Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:16 (GMT +7)
'Chi ngân sách Nhà nước 2022 phải chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả'
Thứ 5, 06/01/2022 | 14:42:39 [GMT +7] A A
Thủ tướng chỉ rõ ngành Tài chính phải điều hành giảm chi đối với những khoản chi không thực sự cần thiết, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, tập trung ưu tiên cho phòng, chống dịch.
Ngày 6/1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2022 do Bộ Tài chính chủ trì.
Dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và thành phố Hà Nội.
Dự tại đầu cầu các địa phương có các Bí thư, Chủ tịch ủy ban nhân dân và lãnh đạo ngành tài chính 62 tỉnh, thành phố.
Không có nhiệm vụ nào quá hạn
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, năm 2021, trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, toàn ngành Tài chính đã đoàn kết, nỗ lực cố gắng, quyết liệt triển khai tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Tài chính đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 259 nhiệm vụ, đã hoàn thành 177 nhiệm vụ, 82 nhiệm vụ đang triển khai và không có nhiệm vụ nào quá hạn.
Bộ Tài chính và ngành Tài chính nói chung đã triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1,563 triệu tỷ đồng, bằng 116,4% dự toán, tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020. Chi ngân sách Nhà nước năm 2021 ước đạt 1,879 triệu tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán.
Bên cạnh đó, đã triển khai nhiều giải pháp tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, góp phần làm tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm ước khoảng 668,5 tỷ USD, xuất siêu khoảng 4 tỷ USD.
Bộ Tài chính đã chủ động điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Trong năm 2021 tổng số thực hiện miễn, giảm, giãn, hỗ trợ khoảng 174.200 tỷ đồng.
Năm 2021, Việt Nam tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nợ công, tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững. Đến cuối năm 2021, dư nợ công tiếp tục nằm trong phạm vi giới hạn an toàn cho phép...
Trong năm 2022, Bộ Tài chính và ngành Tài chính nói chung tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước để phòng, chống, kiểm soát dịch COVID-19, tận dụng tốt các cơ hội thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm quốc phòng, an ninh và an sinh xã hội.
Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, phát huy sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa gắn liền với sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công lập, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính-ngân sách, triệt để tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước...
Nhiệm vụ của năm 2022
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết hiện nay Việt Nam đang thực hiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Sau 35 năm đổi mới, chúng ta từng bước xây dựng và hoàn thiện lý luận về con đường đi lên xã hội chủ nghĩa. Trong đó, lấy con người làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực của phát triển; không đánh đổi, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường…lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Mục tiêu xây dựng đất nước đến năm đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triến, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đối với năm 2021, đất nước ta có nhiều sự kiện trọng đại là tổ chức thành công rất tốt đẹp Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.
Sau đó tổ chức 7 hội nghị quan trọng triển khai các nhiệm vụ của nhiệm kỳ.
Trong khi đó, đại dịch COVID-19 diễn ra khốc liệt trên toàn thế giới, nhất là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đã tác động tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của nước ta.
Nhưng nhờ sự đoàn kết, đồng lòng, chung sức của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự lãnh đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước, phản ứng chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kịp thời của Chính phủ, chúng ta đã đạt được thành tựu rất đáng tự hào.
Chính trị đất nước tiếp tục ổn định; an ninh, quốc phòng được tăng cường, củng cố; bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ; trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; ngoại giao được tăng cường; chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo được đẩy mạnh; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế được đẩy mạnh; công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí được thực hiện quyết liệt…
Đặc biệt, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 1,84%; các cân đối lớn được bảo đảm.
Nhờ chuyển hướng chống dịch kịp thời, GDP quý 4 tăng mạnh, đạt 5,22% sau khi giảm 6,02% trong quý 3 qua đó đưa GDP cả năm tăng 2,58%, quy mô nền kinh tế tăng lên so với năm 2020.
Thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,563 triệu tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác; bội chi ngân sách Nhà nước ước dưới 4%, thấp hơn so với dự toán Quốc hội quyết định (4% GDP).
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 22,6%, đạt 668,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, đưa Việt Nam trở thành một trong 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới; trong đó xuất siêu ước đạt 4 tỷ USD.
Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2021 có mức tăng trưởng cao, tăng 9,2%, đặc biệt vốn tăng thêm tăng mạnh trên 40% thể hiện niềm tin về môi trường đầu tư kinh doanh, sự kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam...
Những thành tựu và kết quả đạt được nêu trên, mở ra sự lạc quan với những cơ hội mới, triển vọng mới về sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam trong năm 2022.
Trong kết quả chung của cả nước, có đóng góp quan trọng của ngành Tài chính nói chung và Bộ Tài chính nói riêng.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ rõ một số hạn chế mà ngành Tài chính cần khắc phục như: công tác tham mưu cho Đảng, Nhà nước trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính còn hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch; cơ cấu nguồn thu chưa hợp lý; nợ thuế có xu hướng tăng; chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế còn chậm, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; quản lý nhà nước về giá cả còn hạn chế; chưa có cơ chế, chính sách để khuyến khích đổi mới, sáng tạo, tạo động lực trong thu-chi ngân sách…
Thủ tướng Chính phủ nhận định năm 2022 tình hình phát triển kinh tế, xã hội có cả thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; trong đó khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã đề ra phương châm hành động cho năm 2022 là “Đoàn kết, kỷ cương, chủ động thích ứng, an toàn hiệu quả, phục hồi phát triển.”
Ngành Tài chính cần căn cứ phương châm này để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong năm 2022 và trong thời gian tới.
Ngoài tập trung rà soát, đánh giá kỹ, khắc phục ngay những hạn chế, tồn tại, ngành Tài chính cần bám sát, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, nhất là bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mà trước mắt là các Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế, xã hội năm 2022.
Bộ Tài chính chủ động theo dõi sát tình hình trong nước và thế giới để tham mưu kịp thời cho Chính phủ ứng phó linh hoạt với các biến động vĩ mô cũng như các biến động trong lĩnh vực tài chính, tiền tệ nhằm bảo đảm mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát, đồng thời thực hiện tốt Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính-ngân sách Nhà nước, đẩy nhanh xây dựng chính phủ số trong lĩnh vực tài chính, đảm bảo đồng bộ, thống nhất, nâng cao chất lượng ban hành văn bản quy phạm pháp luật, khơi thông các nguồn lực cho phát triển, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Ngành Tài chính cần phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; làm tốt hơn nữa công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh; đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế số; quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách Nhà nước. Bảo đảm quản lý và khai thác tốt tài sản công, chống tình trạng sử dụng lãng phí, sai mục đích và thất thoát tài sản công.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ rõ ngành Tài chính phải tổ chức điều hành chi ngân sách Nhà nước năm 2022 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là giảm chi đối với những khoản chi không thực sự cần thiết; đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng, tập trung nguồn lực ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19, các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực cho phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Tài chính tăng cường quản lý giá, thị trường; thực hiện tốt các giải pháp đảm bảo cung cầu hàng hóa thiết yếu, ổn định giá cả, thị trường nhất là trong các dịp lễ, Tết; phối hợp chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Phát triển đồng bộ và nâng cao chất lượng thị trường tài chính, chứng khoán, bảo hiểm mang tính dài hạn, minh bạch và bền vững.
Tập trung thực hiện kế hoạch tái cấu trúc, cổ phần hóa, tăng cường quản lý tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; tận dụng thời cơ thị trường thuận lợi để đẩy nhanh quá trình thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, góp phần hoàn thành dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2022 và thu hẹp dần những ngành, lĩnh vực kinh doanh không cần thiết, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh ngành Tài chính cần tập trung công tác xây dựng Đảng, quán triệt sự lãnh đạo của Đảng trong thực hiện nhiệm vụ; thực hiện tinh gọn bộ máy quản lý, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tích cực phòng chống tham nhũng, lợi ích nhóm trong ngành Tài chính.
Ngành Tài chính cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp, hướng tới thực hiện mục tiêu theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030.
Tiếp tục chủ động hội nhập, hợp tác tài chính quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.
Theo dõi, đánh giá tác động thực thi các FTA và căng thẳng chính trị, thương mại giữa các nước lớn, để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.
Tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, APEC, G20..., nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Thủ tướng Chính phủ mong muốn và tin tưởng ngành Tài chính tiếp tục vượt qua khó khăn, thác thức, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2022 với kết quả cao hơn năm 2021, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu tặng cho ngành Tài chính “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()