Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:40 (GMT +7)
Chỉ 35% sinh viên ngành Công nghệ thông tin tốt nghiệp đáp ứng ngay công việc
Thứ 5, 28/03/2024 | 16:55:21 [GMT +7] A A
Chỉ 35% sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin đáp ứng ngay được công việc của nhà tuyển dụng. Số còn lại cần phải được đào tạo lại khoảng 3 - 6 tháng.
Nội dung trên được chia sẻ tại Hội thảo cơ hội nghề nghiệp ngành Công nghệ thông tin với chủ đề “Đón đầu xu hướng - vững bước tương lai”, do Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) tổ chức ngày 28/3 tại TP Hồ Chí Minh.
Theo bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó Giám đốc QTSC, nhu cầu về nhân lực công nghệ thông tin vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó IT (phần mềm) là một trong ba nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Việc thiếu hụt nhân lực hiện nay đang là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp và nhà trường. Trong số sinh viên ngành Công nghệ thông tin tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được ngay yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng, số còn lại cần phải được đào tạo lại (theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev).
Liên quan thực trạng nguồn nhân lực IT Việt Nam, ông Thái Hoàng Danh, Giám đốc Sản xuất phần mềm Công ty Cổ phần Tư vấn và Phát triển phần mềm Larion chia sẻ, hiện lực lượng lao động của ngành Công nghệ thông tin chỉ khoảng 530.000 nhân sự. Số lượng sinh viên công nghệ thông tin nhập học hằng năm tại các trường cao đẳng và đại học trong nước khoảng 50.000 - 57.000 người (dựa trên báo cáo tuyển sinh hằng năm).
Theo ông Thái Hoàng Danh, số lượng sinh viên ngành IT trung bình tốt nghiệp hằng năm khoảng 16.000 người, tuy nhiên hầu như phải đào tạo lại ít nhất từ 3-6 tháng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng 73% công ty IT Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng để mở rộng năm 2024. Dự kiến số lượng nhân sự mà các công ty còn thiếu trong năm để đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường lên tới 170.000 người.
Trong năm 2023, khảo sát cho thấy khoảng 41% doanh nghiệp ở hai thành phố lớn là TP Hồ Chí Minh và Hà Nội đạt 100% chỉ tiêu tuyển dụng. Tiềm năng, nhu cầu tuyển dụng ở cả hai thị trường lao động chính này vẫn rất lớn như kinh doanh - bán hàng (chiếm 39,3%) và IT (chiếm 13,2%) vẫn tiếp tục là những nhóm ngành “khát nhân lực”.
Chia sẻ xu hướng tuyển dụng năm 2024, bà Nguyễn Ngọc Anh Thư (đại diện Công ty Cổ phần Top CV Việt Nam) cho biết, dù cần tối ưu nguồn nhân lực nhưng có khoảng 75,8% doanh nghiệp dự kiến gia tăng số lượng nhân viên, nhất là nhóm ngành “khát nhân lực” như kinh doanh - bán hàng và phần mềm để phục vụ mục tiêu thúc đẩy kinh doanh”.
Các chuyên gia phân tích, xu hướng chuyển đổi số - chuyển đổi xanh diễn ra mạnh mẽ, công nghệ số trở thành một yếu tố quan trọng trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, từ đó gia tăng về nhu cầu nhân lực ngành Công nghệ thông tin. Sự bùng nổ của các công nghệ như AI, blockchain, metaverse, big data… mang đến những thách thức rất lớn đối với các nhà tuyển dụng cũng như lực lượng lao động tham gia vào ngành Công nghệ thông tin.
Để đối mặt với những thách thức về sự phát triển của công nghệ, giải bài toán “khát nhân lực”, Phó Giám đốc Công viên phần mềm Quang Trung Phạm Thị Kim Phượng cho rằng, doanh nghiệp cần có những định hướng chiến lược về nhân sự để thu hút nhân tài. Trong khi đó, nhà trường cần thiết kế chương trình giảng dạy phù hợp để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp; sinh viên trang bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để thích ứng nhanh chóng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()