Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 15:30 (GMT +7)
Chỉ đường cho người khiếm thị bằng ‘âm thanh 3D’
Thứ 4, 11/10/2023 | 11:15:56 [GMT +7] A A
Công ty khởi nghiệp SonarVision ở Pháp đang phát triển một ứng dụng giúp người khiếm thị đi lại trên đường phố nhờ tính năng theo dõi định vị có độ chính xác cao và "âm thanh 3D".
Khi những người khiếm thị muốn đi lại trong một thành phố đông đúc và rộng lớn như Paris, họ dễ bị lạc ngay khi vừa ra khỏi ga tàu điện ngầm. Thấu hiểu nỗi khó khăn trên, hai sinh viên kỹ thuật người Pháp đã nỗ lực phát triển một ứng dụng điều hướng thực tế ảo tăng cường (AR) xác định tuyến đường dễ đi nhất cho người khiếm thị cũng như sử dụng “âm thanh không gian” – hay còn được gọi là âm thanh 3D – để chỉ dẫn họ đi đúng đường.
“Chúng tôi đang cố gắng tạo ra thứ gì đó thật đơn giản để bạn có thể nhận được âm thanh 3D từ đúng hướng. Bạn rẽ theo hướng phát ra âm thanh và sau đó bạn có thể tục tiếp hành trình”, nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành SonarVision, Nathan Daix giới thiệu.
Ứng dụng này vẫn đang trong quá trình phát triển và thử nghiệm, nhưng công ty khởi nghiệp non trẻ này đặt mục tiêu đưa ứng dụng ra thị trường trong năm nay. Chương trình thử nghiệm diễn ra ở Paris nhưng có thể dễ dàng áp dụng tại các thủ đô lớn khác của châu Âu.
Dự án của Daix đã được chương trình “vườn ươm” khởi nghiệp CentraleSupelec lựa chọn tài trợ. Trên thực tế, đã có một số ứng dụng cảnh báo dành cho người khiếm thị khi đi ra đường như Blindsquare và Soundscape, nhưng SonarVision có tính năng ưu việt hơn. Ứng dụng có thể dẫn một người từ điểm A đến B giống như một thiết bị định vị GPS có độ chuẩn xác cao, cũng như có tính trực quan lớn.
Daix cho biết các ứng dụng tìm đường chính thống như Google Maps và Apple Maps chưa đáp ứng nhu cầu của người khiếm thị và khó sử dụng. Hơn thế, một trong những vấn đề gây khó chịu của những sản phẩm trên chính là độ chính xác.
GPS ở các thành phố có thể hoạt động tốt với độ chính xác khoảng 4 đến 5 mét. Nhưng ở khoảng 30% các trường hợp khác, độ chính xác bị xê dịch thêm 10 mét nữa. Điều đó nguy hiểm ở chỗ là mặc dù GPS báo rằng bạn đã đến bến xe buýt, nhưng thực tế bạn vẫn ở bên kia đường. Do vậy, bạn vẫn cần phải tự xoay xở tìm đường đến bến xe mà không rõ vị trí cụ thể.
Để giải quyết rắc rối trên, SonarVision sử dụng camera của điện thoại để quét vị trí các tòa nhà xung quanh bằng công nghệ AR và so sánh chúng với cơ sở dữ liệu của Apple về một thành phố nhất định.
Nhờ đó, Nathan Daix cho biết họ có thể theo dõi vị trí địa lý của người dùng với độ chính xác từ 0,2 - 1 mét.
Người khiếm thị có thể đứng chính xác ở các lối băng qua đường và vỉa hè, trong khi tránh được cầu thang và các khu vực xây dựng.
Để công nghệ này hoạt động, tất cả những gì người dùng cần là tai nghe và điện thoại iPhone có camera hướng ra phía đường phố. Trong tương lai, phần camera có thể được tích hợp sẵn trên kính AR nhằm sử dụng thuận tiện hơn. Khi đó, người dùng không còn cần cầm điện thoại để quét cảnh quan xung quanh nữa.
Tuy nhiên, ứng dụng này không thể phát hiện chướng ngại vật theo thời gian thực. Nó chỉ là sản phẩm hỗ trợ bổ sung cho người khiếm thị cùng với cây gậy, chó dẫn đường hoặc các thiết bị khác.
Nhóm của Daix cũng đã nắm trong tay một công nghệ khác giúp người mù phát hiện chướng ngại vật trên đường đi mang tên LiDAR, với tính năng phát hiện ánh sáng và độ sâu trong môi trường.
"Nó cảnh báo chướng ngại vật cho chúng tôi, không chỉ trên bề mặt, mà còn ở ngang tầm đầu, ngang tầm cơ thể. Đó thực sự là một công cụ mạnh mẽ", Giám đốc điều hành SonarVision chia sẻ.
Với tiềm năng thay thế cây gậy dò đường, ứng dụng này đang được thử nghiệm trên điện thoại iPhone 12 Pro. Đáng tiếc, LiDAR mới chỉ phù hợp với những dòng điện thoại đắt tiền như 12 Pro trở lên. Và SonarVison đang nỗ lực để biến công nghệ trở nên dễ tiếp cận nhất có thể.
Theo baotintuc.vn
- Phát minh mới biến nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời
- Trung Quốc sắp xây dựng nhà máy chip khổng lồ vận hành bằng máy gia tốc hạt
- Công nghệ nhìn đồ vật sau bức tường bằng WiFi
- YouTube hỗ trợ tìm bài hát bằng cách ngân nga giai điệu
- Trung Quốc thử nghiệm máy dò sự sống bằng radar băng siêu rộng
Liên kết website
Ý kiến ()