Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:36 (GMT +7)
Châu Âu lo ngại lượng khí đốt của Nga quá thấp để lấp đầy các kho chứa
Thứ 3, 26/07/2022 | 16:12:39 [GMT +7] A A
Công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết khi lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất, châu Âu sẽ chỉ có thể lấp đầy 75-80% các kho chứa trước mùa Đông.
Việc Nga cắt giảm nguồn cung thông qua đường ống dẫn khí đốt chính đến Đức sẽ khiến các nước không thể đạt được mục tiêu lấp đầy kho dự trữ, trong khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu phải đối mặt với việc phải phân phối nhiên liệu cho các ngành công nghiệp để đảm bảo người dân có đủ nhiên liệu sưởi ấm trong những tháng mùa Đông.
Các chính trị gia ở châu Âu đã nhiều lần nói rằng Nga có thể cắt nguồn cung khí đốt vào mùa Đông, qua đó đẩy nước Đức và rộng hơn là châu Âu rơi vào suy thoái.
Kịch bản này sẽ khiến giá cả tăng vọt đối với người tiêu dùng - những người vốn đã phải vật lộn với lạm phát ở mức cao kỷ lục trong nhiều năm.
Hôm 25/7, tập đoàn khí đốt Gazprom của Nga cho biết họ cần phải tạm dừng hoạt động của một tuabin, đồng nghĩa là dòng chảy khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 (Nord Stream 1) từ Nga đến Đức sẽ giảm công suất xuống chỉ còn 20% kể từ ngày 27/7.
Gazprom trước đó đã viện dẫn lý do một tuabin khác đang được bảo dưỡng ở Canada bị chậm trả lại để giảm lượng khí đốt vận chuyển qua Nord Stream 1 xuống 40% vào tháng Sáu, trước khi tạm dừng hoàn toàn trong 10 ngày để bảo trì theo lịch trình trong tháng Bảy.
Sau thời gian bảo trì, Gazprom đã nối lại nguồn cung đúng kế hoạch vào ngày 21/7, nhưng chỉ ở mức 40% công suất.
Nhưng ngay cả trước thông báo giảm công suất mới nhất của Gazprom, Cơ quan Quản lý mạng lưới liên bang Đức (Bundesnetzagentur) đã cho biết nước này sẽ phải vật lộn để đạt được mục tiêu lấp đầy kho dự trữ khí đốt.
Về tổng thể, Liên minh châu Âu (EU) có kế hoạch lấp đầy khoảng 80% các kho chứa nhiên liệu vào ngày 1/11 để có thể đảm bảo nguồn cung cho những tháng mùa Đông cao điểm. Đức có mục tiêu cao hơn nữa là lấp đầy ở mức 95% vào tháng 11.
Dữ liệu từ Cơ sở hạ tầng khí đốt châu Âu cho thấy, tính đến hiện tại, mức dự trữ khí đốt của châu Âu trung bình đang ở mức 66%. Còn đối với Đức, tính đến ngày 23/7, tổng lượng khí đốt dự trữ của nước này đạt 65,91%.
Nhưng công ty tư vấn Wood Mackenzie cho biết khi lượng khí đốt chuyển qua Nord Stream 1 chỉ còn 20% công suất, châu Âu sẽ chỉ có thể lấp đầy 75-80% các kho chứa trước mùa Đông.
Bà Kateryna Filippenko, chuyên gia phân tích cấp cao tại Wood Mackenzie, cho biết trong trường hợp đó, châu Âu có khả năng vượt qua mùa Đông với chỉ còn 20% lượng khí đốt trong kho vào cuối tháng 3/2023 - một mức rất thấp.
Một mùa Đông lạnh giá hơn dự kiến sẽ làm tình hình thêm căng thẳng, đặc biệt nếu thời tiết khắc nghiệt ở châu Á cũng như châu Âu. Điều này sẽ hạn chế khả năng các nước EU tìm được nguồn cung khí đốt khác trên thế giới để bổ sung cho các kho dự trữ.
EU đã và đang chuẩn bị cho viễn cảnh nguồn cung tiếp tục giảm hoặc ngừng hoàn toàn bằng cách tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế, khuyến khích tiết kiệm năng lượng và tăng cường sản xuất than.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu đã đề xuất tất cả các quốc gia thành viên cắt giảm 15% lượng sử dụng khí đốt kể từ ngày 1/8 để giúp lấp đầy các kho dự trữ nhanh hơn. Tuy nhiên, kế hoạch này đã vấp phải sự phản đối từ nhiều quốc gia thành viên.
Một số nước thẳng thừng chống lại yêu cầu cắt giảm, còn những nước khác không muốn để Brussels kiểm soát việc sử dụng năng lượng của họ.
Bà Karolina Siemieniuk, nhà phân tích của công ty tư vấn Rystad Energy, nhận định: “Toàn bộ hệ thống năng lượng của châu Âu đang trải qua một cuộc khủng hoảng. Ngay cả khi Nord Stream 1 được tái khởi động, khu vực này cũng đang trong tình thế khó khăn với rủi ro đe dọa an ninh năng lượng còn tồn tại.”
Theo bà, các nước châu Âu cần phải nhanh chóng làm việc cùng nhau nếu muốn trụ lại qua mùa Đông mà không chịu tổn thất lớn. Nhưng ngay cả khi các nước EU làm vậy, “bóng ma” của mùa Đông tiếp theo vào năm 2023-2024 vẫn có khả năng giữ giá năng lượng ở mức cao trong nhiều tháng./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()