Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:24 (GMT +7)
Chảy máu sách cổ: Thiệt thòi cho nghiên cứu khoa học
Thứ 3, 28/03/2023 | 07:38:24 [GMT +7] A A
Việc “chảy máu” sách cổ quý hiếm ở Huế nói riêng, cả nước nói chung và “chảy” ra nước ngoài trước hết thiệt thòi cho giới nghiên cứu khoa học.
Có một người không lung lay...
Như đã kể ở kỳ trước, có rất nhiều lý do được chủ nhân của những cuốn sách quý ở Huế đưa ra để lý giải cho việc bán sách như: Thiếu tiền trong khi sách cũ rất được giá, muốn giữ sách phải có phương tiện quá tốn kém, các sách xưa đã được dịch, in mới thì giữ làm gì... Thậm chí, có người bán sách để lấy tiền chống dột ngôi nhà mình đang ở như ông T.N ở trong Thành nội Huế. Để thu về 15 triệu đồng sửa nhà, ông T.N đã ứa nước mắt cho ra đi nhiều số báo ấn hành ở Huế trước năm 1945 như Tiếng Dân, Tràng An, Thần Kinh Tạp Chí và mấy cuốn sách quý hiếm đầu thế kỷ 20 khác.
Theo các nguồn tin mà người viết nắm được, từ năm 2013 đến nay, có hai “đầu nậu”, một đến từ Hà Nội, một đến từ thành phố Hồ Chí Minh đã và đang ráo riết tìm sách cũ, sách quý ở Huế để cung cấp cho các nhà sưu tập ở hai đầu đất nước. Giá cả được hai “đầu nậu” này đặt vấn đề, theo chủ nhân của những cuốn sách cổ, sách quý ở Huế là rất cao.
Ví như các tạp chí ấn hành ở miền Nam trước năm 1975 (như Ngày Nay, Phổ Thông, Ðất Nước, Ðối Diện, Văn Hóa Nguyệt San, Văn Hữu, Bách Khoa Thời Ðại, Gió Mới, Sáng Tạo, Văn Nghệ, Luận Ðàm...) mỗi tập khoảng 100.000 đồng. Tạp chí Nam Phong từ 600.000 đến 1 triệu đồng/cuốn. Sách văn chương in trước năm 1945 từ 1,5 - 2 triệu đồng/cuốn. Sách thơ văn của vua in trên giấy bổi mỗi tập từ 5-20 triệu đồng. Các loại tạp chí như Ðông Dương, Bulletin des Amis du Vieux Hue (B.A.V.H.), các bộ sử liệu... nếu lành lặn và trọn bộ giá lên đến hàng chục triệu đồng. Riêng sách đồng của các phủ, phòng thuộc dòng họ Nguyễn Phước mỗi cuốn đến hơn 200 triệu đồng...
Vì giá mua rất cao, nên ở Huế, chỉ một trong số ít người kiên quyết nói không với việc bán sách là nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan - chủ nhân của một thư viện tư nhân có hơn 10 nghìn đầu sách. Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết, nhiều lần ông được đặt vấn đề bán các loại sách cổ quý vốn rất nhiều trong tủ sách hơn 10.000 cuốn của gia đình. Nhưng ông nhất quyết không bán để giữ tủ sách trọn vẹn, mở cửa cho những ai có nhu cầu đến đọc.
Họ phải sống
Hơn một lần trò chuyện với người viết, nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý có một cách nhìn khác về việc “chảy máu” sách cổ, sách quý hiếm ở Huế trong thời gian qua. Ông đồng tình với quan điểm không nhất thiết phải giữ sách cổ ở Huế vì các lý do: Thời tiết mưa ẩm của Huế làm sách dễ hỏng; hầu hết sách cũ đều đã được dịch và đưa lên Internet, cho nên những cuốn sách cổ quý không còn hữu dụng nữa, chủ yếu chỉ còn giá trị hiện vật (cổ vật). Thế hệ tiếp theo lại không thấy quan tâm trong khi những nhà sưu tầm, nghiên cứu tuổi đã già, tuổi sưu tầm còn rất ngắn và thấy rõ không thể sống lâu với sưu tập của mình nữa.
Quan trọng hơn cả, theo nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý là “họ phải sống”. Họ chính là những nhà nghiên cứu, những chủ nhân của các thư viện tư nhân ở Huế đang rất giàu về sách nhưng lại nghèo về tiền. Thậm chí nhiều người còn đang sống trong những căn nhà dột nát nhưng không có tiền để sửa chữa. Nhà nghiên cứu, dịch giả Bửu Ý cho rằng, giải pháp tối ưu, là các cơ quan chức năng như Trung tâm học liệu Ðại học Huế, Bảo tàng Văn hóa Huế, Thư viện tỉnh Thừa Thiên - Huế và các thư viện đại học... nên nghĩ đến chuyện làm giàu bằng cách mua những tác phẩm cổ kính ấy để lưu giữ những giá trị văn hóa cũng như phục vụ nghiên cứu khoa học.
Sách, tài liệu... cổ, quý hiếm trước hết là một di sản văn hóa. Và việc để “chảy máu” những di sản văn hóa đó ra khỏi một vùng đất, thậm chí một quốc gia cũng như chưa được quan tâm để bảo quản, giữ gìn đúng cách, tương xứng với giá trị, thì hậu thế chúng ta, không chỉ có tội với tiền nhân trong việc đánh mất di sản mà còn tạo thiệt thòi cho những người nghiên cứu khoa học.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()