Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 12:37 (GMT +7)
Chạy đà cho mục tiêu tăng trưởng
Thứ 5, 02/05/2024 | 16:20:03 [GMT +7] A A
Trong tháng 4, nhiều chỉ số kinh tế như: thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đăng ký doanh nghiệp, tổng mức bán lẻ, vận tải hàng hóa và sản xuất công nghiệp... đã có sự cải thiện so với các tháng trước, tạo đà cho những tháng tiếp theo.
Tuy nhiên, theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4/2023 và 4 tháng đầu năm vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, nền kinh tế vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp để đạt mục tiêu cả năm 2024.
Tiếp tục quá trình phục hồi nhưng còn chậm
Tổng cục Thống kê cho biết: Trong bối cảnh thế giới đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam tháng 4 tiếp tục chuyển biến khá tích cực, góp phần cải thiện kết quả chung của 4 tháng đầu năm và tạo đà cho những tháng tiếp theo.
Cụ thể, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 4 tăng 1,19% và so với cùng kỳ năm trước tăng 4,4%. Bình quân 4 tháng đầu năm, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Cùng với đó, thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; lãi suất cho vay giảm; ổn định tỷ giá phù hợp với diễn biến thị trường; bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng. Tổng thu ngân sách nhà nước tháng 4/2024 ước đạt 175,6 nghìn tỷ đồng; lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước bốn tháng đầu năm 2024 ước đạt 733,4 nghìn tỷ đồng, bằng 43,1% dự toán năm và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong tháng 4, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 61,2 tỷ USD, giảm 5,2% so với tháng trước và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 238,88 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu tăng 15%; nhập khẩu tăng 15,4%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 8,4 tỷ USD.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện tại Việt Nam 4 tháng qua ước đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Đây là vốn FDI thực hiện cao nhất của 4 tháng đầu năm trong 5 năm qua.
Cũng trong tháng 4/2024, cả nước có thêm 15,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với số vốn đăng ký là 175,8 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm 4,1% về số doanh nghiệp và tăng 13,7% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Nhưng nếu so với tháng 3/2024, số doanh nghiệp mới trong tháng 4/2024 vẫn tăng 8,4%.
Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhận định: Kinh tế tháng 4 và 4 tháng năm 2024 tiếp tục quá trình phục hồi nhưng còn chậm. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IPP) tháng 4/2024 chỉ tăng 0,8% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, ngành công nghiệp phục hồi chậm, một số ngành công nghiệp chủ yếu tăng thấp, hoặc giảm.
Không những thế, ngành nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế trong mấy năm qua đang phải đối mặt với hạn hán, xâm nhập mặn, ảnh hưởng tới sản xuất lương thực; chăn nuôi gia súc sụt giảm. Mặc dù thời tiết thuận lợi nhưng khai thác thuỷ sản tăng không đáng kể.
Cùng với đó, xuất khẩu hàng hoá tháng 4 giảm so với tháng trước, kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2024 vẫn tăng nhưng tốc độ tăng thấp hơn so với quý I/2024. Số doanh nghiệp rút khỏi thị trường vẫn cao hơn số doanh nghiệp gia nhập thị trường phản ánh tình trạng vẫn rất khó khăn của khu vực doanh nghiệp.
Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với bất ổn, dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại trong quý I/2024, thấp hơn nhiều so với dự báo trước đó và thấp hơn 1,8 điểm phần trăm so với tốc độ tăng GDP của quý IV/2023. Lạm phát tháng 3/2024 của kinh tế Mỹ tăng tốc trở lại, đồng USD tăng giá, chi tiêu dùng giảm, Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định giữ nguyên lãi suất lần thứ 6 liên tiếp cho thấy Fed sẽ lùi thời điểm hạ lãi suất. Cùng với đó, gia tăng tỷ giá giữa VND và USD, tạo áp lực nhập khẩu lạm phát và kìm hãm tăng trưởng của kinh tế nước ta....
Phối hợp nhịp nhàng các giải pháp
Trong bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới còn những khó khăn, bất định khó lường, hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản gặp nhiều khó khăn khiến tăng trưởng chậm lại. Để kinh tế Việt Nam vượt qua khó khăn, quá trình phục hồi nhanh và bền vững hơn, giới chuyên gia kinh tế đề xuất Chính phủ và các địa phương tập trung thúc đẩy tổng cầu tiêu dùng trong nước, thực hiện các chương trình khuyến mại; chương trình ưu đãi tín dụng cho tiêu dùng; nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm hoặc bình ổn giá cước vận tải, đặc biệt giá vé máy bay để khuyến khích du lịch trong nước và thu hút khách du lịch quốc tế.
Để tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn vốn tạo thanh khoản cho doanh nghiệp, cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, nhất quán chính sách tài khoá và tiền tệ. Đồng thời, khẩn trương hoàn thuế cho doanh nghiệp; có chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực; thực hiện gói tín dụng ưu đãi đối với các ngành, lĩnh vực và doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất; miễn, giảm các loại phí, lệ phí để giảm chi phí, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Đặc biệt, đảm bảo cung ứng đầy đủ điện, xăng dầu cho sản xuất kinh doanh; có chế tài, quy định ngành điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện gây thiệt hại cho sản xuất.
Chính phủ cũng khẩn trương hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về xuất, nhập khẩu; thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ doanh nghiệp xử lý vấn đề tỷ giá giữa VND và USD, gia tăng nguồn cung, tiết giảm chi phí nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hoá Việt.
Mặt khác, đẩy mạnh thông tin thị trường, xúc tiến thương mại; đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu, đặc biệt đối với thị trường nhập khẩu để giảm thiểu tác động của những cú sốc từ các thị trường này. Ngoài ra, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng hiệu quả cơ hội và các cam kết từ các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ; tập trung xây dựng hình ảnh doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam uy tín.
Cùng với những giải pháp của Chính phủ, các doanh nghiệp xuất khẩu nắm bắt tín hiệu thị trường, giữ vững thị trường truyền thống, chủ động tìm kiếm đơn hàng, mở thêm thị trường mới.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho rằng, các bộ, địa phương cũng cần tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân hiệu quả vốn đầu tư công. Đặc biệt, hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2024 theo đúng quy định, bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, phù hợp với khả năng thực hiện.
“Tập trung đầu tư vào các dự án lớn, xóa bỏ đầu tư dàn trải, giảm thiểu thời gian thực hiện dự án, khẩn trương đưa các công trình vào sử dụng, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư công”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Để tạo sự đột phá trong thu hút và giải ngân vốn FDI năm 2024 của nền kinh tế, Chính phủ có giải pháp tăng cường năng lực cạnh tranh của môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nâng cao năng lực cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, công nghệ, thông tin và logistics đồng bộ.
Đồng thời, hoàn thiện thể chế, môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và quy định rõ, đơn giản các thủ tục liên quan tới quyền sử dụng đất; phòng cháy chữa cháy. Cùng với đó, có cơ chế khuyến khích các dự án FDI sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường, tự sản xuất và sử dụng năng lượng tái tạo; đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng và tay nghề với mức lương cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
Để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, Chính phủ và các địa phương đảm bảo đầy đủ nguồn cung với giá ổn định đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, điều chỉnh giá điện phù hợp với tình hình kinh tế trong nước, công khai minh bạch giá thành sản xuất điện.
Trong quý II và những tháng còn lại của năm 2024, áp lực rất lớn, để chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác điều hành giá, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung quyết liệt triển khai một số giải pháp trọng tâm. Trước hết, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế trong và ngoài nước, dự báo chi tiết, cụ thể các yếu tố tác động tới mặt bằng giá chung, nhất là những mặt hàng, dịch vụ thiết yếu để chủ động xây dựng các kịch bản chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm sát đúng với thực tế, qua đó tham mưu, đề xuất, triển khai các giải pháp điều hành giá phù hợp, kịp thời, hiệu quả.
Về điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành phải tính toán thời điểm phù hợp với quá trình thực hiện chính sách tiền lương mới, đảm bảo thực hiện kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm cho rằng, Chính phủ cũng thực hiện chính sách tài khoá và tiền tệ linh hoạt, giảm áp lực lạm phát tiền tệ đối với nền kinh tế; điều chỉnh tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định giá nguyên vật liệu nhập khẩu, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước.
Đồng thời, đánh giá tác động của việc tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế để quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh giá các loại dịch vụ do Nhà nước quản lý, đáp ứng mục tiêu kiểm soát lạm phát, giảm tác động tiêu cực đến mức sống của người dân.
“Kinh tế tháng 5 năm 2024 của nước ta có thể vẫn duy trì được quá trình phục hồi nhưng còn chậm, gập ghềnh và chưa chắc chắn”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm dự báo.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()