Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:33 (GMT +7)
Chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 dự kiến tăng khoảng 2%
Thứ 3, 09/11/2021 | 15:59:11 [GMT +7] A A
Tổng cục Thống kê nhận định 2 tháng cuối năm CPI có tăng nhưng sẽ không biến động quá nhiều. Cả năm 2021, CPI sẽ ở mức khoảng 2%.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1,81% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất kể từ năm 2016. Tuy nhiên, dự báo về CPI của 2 tháng cuối năm, nhiều chuyên gia cho rằng đây là khoảng thời gian tập trung vào sản xuất, lưu thông và mua sắm chuẩn bị cho các ngày lễ Tết. Dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí sẽ tăng trong các tháng cuối năm.
Trong khi đó, giá các nguyên vật liệu trên thế giới như xăng dầu, than cũng tăng cao, tác động tới giá của nhiều hàng hoá tiêu dùng. Những yếu tố này có thể làm chỉ số CPI hai tháng cuối năm tăng cao so với mức tăng giá bình quân 10 tháng năm 2021. Vậy CPI cả năm nay có đạt được mục tiêu ở mức dưới 4% như Quốc hội đề ra?
Đại diện Tổng cục thống kê cho biết, quý IV nhu cầu tiêu dùng của người dân có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, CPI tháng 10 lại giảm 0,2% nhờ có 3 trong số 11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính giảm giá gồm lương thực thực phẩm, nhà ở xây dựng và bưu chính viễn thông.
Vì vậy, Tổng cục Thống kê nhận định 2 tháng cuối năm CPI có tăng nhưng sẽ không biến động quá nhiều. Cả năm 2021, CPI sẽ ở mức khoảng 2%.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho hay: "Chúng tôi nhận định là 2 tháng cuối năm này CPI sẽ tăng cao nhưng mức tăng của CPI sẽ không có sự biến động một cách đột biến bởi hiện nay các doanh nghiệp cũng đang chủ động chuẩn bị nguồn hàng cung ứng và các địa phương cũng đã có thích ứng tốt hơn trong các tình huống. Do đó, các doanh nghiệp cũng đã có kế hoạch để chuẩn bị cho các chương trình bình ổn thị trường như theo chỉ đạo của Bộ Công Thương".
Đại diện Bộ Công Thương cũng cho biết, ngay từ đầu năm, Chính phủ và các Bộ, ngành đã chỉ đạo rất quyết liệt, để làm giảm áp lực của việc tăng giá thành. Ví dụ như sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu, hỗ trợ tiền điện và đặc biệt là năm 2021 sẽ không tăng giá điện.
Vì vậy, năm nay chỉ số giá tiêu dùng CPI sẽ vẫn đạt được mục tiêu mà Quốc hội đã đề ra. Tuy nhiên, năm 2022 áp lực lạm phát sẽ rất lớn.
"Trong cả năm 2021, chắc chắn chúng ta sẽ đạt được mục tiêu Quốc hội đã đề ra, CPI cả năm sẽ vào khoảng 2%, thậm chí dưới 2%. Bước sang năm 2022, trên thế giới và trong nước có thể đạt được miễn dịch cộng đồng, khiến nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, đồng thời sẽ tạo áp lực rất lớn lên lạm phát. Việc tăng giá các mặt hàng như xăng dầu, than… sẽ làm ảnh hưởng đến giá thành cao lên, chi phí sản xuất cũng cao lên", ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ giá cả, diễn biến, tình hình lạm phát của các nước trên thế giới để đánh giá các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả và lạm phát của Việt Nam.
Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, ký kết các hợp đồng nhập khẩu nguyên liệu dài hạn, để đảm bảo nguyên liệu đầu vào, ổn định sản xuất.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()