Thông tin được ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng Cục trưởng Dân số, Bộ Y tế, cho biết tại lễ Kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam, ngày 26/12. Ở một số địa phương, tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh cao hơn mức bình quân cả nước, như Sơn La 117 bé trai/100 bé gái, Nghệ An 116,6 bé trai/100 bé gái.
Theo ông Tú, tỷ suất giới tính khi sinh năm 2022 như trên là thống kê trên cơ sở số liệu báo cáo chưa đầy đủ của các tỉnh, thành. Tổng Cục Dân số cũng chưa công bố số lượng trẻ chào đời trong năm nay là bao nhiêu.
Tổng Điều tra dân số năm 2020 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy tỷ lệ giới tính khi sinh là 112,1 bé trai/100 bé gái, năm 2019 là 111,5. Tỷ số giới tính sinh tự nhiên là 104-106 bé trai/100 bé gái. Như vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang tiếp tục gia tăng, trong khi mục tiêu được ngành dân số đặt ra là kéo giảm còn 111,4 trẻ trai/100 trẻ gái.
"Mất cân bằng giới tính khi sinh đang tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng", ông Tú nhận định và thêm rằng tình trạng thừa nam thiếu nữ tại Việt Nam ngày càng lan rộng, cả thành thị và nông thôn.
Những nguyên nhân khiến chênh lệch giới tính khi sinh vẫn tăng, theo Tổng cục Dân số, là do tâm lý ưa thích con trai và mong có con trai trong gia đình quy mô nhỏ; lạm dụng khoa học - công nghệ. Ngoài ra, các quy định pháp luật chưa được thực thi nghiêm làm trầm trọng hơn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Các chuyên gia đánh giá chênh lệch giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng xấu tới cấu trúc dân số trong tương lai, dẫn tới dư thừa nam giới trong xã hội. Tổng cục Thống kê dự báo Việt Nam sẽ thừa 1,5 triệu nam giới từ 15 đến 49 tuổi vào năm 2034 nếu mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn cao như hiện nay. Ví dụ, năm 2019, cả nước có 45.900 bé gái bị thiếu hụt do chênh lệch giới tính khi sinh. Về lâu dài, hậu quả nghiêm trọng như thiếu phụ nữ làm tăng áp lực kết hôn sớm đối với trẻ gái, phải bỏ học để lập gia đình, có thể tăng nhu cầu mại dâm dẫn đến nạn buôn bán phụ nữ gia tăng.
Công tác dân số đang đối mặt với nhiều thách thức mới và lớn, theo ông Tú. Tuổi thọ bình quân của ngưởi Việt tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 (nam 71 tuổi, nữ 76 tuổi) và cao hơn mức trung bình trong khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, số năm trung bình sống khỏe mạnh chỉ 64 tuổi. Tầm vóc, thể lực của người Việt chậm cải thiện. Chất lượng dân số còn thấp, phân bố dân số và quản lý di cư còn nhiều bất cập. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ mới; dân số già nhanh...
Tuy vậy, ông Tú nhìn nhận tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ năm 2019. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.
"Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh", ông Tú nói, thêm rằng tỷ số tử vong ở người mẹ giảm mạnh, còn 46 ca/100.000 trường hợp năm 2019.
Ông Tú cho rằng chương trình dân số kế hoạch hóa gia đình những thập kỷ qua đã hạn chế tăng thêm hơn 20 triệu người, tiết kiệm nhiều khoản chi cho dịch vụ xã hội. Những tính toán trên thế giới cho thấy chi 1 USD cho kế hoạch hóa gia đình thì sẽ tiết kiệm được 31 USD chi cho xã hội, và kế hoạch hóa gia đình giúp tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm.
Bộ Y tế ước tính dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu vào đầu năm 2023.
Ý kiến ()