có những diễn biến đáng lo ngại với số doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm, trong khi đó số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng dự báo, những tháng cuối năm, cân đối ngân sách nhà nước có thể đối mặt với khó khăn, có khả năng bị ảnh hưởng lớn, trong khi phải đáp ứng yêu cầu chi phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, nền kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước chưa đạt yêu cầu đề ra. Thu hút vốn FDI phục hồi chậm. Cán cân thương mại hàng hóa nghiêng về xu hướng nhập siêu.
Giá xăng, dầu, gas điều chỉnh tăng nhiều lần cùng với giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khi giá sản phẩm đầu ra lại giảm có nguy cơ gây ra áp lực lạm phát cho những tháng cuối năm, đặc biệt khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát và nhu cầu của người dân bắt đầu hồi phục trở lại.
Hiện tượng người dân, chủ yếu là lao động nghèo, lao động tự do di chuyển tự phát từ vùng dịch về quê gây không ít khó khăn cho cả nơi đến và nơi đi trong việc thu xếp cách ly tập trung, tổ chức lại cuộc sống, giải pháp hỗ trợ, bảo đảm an ninh, an toàn, trật tự xã hội, thiếu hụt lao động khi các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động...
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()