Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:36 (GMT +7)
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 tăng 8,9% so với cùng kỳ
Thứ 5, 30/05/2024 | 15:13:30 [GMT +7] A A
Sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục xu hướng tăng trưởng, theo đó IIP tháng 5 tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ.
Tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/5, sản xuất công nghiệp tháng 5 tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng tích cực hơn so với tháng trước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 5 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5/2024 ước tính tăng 3,9% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 10,6%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,4%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,4%.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, IIP ước tính tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,0%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%), đóng góp 6,4 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 12,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,2%), đóng góp 1,1 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2023 tăng 5,9%), đóng góp 0,1 điểm phần trăm; riêng ngành khai khoáng giảm 5,2% (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,4%), làm giảm 0,8 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 5 tháng đầu năm 2024 của một số ngành trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 27,4%; sản xuất thiết bị điện tăng 24,0%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 20,1%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 19,6%; sản xuất kim loại tăng 13,2%; dệt và sản xuất, phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hoà không khí cùng tăng 12,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hơn mức bình quân chung hoặc giảm so với cùng kỳ năm trước: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 5,8%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 5,4%; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc và thiết bị giảm 11,8%; khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 11,0%; sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 5,1%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác giảm 1,7%; khai thác than cứng và than non giảm 1,3%.
Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 55 địa phương và giảm ở 8 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện tăng cao . Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP tăng thấp hoặc giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện tăng thấp hoặc giảm .
Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực 5 tháng đầu năm 2024 tăng cao so với cùng kỳ năm trước: Thép thanh, thép góc tăng 33,8%; vải dệt từ sợi tự nhiên tăng 20,2%; đồng hồ thông minh tăng 19,7%; thép cán tăng 18,0%; phân u rê tăng 14,6%; phân hỗn hợp N.P.K tăng 12,6%. Ở chiều ngược lại, một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ năm trước: Khí hoá lỏng (LPG) giảm 21,2%; khí đốt thiên nhiên dạng khí giảm 15,6%; ti vi giảm 10,4%; dầu mỏ thô khai thác giảm 5,6%; sắt, thép thô giảm 5,2%.
Tiếp tục các giải pháp tăng trưởng
Đưa ra thêm giải pháp cho phát triển công nghiệp trong thời gian tới, Bộ Công Thương khẳng định, tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam; từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa...
Trong dài hạn, cần thống nhất nguồn lực từ Trung ương đến địa phương tập trung đầu tư, phát triển các dự án công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp nền tảng, các ngành sản xuất xuất khẩu chủ lực như công nghiệp vật liệu, công nghiệp hỗ trợ, cơ khí, ô tô, dệt may, da - giày, điện - điện tử, chế biến thực phẩm...
Với vai trò đơn vị quản lý ngành, Bộ Công Thương cũng đã đặt ra những nhiệm vụ “sát sườn” nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất thông suốt, thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp trong quý II/2024.
Theo đó, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, trong đó có những văn bản quan trọng trong lĩnh vực công nghiệp như: Luật Công nghiệp trọng điểm, Luật Hóa chất…
Cùng đó, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, rà soát các tồn đọng để sớm đưa vào vận hành các công trình dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo, khoáng sản...
Theo Báo Công Thương
Liên kết website
Ý kiến ()