Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 08:02 (GMT +7)
Chạy đua với thời gian để ứng phó bão Yagi
Thứ 6, 06/09/2024 | 12:33:55 [GMT +7] A A
Hồi 19 giờ ngày 6/9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 110,3 độ Kinh Đông, trên vùng ven biển phía Bắc đảo Hải Nam (Trung Quốc); cách Quảng Ninh khoảng 360km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 15 (167-183km/h), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.
TP Cẩm Phả: 90% các hộ nuôi trồng thủy sản đã di dời tránh trú bão
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản, tính đến 12h ngày 6/9, 90% các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP Cẩm Phả đã di dời lên bờ tránh trú.
Các hộ nuôi trồng thủy sản hiện vẫn còn trên khu vực nuôi trồng thủy sản đang thực hiện chằng chống, buộc dây, gia cố bè, mảng, ô lồng, đồng thời, bổ sung thức ăn cho thủy sản đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong 2 ngày bão về. Các hộ này cam kết sẽ di chuyển vào nơi tránh trú an toàn trước 16h ngày 6/9. Các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, kiên quyết không để người dân trên khu vực nuôi trồng thủy sản khi bão về để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Tất cả các tàu thuyền đã di chuyển về nơi tránh trú an toàn tại khu vực biển. Thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các địa phương, đơn vị đảm bảo quân số, phương tiện trực ứng phó với bão số 3; trực ban 24/24h khi bão đổ bộ, thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch, phương án, hiệp đồng đã xây dựng, khuyến cáo nhân dân, cơ quan, đơn vị chằng chống nhà cửa, kho tàng, các nhà bè nuôi trồng thủy sản; chặt tỉa, chằng chống các cây dọc các tuyến đường, vỉa hè.
TX Quảng Yên: 100% tàu, thuyền đã về nơi tránh trú
Phường Tân An, TX Quảng Yên, huy động xuồng cứu hộ sẵn sàng ứng phó với bão số 3
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản, TX Quảng Yên đã khẩn trương triển khai kêu gọi, thông báo cho các chủ tàu, thuyền đến nơi tránh, trú an toàn để phòng tránh bão số 3 đổ bộ. Tính đến 12h ngày 6/9, 100% tàu, thuyền đã về nơi tránh trú.
Theo thống kê, toàn thị xã Quảng Yên có 2.308 tàu cá, nuôi trồng thủy sản ngoài đê là 219 ô đầm; trên 800 lồng, bè; 700 lao động thường xuyên.
Tính đến 12h00 trưa nay, 100% các chủ tàu cá và gia đình đã được thông báo và nắm được thông tin đưa tàu về nơi tránh trú. Tàu ven bờ (dưới 12m) đã về nơi tránh trú; các tàu xa bờ hiện đang tránh trú tại các địa bàn ngoài thị xã (Cát Hải, Cô Tô, Vân Đồn, Cẩm Phả, Hạ Long); 1.747/1.747 tàu đã về nơi tránh trú; gần 600 thuyền, mủng đã neo đậu tại các bến.
Đối với các lao động tại ô đầm, lồng bè NTTS hiện đang thực hiện chằng chống, buộc dây, gia cố bè, mảng, ô lồng; đồng thời, bổ sung thức ăn cho thủy sản đảm bảo đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong 2 ngày bão về. Các đơn vị, địa phương tăng cường giám sát, kiên quyết không để người dân trên khu vực nuôi trồng thủy sản khi bão về để đảm bảo an toàn cho người và tài sản, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Việc di chuyển các lao động này vào nơi tránh trú an toàn sẽ được thị xã Quảng Yên hoàn thành xong trước 16h ngày 6/9.
TX Quảng Yên cũng thông tin và khuyến cáo các chủ tàu, thuyền, các hộ dân NTTS không chủ quan, chủ động theo dõi diễn biến của thời tiết. Khi đã về đến bến cần chú ý việc chằng buộc tàu cá để tránh va đập, tránh sự ảnh hưởng của gió vì gió mạnh sẽ gây ra va đập, chủ động việc chằng buộc và chuẩn bị các thiết bị như lốp để tránh va đập cho các tàu. Và khi bão tan phải đợi thông tin, hết lệnh cấm biển mới tiến hành ra khơi, tránh nôn nóng khi bão mới vào giai đoạn mắt bão nghỉ ra khơi ngay sẽ bị ảnh hưởng.
Móng Cái, Vân Đồn: Huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra
Trước diễn biến phức tạp của bão số 3 (YAGI) được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, sáng 6/9, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, đã đi kiểm tra công tác chủ động phòng chống bão tại huyện Vân Đồn và TP Móng Cái.
Báo cáo tình hình ứng phó bão số 3, theo lãnh đạo huyện Vân Đồn, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã kích hoạt phương án, nhiệm vụ phòng chống bão; tổ chức thông báo, cập nhật rộng rãi thông tin về cơn bão, chỉ đạo theo dõi nắm bắt số tàu thuyền, đặc biệt là tàu khai thác thủy sản xa bờ, thực hiện kêu gọi, hướng dẫn cho các chủ phương tiện tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn.
Cùng với đó, yêu cầu các cấp chính quyền vận động nhân dân chằng chống nhà cửa, gia cố các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển, rà soát số người đang có mặt trên các nhà bè nuôi trồng thủy sản để sẵn sàng sơ tán khi có yêu cầu; sẵn sàng triển khai các phương án phòng tránh, di chuyển dân ở những nơi có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, các nhà yếu; rà soát tất cả các công trình, dự án trên địa bàn, cắt tỉa cây xanh đô thị đảm bảo công tác phòng chống bão; nắm chắc số lượng khách du lịch trên đảo, thông báo để chủ động về đất liền trước giờ cấm tàu.
Đến 10h ngày 6/9, trên địa bàn huyện Vân Đồn đã có gần 1.800 phương tiện thuỷ, tàu cá về nơi tránh trú an toàn; 618 bè trông coi thủy sản, bè dịch vụ và tàu xi măng được gia cố, chằng chống; 508 người đang làm việc dưới biển được di dời lên bờ, đến 15h cùng ngày sẽ thực hiện di dời toàn bộ người trên biển lên bờ.
TP Móng Cái đã huy động trên 1.000 người từ lực lượng vũ trang, cùng trên 400 phương tiện, máy móc, thiết bị để chuẩn bị cho công tác phòng, chống bão số 3. Đến 11h ngày 6/9, TP Móng Cái đã kêu gọi được trên 1.700 tàu thuyền, phương tiện thủy về nơi tránh trú; yêu cầu 119 hộ gia đình thực hiện chằng chống, gia cố hơn 250 giàn bè và đưa người di chuyển vào bờ trước 16 giờ. Thành phố cũng đã thực hiện rà soát các vị trí nhà tạm, khu vực nguy cơ sạt lở, ngập úng, theo dõi mức nước ở các hồ đập để thực hiện xả nước, có các biện pháp phòng chống.
Để đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản, sau khi trực tiếp đi kiểm tra công tác chủ động phòng, chống bão số 3, đồng chí Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, yêu cầu các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm công điện của UBND tỉnh; tăng cường kiểm tra, rà soát, theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão, cảnh báo thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, đến tận tổ dân, khu dân cư để nhân dân chủ động các biện pháp phòng tránh.
Đồng chí nhấn mạnh: Đây là cơn bão được dự báo có cường độ rất mạnh, mức độ rủi ro thiên tai lớn, khả năng ảnh hưởng và uy hiếp an toàn tài sản nhân dân cao. Vì thế không được chủ quan, lơ là. Cần thực hiện rà soát nghiêm chỉnh việc quản lý phương tiện thủy, tuyệt đối không để người trên tàu, thuyền khi bão về; chú ý các vị trí có nguy cơ sạt lở tại khu dân cư, các tuyến giao thông mới và các công trình đang thi công...
Đồng chí yêu cầu các đơn vị, địa phương huy động các phương tiện, thiết bị và lực lượng để ứng cứu khi có sự cố xảy ra; có các biện pháp nghiêm cấm người và phương tiện qua lại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, các ngầm tràn. Đồng thời, yêu cầu Chủ tịch UBND các địa phương, thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thường trực nghiêm túc, tổ chức kiểm tra các địa bàn và kịp thời báo cáo tình hình về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh.
TP Hạ Long, TP Cẩm Phả: Đảm bảo trước 16h ngày 6/9 phải di dời toàn bộ lao động lên bờ
Sáng 6/9, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại TP Hạ Long và TP Cẩm Phả.
Kiểm tra thực tế công tác phòng chống bão tại Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, TP Hạ Long, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy yêu cầu TP Hạ Long, các lực lượng Biên phòng, Cảng vụ hàng hải, Cảng vụ đường thủy nội địa và các đơn vị quản lý cảng tiếp tục kêu gọi tàu thuyền di chuyển đến các vị trí tránh trú an toàn. Tuyệt đối không để phương tiện nào còn neo đậu ở các vị trí mất an toàn khi bão đổ bộ.
Kiểm tra tại vị trí có nguy cơ sạt trượt trên tuyến đường nối cảng Cái Lân với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố phải có phương án đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân. Đồng thời, đảm bảo giao thông trên tuyến. Về lâu dài, thành phố phải nghiên cứu phương án để khắc phục triệt để nguy cơ sạt trượt, mất an toàn tại vị trí này.
Kiểm tra công tác phòng chống bão tại TP Cẩm Phả, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành phố phải tiếp tục kiểm tra, giám sát việc di dời đến các khu neo đậu an toàn của các tàu cá. Đối với các lồng bè trên biển, trước 16h ngày 6/9 phải di dời toàn bộ lao động lên bờ. Đồng thời, có phương án bảo đảm an toàn cho các tàu nước ngoài, tàu bốc dỡ hàng hóa đang neo đậu trong vùng nước của Khu neo đậu Con Ong - Hòn Nét và các khu vực khác.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các địa phương phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc triển khai các phương án ứng phó với bão trên địa bàn, nhất là đối với việc di dời tàu thuyền, lao động trên các lồng bè trên biển lên bờ trước 16h ngày hôm nay, 6/9. Các địa phương phải thành lập các tổ công tác đi kiểm tra đối với từng vị trí lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển. Cương quyết cưỡng chế di dời đối với các trường hợp không di dời. Tuyệt đối không để người dân, lao động ở lại trên các lồng bè khi bão đổ bộ.
Kiểm tra công tác phòng chống bão tại khai trường Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu và Cảng Cửa Ông, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng các phương án ứng phó. Bố trí lực lượng ứng trực đầy đủ tại các vị trí xung yếu. Đồng chí nhấn mạnh, dự báo đây là cơn bão có sức gió rất lớn, vì vậy việc đảm bảo an toàn cho hệ thống trang thiết bị tại Cảng Cửa Ông phải được đặc biệt chú trọng. Đảm bảo an toàn cho con người, thiết bị khi bão đổ bộ cũng như có thể quay trở lại sản xuất ngay sau bão.
TP Uông Bí, TX Đông Triều và TX Quảng Yên: Thường trực 24/24h để kịp thời phát hiện, ứng phó với các tình huống thiên tai
Sáng 6/9, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, đã kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại TP Uông Bí. Cùng đi có đồng chí Vũ Văn Diện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh và đại diện một số sở, ngành.
Báo cáo nhanh với đoàn công tác, TP Uông Bí có 15 tàu cá hoạt động vùng khơi, 81 tàu cá hoạt động theo phương thức sáng đi, chiều về. Hiện các chủ phương tiện đã nắm được tình hình của bão số 3 và đã di chuyển về các nơi tránh trú bão an toàn trên địa bàn thành phố và một số địa phương lân cận. Thành phố đã tổ chức 4 đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp tại các phường, xã, vị trí trọng điểm xung yếu.
Sau khi kiểm tra công tác phòng chống bão số 3 tại tuyến đê Điền Công, phường Trưng Vương; khu vực neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão tại phường Yên Thanh và một số tuyến đường giao thông tại xã Thượng Yên Công, đồng chí Đặng Xuân Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT-TKCN TP Uông Bí cần chủ động các biện pháp phòng, chống bão số 3, không được lơ là, chủ quan; tích cực tuyên truyền, vận động, kêu gọi, giám sát chủ các phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thuỷ sản nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn. Đối với những tàu đã vào khu vực bến bãi, phải thực hiện giằng néo tàu thuyền khi neo đậu đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Yêu cầu TP Uông Bí và các đơn vị sẵn sàng phương án “4 tại chỗ” thường trực 24/24h để kịp thời phát hiện, ứng phó với các tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn. Đối với các điểm xung yếu trên tuyến đê Điền Công, địa phương phải bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng bảo vệ đê và công trình trước mọi tình huống.
Hoàn lưu sau bão số 3 có thể gây mưa lớn cho toàn khu vực, vì vậy yêu cầu TP Uông Bí rà soát hệ thống tiêu thoát nước, làm tốt công tác tiêu nước, tiêu úng cho các khu vực dân cư, khu vực hoa màu và các vùng nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp tốt với các đơn vị ngành Than rà soát khu vực bãi thải có nguy cơ sạt lở trên toàn địa bàn để sẵn sàng có phương án ứng phó.
Cũng trong sáng nay, đồng chí Vũ Văn Diện, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại TX Đông Triều và TX Quảng Yên.
Sau khi kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3 tại một số công trình giao thông xã Hồng Thái Tây (TX Đông Triều) và cống tiêu thoát nước dưới đê Hà Nam (TX Quảng Yên), đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu TX Đông Triều, TX Quảng Yên theo dõi chặt chẽ diễn biến của cơn bão số 3, không chủ quan lơ là, nhất là mưa hoàn lưu sau bão.
Riêng TX Đông Triều cần chủ động kiểm tra, bố trí lực lượng quản lý vận hành, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa trong trường hợp mưa lớn. Đồng thời theo dõi chặt chẽ lưu lượng nước trên các hồ đập để vận hành tiêu thoát nước đệm đảm bảo an toàn. Các công trình xây dựng khẩn trương di chuyển máy móc, thiết bị, con người vào vị trí tránh trú bão an toàn; một số đơn vị ngành Than rà soát các vị trí ngập úng, sạt trượt bãi thải để có phương án phòng chống.
Đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, yêu cầu TX Quảng Yên khẩn trương tuyên truyền vận động, kêu gọi, giám sát chủ các phương tiện tàu thuyền, người lao động trên các chòi nuôi trồng thủy sản dứt khoát phải nhanh chóng vào nơi tránh trú bão an toàn. Đối với tuyến đê Hà Nam, TX Quảng Yên phải bảo đảm đầy đủ phương tiện, vật tư, nhân lực sẵn sàng bảo vệ đê trước mọi tình huống và sẵn sàng phương án di dân tới nơi trú bão an toàn khi cần thiết.
Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu chủ động theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”
Sáng 6/9, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 3 và mưa lũ tại Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu
Thực hiện các biện pháp ứng phó với bão số 3, huyện Ba Chẽ đã chủ động theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”. Trong đó, về nhân lực đã huy động tổng số 480 người, gồm lực lượng vũ trang, dân quân tự vệ, thành viên đội xung kích PCTT cấp xã. Về phương tiện, vật tư đã huy động 298 ô tô, 18 máy xúc, 11 thuyền, 3 xuồng máy, 8 xuồng hơi và 525 phao tròn, áo phao, bè phao, cùng các loại phương tiện khác.
Huyện cũng đã rà soát thống kê 247 ngôi nhà ở có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, tốc mái có phương án di dời đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, vật tư ứng cứu nếu xảy ra sự cố ngập lụt và sạt lở khi có mưa lớn kéo dài; chuẩn bị sẵn sàng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, xăng, dầu dự trữ…
Tại huyện Tiên Yên, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã ban hành các công văn, văn bản chỉ đạo; kế hoạch hiệp đồng chặt chẽ đối với các chủ phương tiện tham gia phòng chống khi có thiên tai xảy ra gồm: 122 ô tô; 15 máy xúc; 84 tàu thuỷ.
Toàn huyện có 16 công trình hồ đập (Công ty TNHH MTV thủy lợi miền Đông quản lý 4 công trình; hồ chứa do UBND huyện quản lý là 12 công trình). Hệ thống đê trên địa bàn huyện hiện có tổng chiều dài hơn 42km, gồm (Đê cấp IV 5,3km; đê cấp V 37,106km). Khu vực trọng yếu tại đê khu Hà Tràng Tây xã Đông Hải có 200 hộ có nguy cơ ngập lụt do điểm đê thấp, yếu, nước nguy cơ tràn qua đê.
Toàn huyện có 57 cầu/đập tràn; 68 hộ có nguy cơ ngập lụt; 69 hộ có nguy cơ nhà yếu, tập trung tại các xã Điền Xá, Đồng Rui, Đông Ngũ. 17 hộ nuôi cá lồng bè tại xã Tiên Lãng. Tổng số 524 tàu thuyền của người dân trên địa bàn huyện đã nhận được thông tin bão và chủ động di dời đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó tại vụng neo đậu tàu thuyền bến Nu Hàn, xã Tiên Lãng là 111 tàu thuyền.
Tại huyện Bình Liêu, đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã rà soát, thống kê có 16 điểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét; 22 hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, nhà yếu có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ dài ngày.
Trên cơ sở rà soát, huyện đã chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ nhân dân kịp thời di chuyển người và tài sản trước khi mưa bão xảy ra. Đồng thời chủ động tổ chức khắc phục các điểm sạt lở trên địa bàn quản lý (đối với các điểm đã sạt lở), cắm biển cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động cảnh giác khi có mưa bão xảy ra; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra. Cùng với đó, phân công lực lượng ứng trực, theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, lũ trên sông, có phương án tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h và tổng hợp, báo cáo kịp thời, thường xuyên kết quả triển khai và biện pháp ứng phó với bão; đối với các ngầm tràn giao thông, triển khai bổ sung, lắp đặt hoàn thiện các trạm barie, cử người trực 24/24h.
Kiểm tra thực tế một số địa điểm xung yếu trên địa bàn các huyện Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu và làm việc với lãnh đạo các địa phương, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hạnh ghi nhận, đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong công tác rà soát, đánh giá tình hình, sẵn sàng các phương án phòng chống bão với tinh thần trách nhiệm cao.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật lực, trang thiết bị, tính toán sẵn các phương án và hoàn thành mọi công tác chuẩn bị trước khi bão đến; sẵn sàng trang sắm, bổ sung các trang thiết bị cần thiết cho chống bão. Mục tiêu cao nhất đặt ra là tuyệt đối không để thiệt hại về người do yếu tố chủ quan trong công tác phòng chống bão; giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão gây ra.
Trong phòng chống bão, các đồng chí lãnh đạo, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN phải sát sao nắm tình hình, xác định trọng điểm phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; trực tiếp chỉ đạo việc sơ tán các hộ dân thuộc vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn; chủ động các biện pháp chằng chống nhà cửa, đặc biệt là những nhà ở có nguy cơ tốc mái; đặc biệt quan tâm đến việc nắm tình hình, hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo trong việc phòng chống bão.
Cùng với đó phải đảm bảo công tác tuyên truyền; tuyệt đối không để gián đoạn thông tin liên lạc. Theo dõi sát diễn biến của bão để kịp thời có các phương án phòng chống phù hợp; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong bất cứ hoàn cảnh nào, mục tiêu cao nhất là đảm bảo tuyệt đối an toàn về tính mạng và giảm thiểu thiệt hại về tài sản cho người dân.
Hạ Long tích cực phòng chống bão số 3:
Chủ động ứng phó bão trên đường thủy
Điện lực Quảng Ninh: Tái lập ca trực tại 21 trạm biến áp 110kV
Trước những diễn biến của cơn bão số 3, Công ty Điện lực Quảng Ninh đang tích cực triển khai các phương án phòng chống lụt bão với mục tiêu giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Lưới điện khu vực Quảng Ninh trải dài từ Phả Lại (tỉnh Hải Dương) đến TP Móng Cái, trong đó có nhiều tuyến đường dây 110kV, đường dây trung áp đi qua nhiều địa hình phức tạp, đồi núi, vượt sông suối, vượt biển nguy cơ sự cố cao khi bị ảnh hưởng của bão lũ.
Do đó, từ ngày 5/9, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tổ chức họp, phân công nhiệm vụ cụ thể với tinh thần cao nhất để đối phó với cơn bão số 3; yêu cầu các đơn vị kiểm tra rà soát lưới điện, công trình điện, công trình kiến trúc, khẩn trương khắc phục tồn tại trên lưới điện; chuẩn bị mọi nguồn lực trong công tác PCTT&TKCN theo phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với các Điện lực địa phương, Xí nghiệp lưới điện cao thế, Quảng Ninh là các đơn vị trực tiếp quản lý vận hành lưới điện, Công ty yêu cầu tổng kiểm tra rà soát lưới điện, chú trọng các vị trí xung yếu, có nguy cơ cây đổ vào đường dây và các vị trí đã từng xảy ra sự cố do ảnh hưởng của cơn bão số 2 trước đó. Đồng thời triển khai ngay các biện pháp phù hợp đối với các trạm biến áp, tủ điện có nguy cơ bị ngập úng; thực hiện phương án trực vận hành và phòng chống thiên tai phù hợp để đảm bảo an toàn, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống có thể xảy ra.
Tính đến 14h ngày 6/9, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã tổ chức tái lập ca trực đối với 21/21 trạm biến áp 110kV không người trực vận hành tại chỗ; bố trí đầy đủ nhân lực trực xử lý sự cố lưới điện tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có nguy cơ chia cắt bởi nước lũ, sạt lở đất gián đoạn giao thông và tại các xã đảo… Tại một số điểm xung yếu trên địa bàn tỉnh, Công ty đã đi kiểm tra hiện trường, họp đánh giá và đưa ra các phương án phòng chống mưa bão để hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão xảy ra.
Toàn bộ 887 phương tiện tàu, thuyền, bè mảng của huyện Hải Hà đã về nơi tránh trú bão an toàn.
Theo đó, 260 lồng bè của 28 hộ dân với 85 lao động đã được thông tin về tình hình bão số 3 và được tuyên truyền, vận động lên bờ trước khi bão đến. Hơn 35,9 km đê được kiểm tra và đang đảm bảo an toàn. Các hồ nước trên địa bàn mực nước đang đảm bảo. Địa phương đã rà soát 305 nhà có nguy cơ tốc mái với hơn 1.000 nhân khẩu đã có phương án di chuyển đến nơi an toàn.
Địa phương đã bố trí đầy đủ nhân lực, trang thiết bị cho phòng, chống bão số 3; tổ chức trực ban 24/24 giờ, nhất là tại các khu vực ngầm tràn, sông suối, khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, ngập úng...
Công an TX Quảng Yên: 100% cán bộ, chiến sĩ tham gia phòng chống bão
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, Công an TX Quảng Yên đã chủ động xây dựng phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, tìm kiếm cứu nạn và chỉ đạo 100% cán bộ, chiến sĩ toàn đơn vị chủ động ứng phó với bão. Đồng thời, chủ động chuẩn bị các điều kiện cần thiết về trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật, hậu cần, sẵn sàng thực hiện chỉ đạo, mệnh lệnh của cấp trên khi có yêu cầu tham gia cứu hộ, cứu nạn và các hoạt động giúp nhân dân khắc phục hậu quả trong và sau mưa bão.
Cùng với đó, Công an TX Quảng Yên cũng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn, phòng ngừa các đối tượng xấu lợi dụng tình hình mưa bão để thực hiện hành vi phạm tội. Công an các phường, xã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường công tác đảm bảo an ninh trật tự, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin về cơn bão cho người dân tại 179 thôn, khu trên địa bàn.
Tính đến 12h00 ngày 6/9/2024, trên địa bàn TX Quảng Yên, 100% chủ tàu cá và gia đình đã được thông báo và nắm được thông tin đưa tàu về nơi tránh trú. Thị xã cũng rà soát, lên phương án huy động 20 phương tiện ô tô, xe khách; 144 xe tải; 31 máy xúc, 400 bao cát; 4 cano, thuyền các loại và các vật tư khác (cưa máy, dây thừng…) trong trường hợp cần thiết.
Cô Tô: Yêu cầu thực hiện giới nghiêm từ 20 giờ, ngày 6/9
Để đảm bảo an toàn cho người dân, huyện Cô Tô ban hành Lệnh giới nghiêm tại các địa phương cấp xã trên địa bàn huyện. Thời gian giới nghiêm từ 20 giờ, ngày 6/9 cho đến khi bão tan.
Hiện nay, huyện Cô Tô đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện đáp ứng yêu cầu phòng, chống bão theo phương châm “Bốn tại chỗ”; rà soát địa bàn, các khu vực xung yếu, sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai phương án phòng, chống bão và phương án di chuyển nhân dân tới nơi an toàn. Trước 16h00’ ngày 6/9, huyện đã tổ chức sơ tán người dân trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản đến nơi an toàn. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa; rà soát các hộ gia đình có nhà ở không đảm bảo an toàn, có nguy cơ sụp đổ để bố trí nơi tránh trú, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt tối thiểu và hoàn thành sơ tán người dân đến nơi an toàn. Các xã, thị trấn cũng phân công cán bộ trực, kiểm soát tại các điểm sơ tán, tránh trú bão tập trung; phân công lãnh đạo, cán bộ xã và các đơn vị lực lượng vũ trang phụ trách từng thôn, xóm.
Huyện cũng yêu cầu các thôn, khu tiếp tục rà soát từng hộ dân, số nhân khẩu đang sinh sống tại căn nhà cấp 4; kiên quyết di dời 100% nhân khẩu tại những hộ dân này đến những căn nhà kiên cố, an toàn; hoàn thành trước 20 giờ ngày 6/9.
Cùng với đó, Cô Tô cũng xây dựng, ban hành phương án trưng dụng các khách sạn, trường học, trụ sở các cơ quan kiên cố để bố trí làm nơi ở tạm thời cho nhân dân trong thời gian bão đổ bộ, đảm bảo lương thực, thực phẩm và các điều kiện sinh hoạt của nhân dân, quyết tâm không để thiệt hại về người và giảm thiểu thiệt hại về tài sản của nhân dân.
Xã đảo Ngọc Vừng (huyện Vân Đồn) tích cực phòng chống bão số 3
Là một trong những nơi ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3, xã đang tích cực triển khai các giải pháp để đảm bảo công tác phòng chống bão, trong đó bố trí lực lượng khoảng 100 người; huy động 5 xe ô tô; 3 máy xúc, 3 phương tiện máy gạt; các dụng cụ áo phao 50 cái; loa tay, áo mưa, đèn pin, ủng, phao cứu sinh...
Công tác hậu cần tại chỗ được xã Ngọc Vừng bố trí 5 cửa hàng tạp hóa, đảm bảo cung ứng lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong thời gian mưa bão.
Đến 15h chiều 6/9, toàn bộ tàu thuyền trên địa bàn xã đã về nơi tránh trú bão an toàn. Vào lúc 13 giờ chiều 6/9, lực lượng chức năng của xã đã vận động và yêu cầu di dời 2 người cuối cùng ở lại bè chằng chống vào nơi trú tránh an toàn.
Với điểm có nguy cơ sạt lở tại tuyến đường giao thông do công trường đang thi công dự án, ngay trong sáng 6/9, UBND xã đã làm việc với các nhà thầu bố trí máy móc, phương tiện san gạt khi có sạt lở xảy ra, đảm bảo giao thông đi lại. UBND xã Ngọc Vừng đã bố trí lực lượng trực 24/24 tại các hồ, đập; thường xuyên giữ thông tin liên lạc với các chủ tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xảy ra.
TP Hạ Long vận động, yêu cầu 26 người dân làm nghề NTTS trên biển cuối cùng lên bờ an toàn.
Trên địa bàn thành phố có 1.538 tàu, thuyền, trong đó có 421 tàu du lịch đang hoạt động, 917 tàu cá và 200 tàu vận tải hoạt động trên biển. Đến 14h ngày 6/9, 100% số lượng tàu đã vào điểm tránh trú bão an toàn.
Liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản (NTTS), toàn thành phố có 65 cơ sở NTTS hoạt động trên biển gồm 2 tổ chức (Công ty CP Ngọc trai Hạ Long và Công ty CP Thủy sản Bạch Đằng); 63 hộ gia đình cá nhân với 63 bè nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao (cá song, cá giò, cá vược…).
Ngày 5/9, các lực lượng chức năng của thành phố đã tổ chức tuyên truyền, vận động và yêu cầu các cơ sở NTTS trên khu vực biển, sông thuộc địa bàn thành phố khẩn trương di dời, tìm nơi tránh trú bão an toàn. Đồng thời, để hỗ trợ người dân, từ sáng ngày 6/9, Công an TP Hạ Long cùng các đơn vị chức năng đã bố trí 6 lượt tàu để đưa các hộ dân NTTS lên bờ.
Tính đến 16h chiều nay, thành phố đã vận động, yêu cầu 26 người (phần lớn là phụ nữ và trẻ em) tại khu vực Vụng Gianh và khu vực Vung Viêng; khu Cống Sắt, khu Cửa Vạn lên bờ. Như vậy, 100% các cơ sở NTTS không còn người già, trẻ em, phụ nữ trên bè NTTS. Theo thống kê của thành phố, 31 người dân của các hộ NTTS còn lại hiện đã vào các nơi tránh trú kín gió tại các đảo trên biển.
Ngoài việc đảm bảo an toàn cho các hộ dân NTTS trên biển, TP Hạ Long cũng đã rà soát, lên phương án cho 11/33 nhà văn hóa xã, phường; 241/243 nhà văn hóa thôn, khu đảm bảo đủ điều kiện để bố trí việc di dời các hộ dân trong trường hợp khẩn cấp.
TX Quảng Yên: Không còn người trên các tàu, thuyền và bè nuôi trồng thủy sản
Để chủ động phòng chống cơn bão số 3, tính đến 18h ngày 6/9, 2.308 tàu, thuyền, mủng trên địa bàn TX Quảng Yên đã nắm được thông tin, chủ động di dời, neo đậu tại nơi tránh trú bão an toàn.
Theo đó, thị xã đã chỉ đạo các phường, xã, lực lượng vận động, tuyên truyền, ký cam kết với các hộ nuôi trồng thủy sản; hỗ trợ chằng chống, gia cố cho các bè, đầm; di dời người dân về nơi tránh trú bão. Hiện, tại các bè, đầm nuôi trồng thủy sản và tàu, thuyền không còn người dân.
Quảng Yên cũng duy trì lực lượng kiểm tra liên tục tại các bến, bè, đầm và sông đảm bảo tuyệt đối không để người dân còn trên đó khi bão về.
Thị xã đã chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành đặt rọ đá, bao cát, đắp ngăn mặt đê khu vực thi công 2 cống tiêu qua đê Hà Nam; thực hiện ngăn cửa khẩu đê khu cảng hàng lỏng, đường xuống KCN Nam Tiền Phong bằng các khối bê tông đúc sẵn và lớp bao cát; bố trí người trực vận hành hệ thống cống dưới đê.
Hiện tại, TX Quảng Yên đang tiếp tục họp phân công nhiệm vụ, triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3 khi bão về, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, giảm thiểu tối đa thiệt hại về tài sản.
Tiên Yên: Không để người dân ra ngoài khi có mưa, bão to
Trước diễn biến phức tạp, cường độ mạnh của cơn bão số 3, huyện Tiên Yên đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp để chủ động ứng phó siêu bão.
Chiều 6/9, đồng chí Nguyễn Chí Thành, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Tiên Yên, cùng đoàn công tác của huyện đã trực tiếp xuống các địa bàn trọng điểm để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 3.
Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế tại các tuyến đê trên địa bàn xã Đồng Rui, Hải Lạng; khu vực nuôi trồng thủy sản trọng điểm của huyện tại xã Hải Lạng, Đồng Rui; khu vực neo đậu tàu thuyền bến Nu Hàn, xã Tiên Lãng. Qua kiểm tra, đồng chí Bí thư Huyện ủy Tiên Yên lưu ý các địa phương không được chủ quan, lơ là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra các điểm có nguy cơ sạt lở, lũ quét, các tuyến, điểm đê xung yếu để có phương án xử lý kịp thời; tuyệt đối không để người dân ra ngoài khi có mưa, bão to. Đặc biệt quan tâm đến các hộ dân nuôi trồng thủy sản, cá lồng bè, tuyệt đối không được để người dân ở lại trên tàu, bè khi bão, lũ về. Nhanh chóng thực hiện các biện pháp phòng, chống, ứng phó với bão số 3 theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Các địa phương bố trí người túc trực 24/24h sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Chủ động phương án điều tiết xả nước tại các hồ, đập đảm bảo cao trình an toàn hồ đập.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, đồng thời sẵn sàng các kịch bản ứng phó thích hợp với cơn bão số 3 đảm bảo an toàn tuyệt đối về người và tài sản cho người dân trên địa bàn.
Vân Đồn: 100% phương tiện thủy đã vào các khu tránh trú an toàn
Theo báo cáo của UBND huyện Vân Đồn, đến chiều tối nay đã có 100% tàu thuyền trên địa bàn huyện về nơi tránh trú bão an toàn.
Số lượng tàu thuyền này được lực lượng chức năng hướng dẫn, thông báo về neo đậu tránh trú bão tại 8 khu vực thuộc địa bàn các xã Bản Sen, Đoàn Kết, Ngọc Vừng, Hạ Long, Thắng Lợi, Minh Châu, Quan Lạn và thị trấn Cái Rồng.
Khu vực có số lượng lớn tàu thuyền về neo đậu là khu vực Xà Kẹp, Ao Tiên, cống Lã Vọng với tổng số 912 chiếc. Ngoài các tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn huyện, thì các khu vực tránh trú bão còn tiếp nhận 116 tàu, thuyền khai thác thủy sản của các địa phương Hải Phòng, Thanh Hóa, Thái Bình. Cùng với đó đã có 618 nhà bè nuôi trồng thủy sản được gia cố, chằng chống an toàn.
Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh liên tục cập nhật thông tin về cơn bão số 3...
Liên kết website
Ý kiến ()