Nghiên cứu được trình bày tại phiên khoa học thường niên của Đại học Tim mạch Mỹ và Hiệp hội Tim Mạch Quốc tế, hôm 5/3.
Theo tiến sĩ Iulia Iatan, Bệnh viện St. Paul và Trung tâm Đổi mới Tim Phổi của Đại học British Columbia, tác giả công trình, việc tiêu thụ ít carbohydrate, nhiều chất béo theo chế độ keto có thể làm tăng mức cholesterol LDL – hay còn gọi cholesterol "xấu" – và tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã định nghĩa chế độ ăn keto gồm 45% tổng lượng calo hàng ngày đến từ chất béo và 25% đến từ carbohydrate, còn lại từ protein. Họ chỉ ra rằng người ăn kiểu keto có hàm lượng cholesterol và apolipoprotein B cao hơn. Apolipoprotein B là một loại protein bao phủ các protein cholesterol LDL, có thể dự đoán bệnh tim.
"Sau trung bình 11,8 năm theo dõi, loại bỏ các yếu tố nguy cơ bệnh tim khác như tiểu đường, huyết áp cao, béo phì và hút thuốc, người theo chế độ keto có khả năng mắc bệnh tim cao hai lần", nghiên cứu nêu rõ.
Để đưa ra kết quả đó, các chuyên gia đã so sánh chỉ số sức khỏe của 305 người ăn chế độ keto với khoảng 1.200 người ăn đầy đủ, sử dụng thông tin từ cơ sở dữ liệu Vương quốc Anh UK Biobank. Họ nhận thấy người theo keto có hàm lượng chất béo bão hòa cao hơn so với nhóm đối chứng. Chất béo bão hòa được xét vào nhóm chất béo xấu, tương tự chất béo chuyển hóa, có thể làm tăng cholesterol LDL và nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
"Không nên coi cholesterol LDL tăng cao chỉ đơn giản là tác dụng phụ không đáng kể của chế độ ăn kiêng keto", Christopher Gardner, giáo sư nghiên cứu y học tại Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa Stanford, cho biết.
Ý kiến ()