Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 19:26 (GMT +7)
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 6-10/2/2023
Thứ 7, 11/02/2023 | 15:53:12 [GMT +7] A A
Thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng; khắc phục triệt để các tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật; quy định mới về khung giá bán lẻ điện bình quân… là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 6-10/2/2023.
Định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 7/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc định hướng phát triển quy hoạch kiến trúc nông thôn Việt Nam, tạo bản sắc và giữ gìn kiến trúc truyền thống.
Tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng tiếp tục nghiên cứu, ban hành các văn bản hướng dẫn các địa phương trong công tác quy hoạch xây dựng và quản lý kiến trúc nông thôn trong giai đoạn 2021 - 2025; nghiên cứu, bổ sung các thiết kế mẫu các công trình dịch vụ tiện ích cộng đồng, đặc biệt với các vùng miền đặc trưng, như: vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiểu số với rất nhiều khó khăn và đặc thù riêng…
Nghiên cứu và đề xuất các mẫu kiến trúc nhà ở vùng nông thôn, trong đó tập trung vào các mẫu nhà có quy mô vừa và nhỏ, khai thác tốt nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương, ứng dụng được những công nghệ và vật liệu mới giúp giảm giá thành xây dựng phù hợp với khả năng kinh tế của đại bộ phận người dân nông thôn…
Thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng
Tại Nghị quyết số 10/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2023 trực tuyến với địa phương, Chính phủ thống nhất thực hiện nhất quán mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tiếp tục theo dõi sát tình hình, chủ động có phản ứng chính sách phù hợp, kịp thời, hiệu quả với tinh thần trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra.
Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao khẩn trương hoàn thiện Chương trình, Kế hoạch hành động, các văn bản cụ thể để triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/1/2023 và ban hành trước ngày 10/2/2023.
Tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp đột phá về phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình hạ tầng chiến lược về giao thông, xã hội, chuyển đổi số; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, xây dựng, bảo đảm tiến độ thực hiện các công trình, dự án. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn... để tổ chức, chỉ đạo phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp và chủ động phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi.
Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030
Chính phủ ban hành Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 7/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo Chương trình hành động của Chính phủ, phấn đấu giai đoạn từ nay đến năm 2030: Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực, thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực.
Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm giai đoạn 2021-2025 tăng khoảng 7,5% - 8,0%; GRDP giai đoạn 2026-2030 tăng 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt khoảng 8.300-8.500 USD, đến năm 2030 đạt khoảng 12.000 - 13.000 USD.
Thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP thông qua hồ sơ xây dựng Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân. Theo đó, Chính phủ quyết nghị đồng ý quy định dữ liệu cá nhân được xử lý không cần sự đồng ý của chủ thể dữ liệu trong trường hợp:
+ Để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của chủ thể dữ liệu hoặc người khác trong tình huống khẩn cấp. Bên Kiểm soát dữ liệu cá nhân, Bên Xử lý dữ liệu cá nhân, Bên Kiểm soát và xử lý dữ liệu cá nhân, Bên thứ ba có trách nhiệm chứng minh trường hợp này;
+ Việc công khai dữ liệu cá nhân theo quy định của luật;
+ Việc xử lý dữ liệu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thảm họa lớn, dịch bệnh nguy hiểm; khi có nguy cơ đe dọa an ninh, quốc phòng nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; phòng, chống bạo loạn, khủng bố, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật theo quy định của luật;
+ Để thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng của chủ thể dữ liệu với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của luật;
+ Phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước đã được quy định theo luật chuyên ngành.
Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị định bảo vệ dữ liệu cá nhân theo quy định.
Chương trình hành động của Chính phủ về phát triển KTXH vùng đồng bằng sông Hồng
Chính phủ ban hành Nghị quyết 14/NQ-CP ngày 8/2/2023 Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng Sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Việc xây dựng và ban hành Nghị quyết nhằm xây dựng đồng bằng Sông Hồng là vùng phát triển hiện đại, văn minh, sinh thái; là trung tâm kinh tế, tài chính lớn mang tầm khu vực và thế giới; trung tâm hàng đầu của cả nước về văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số, xã hội số, y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đồng bộ, hiện đại, thông minh; hệ thống đô thị liên kết thành mạng lưới, thông minh xanh, bền vững phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.
Khắc phục triệt để các tồn tại trong công tác xây dựng pháp luật
Tại Nghị quyết 16/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1/2023, Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác xây dựng pháp luật; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng, hoàn thiện thể chế và tổ chức thi hành pháp luật; có giải pháp khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng pháp luật; xác định rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Quy định mới về khung giá bán lẻ điện bình quân
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 02/2023/QĐ-TTg về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Cụ thể, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) như sau: Mức giá bán lẻ điện bình quân tối thiểu là 1.826,22 đồng/kWh; mức giá bán lẻ điện bình quân tối đa là 2.444,09 đồng/kWh.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia
Chính phủ đã ban hành Nghị định 03/2023/NĐ-CP ngày 10/2/2023 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.
Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia là cơ quan thuộc Bộ Công Thương có chức năng tiến hành tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật; tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia chùa Đọi Sơn (Hà Nam)
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 55/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt chùa Đọi Sơn, (chùa Long Đọi Sơn), tỉnh Hà Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Nội dung Nhiệm vụ lập quy hoạch gồm: Xác định yêu cầu nghiên cứu, khảo sát, đánh giá hiện trạng di tích; nghiên cứu, đánh giá yếu tố kinh tế - xã hội và môi trường tự nhiên liên quan đến nội dung quy hoạch; xác định đặc trưng và giá trị tiêu biểu của di tích; nội dung và định hướng bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; định hướng tổ chức không gian kiến trúc, cảnh quan và xây dựng công trình mới…
Phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch tu bổ Di tích Cố đô Hoa Lư
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 56/QĐ-TTg phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Di tích quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, Quy mô lập quy hoạch gồm: Toàn bộ không gian Cố đô Hoa Lư được xác định bởi các vòng thành và các di tích khảo cổ học dưới lòng đất, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Nhà nước Đại Cồ Việt và Cố đô Hoa Lư.
Chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Thọ Lộc
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 57/QĐ-TTg chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc (giai đoạn 1) thuộc quy hoạch khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, tỉnh Nghệ An.
Phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 63/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Nhiệm vụ Điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình đến năm 2040.
Mục tiêu điều chỉnh quy hoạch nhằm điều chỉnh Quy hoạch chung đô thị Ninh Bình phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn tỉnh, hướng tới phát triển đô thị Ninh Bình thành trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái văn hóa cấp vùng đồng bằng sông Hồng gắn với bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể danh thắng Tràng An.
Phối hợp phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Quyết định số 64/QĐ-TTg ngày 8/2/2023 ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Quy chế này quy định về nguyên tắc, hình thức, nội dung và trách nhiệm phối hợp, trao đổi thông tin giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong công tác phòng, chống tội phạm rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Nghiên cứu, tổng hợp, công bố các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 69/QĐ-TTg ngày 9/2/2023 phê duyệt Chương trình "Nghiên cứu, tổng hợp, công bố các tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, tiến tới kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và 100 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trên nền tảng cách mạng công nghiệp lần thứ tư".
Mục tiêu cụ thể của Chương trình là nghiên cứu, tổng hợp, biên soạn và xuất bản 600 công trình, đầu sách văn học Việt Nam (sách in) phản ánh về đề tài đất nước và cuộc đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam.
Xây dựng và công bố 190 tác phẩm sách 3D giới thiệu các công trình, tác phẩm văn học vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc…
Nhiệm vụ, giải pháp bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia giai đoạn II
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 10/2/2023 phê duyệt các nhiệm vụ, giải pháp “Bảo hiểm tài liệu lưu trữ quốc gia, giai đoạn II”.
Mục tiêu của Quyết định nhằm tiếp tục việc lập bản sao bảo hiểm bảo quản dự phòng đối với tài liệu lưu trữ quý, hiếm và tài liệu lưu trữ quốc gia có giá trị cao bị hư hỏng nặng trên các vật mang tin: giấy, băng đĩa, phim nhựa và mộc bản thuộc phông Lưu trữ Nhà nước Việt Nam bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại.
Đồng thời, bảo đảm sự toàn vẹn, ổn định, lâu dài; khai thác thuận lợi tài liệu lưu trữ dự phòng trong trường hợp xảy ra rủi ro, thảm họa bị mất bản gốc, bản chính.
Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp
Phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đa dạng về loại hình, phân bố hợp lý về cơ cấu ngành, nghề, cơ cấu trình độ, cơ cấu vùng, miền; chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, phân tầng chất lượng; đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề, nhất là nhân lực có kỹ năng nghề cao cho phát triển đất nước trong từng giai đoạn.
Đó là mục tiêu của Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định số 73/QĐ-TTg ngày 10/2/2023.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()