Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:35 (GMT +7)
Chế độ dinh dưỡng sau phẫu thuật ung thư dạ dày
Thứ 3, 31/05/2022 | 11:45:50 [GMT +7] A A
Sau phẫu thuật ung thư dạ dày, ngoài việc ăn uống những gì, người bệnh còn phải quan tâm hơn đến việc chế biến món ăn và ăn như thế nào.
Theo thông tin từ Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, trước phẫu thuật ung thư dạ dày, người bệnh có thể có khối u chèn ép gây cản trở đến lượng ăn uống và khả năng hấp thu. Ngoài ra, nếu có chỉ định hóa trị, người bệnh sẽ có cảm giác buồn nôn, chán ăn.
Tất cả những điều này đều dẫn đến việc người bệnh không được cung cấp một chế độ dinh dưỡng đầy đủ trong một thời gian dài khiến cơ thể giảm cân không chủ ý. Chính vì vậy, trước phẫu thuật, người bệnh cần nhận được hỗ trợ từ bác sĩ dinh dưỡng để có một chế độ dinh dưỡng hợp lý nhằm nâng cao thể trạng, nâng cao hiệu quả điều trị.
Sau khi phẫu thuật, tùy vào tình trạng của từng cá thể, người bệnh sẽ được bắt đầu khởi động ruột bằng dung dịch maltodextrins trong vòng 24 giờ đầu và bắt đầu chế độ ăn lỏng trong 48 giờ đầu hoặc hơn. Trong thời gian đó, nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể sẽ được bổ sung thông qua đường tĩnh mạch hoặc nuôi dưỡng chế độ đặc biệt qua ống thông.
Thông thường, dạ dày có chức năng giữ thức ăn, khởi động quá trình tiêu hóa, nghiền nhỏ và trộn lẫn thức ăn với enzyme tiêu hóa và hấp thu một phần chất dinh dưỡng. Sau đó, thức ăn sẽ đi từ dạ dày đến tá tràng theo từng đợt nhũ trấp và tiếp tục quá trình tiêu hóa tiếp theo.
Khi cắt một phần hay toàn bộ dạ dày (thường bao gồm cả van môn vị hoặc tâm vị), sức chứa của dạ dày giảm hoặc mất hoàn toàn, làm giảm quá trình co bóp, tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng, thức ăn từ miệng qua thực quản đi qua dạ dày đi vào hệ thống ruột sẽ nhanh hơn. Điều này gây ra hàng loạt các triệu chứng như trào ngược thực quản, hội chứng dumping, co thắt dạ dày ruột, tiêu chảy, đi ngoài phân sống.
Chính vì vậy, người bệnh cần chú ý thay đổi một số điểm sau đây trong quá trình ăn uống:
Lựa chọn thực phẩm
Thời gian đầu sau phẫu thuật, các nhóm thực phẩm nên chọn bao gồm: tinh bột phức; thịt nạc và cá nạc; rau mềm; các loại sữa gầy hoặc sữa thủy phân tốt, sữa chua (ít béo), dầu thực vật…
Khi cơ thể đã thích nghi với việc cắt bỏ hoàn toàn hoặc một phần dạ dày, thực phẩm và chế biến sẽ đa dạng hơn, ăn đầy đủ các nhóm thực phẩm. Đặc biệt chú ý đến nhóm thực phẩm giàu sắt và vitamin B12.
Lựa chọn thực phẩm có hàm lượng calo cao, giàu chất dinh dưỡng và ít đường
Uống nhiều nước. Có thể thay nước lọc bằng sữa, nước ép trái cây… để tăng lượng calo nạp vào cơ thể.
Tránh rượu, bia, thuốc lá, nước ngọt có ga, hạn chế cà phê, trà.
Không ăn nhiều các thực phẩm chứa nhiều chất xơ sợi như măng, cồi rau cải… để tránh gây cảm giác no lâu, khó tiêu và táo bón.
Thay đổi cách chế biến
Thời gian đầu sau phẫu thuật, thực phẩm cầm được chế biến mềm, nhừ, cắt nhỏ. Cho đến khi cơ thể thích nghi được thì chuyển dần sang thực phẩm được chế biến theo cách hàng ngày cùng với bữa ăn gia đình.
Ưu tiên luộc, hấp, hầm, xào, tránh chiên, nướng, rán hoặc ăn sống.
Thói quen ăn uống
Thay vì ăn ba bữa mỗi ngày, hãy chia nhỏ thức ăn thành nhiều bữa nhỏ và ăn theo khung giờ cố định (6 giờ 30, 9 giờ, 11 giờ 30, 15 giờ, 18 giờ, 20 giờ).
Nhai kĩ thức ăn, ăn thật chậm từng miếng nhỏ một, ngồi nghiêng 60 - 75 độ ngửa về phía sau, tránh nằm ngửa hoặc ngồi lưng thẳng đứng. Giữ nguyên tư thế đó sau ăn 15 - 30 phút.
Không uống chất lỏng trước và sau khi ăn 30 phút để tránh gây cảm giác no
Ghi nhật ký ăn uống hàng ngày để đánh giá lượng thức ăn nạp vào đã đủ chưa, ăn loại thực phẩm nào, chế biến như thế nào, ăn ở thời điểm nào là phù hợp với tình trạng của bản thân để kịp thời điều chỉnh.
Ngoài ra, người bệnh cần gặp bác sĩ dinh dưỡng định kì để đánh giá chế độ ăn hiện tại để điều chỉnh kịp thời những điểm không phù hợp. Bổ sung vitamin và vi chất tổng hợp, đặc biệt là vitamin B12, vitamin C, D, sắt, canxi theo chỉ định của bác sĩ.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()