Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 12:49 (GMT +7)
Châu Âu lo ngại bùng dịch vào mùa thu, nhiều nước đối mặt nguy cơ dịch COVID-19 và đậu mùa khỉ
Thứ 4, 27/07/2022 | 23:07:07 [GMT +7] A A
Đến sáng 27/7, thế giới có trên 576,59 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 6,4 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 với tổng cộng trên 92,33 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có khoảng trên 1,052 triệu trường hợp tử vong do bệnh này.
Theo báo cáo mới nhất của Viện Nhi khoa và Hiệp hội Bệnh viện nhi của Mỹ, trong một tháng qua, Mỹ ghi nhận hơn 311.000 trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2. Còn tính chung từ đầu năm 2022 đến nay, Mỹ có thêm 6,1 triệu ca nhiễm mới.
Viện Nhi khoa Mỹ cho rằng cần phải nhanh chóng thu thập thêm dữ liệu cụ thể về độ tuổi để đánh giá mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh liên quan đến các biến thể mới. Điều quan trọng là phát hiện ra những tác động đối với sức khỏe trẻ em và xác định cũng như giải quyết các tác động lâu dài đối với thể chất, tinh thần của thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên này.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 26/7, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43,92 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 526.000 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 151.600 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 33,63 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này. Ngày 26/7, Brazil ghi nhận 87.562 ca mắc mới.
Cao ủy châu Âu về Y tế đã khuyến cáo các nước thành viên lập tức chuẩn bị ứng phó nguy cơ bùng dịch COVID-19 trong mùa thu và mùa đông năm nay. Số ca lây nhiễm COVID-19 tại châu Âu tuy đã giảm bớt nhưng nguy cơ vẫn đang hiện hữu. Ủy ban châu Âu cho rằng, đại dịch vẫn có thể bùng phát trở lại vào mùa thu hoặc mùa đông năm nay, khi thời tiết trở lạnh. Cao ủy châu Âu về Y tế đã yêu cầu các quốc gia thành viên đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng tăng cường, tiêm liều vaccine thứ tư kể từ đầu đại dịch.
Một số nước châu Âu đang tiêm tăng cường cho những người trên 60 tuổi, người có bệnh nền và nhân viên y tế. Một số nước dự kiến tiêm chủng mở rộng cho toàn dân từ tháng 9 tới. Do chưa có vaccine ngừa các biến chủng BA.4 và BA.5 nên vaccine sẵn có vẫn được sử dụng cho mũi tiêm thứ tư.
Virus vẫn đang liên tục biến đổi theo cách không thể dự đoán trước được, gây khó khăn cho việc phát triển liên tục các dòng vaccine phù hợp. Du lịch châu Âu đang hồi phục mạnh mẽ, lượng người di chuyển từ nước này sang nước khác gia tăng trong mùa hè, cộng thêm với việc bãi bỏ các biện pháp phòng dịch khiến giới chức y tế lo ngại, đại dịch sẽ bùng phát trở lại vào mùa thu.
Tỷ lệ nhiễm COVID-19 đã tăng trở lại ở Nga trong tuần qua với mức tăng lên đến gần 50%. Các nhà chức trách Nga không loại trừ khả năng các biện pháp hạn chế phòng COVID-19 có thể được tái áp đặt. Số các ca mắc mới COVID-19 tại thủ đô Moscow của Nga tăng đến 10 lần trong vòng một tháng qua, từ khoảng 200 đến hơn 2.000 người nhiễm mỗi ngày vào thời điểm này. Mức tăng số ca nhiễm đã được ghi nhận ở 70 khu vực trên toàn liên bang.
Một số địa phương tại Nga đã nhanh chóng triển khai các biện pháp chống COVID-19, khuyến cáo người dân sử dụng khẩu trang trở lại trong những không gian công cộng khép kín.
Kể từ khi bắt đầu đại dịch, ở Nga đã có hơn 18,54 triệu ca nhiễm COVID-19, khoảng 17,9 triệu người được điều trị khỏi và hơn 382.000 trường hợp tử vong.
Số ca mắc COVID-19 phải nhập viện tại Australia đã tăng lên mức cao nhất kể từ khi đại dịch bùng phát ở nước này. Theo số liệu của Bộ Y tế Australia, nước này ghi nhận hơn 5.400 trường hợp phải nhập viện vì COVID-19 trong ngày 25/7, tăng từ mức 5.000 ca cách đây một tuần. Đây là số ca COVID-19 phải nhập viện cao nhất từ trước đến nay ở Australia, cao hơn mức kỷ lục trước đó là 5.390 ca ghi nhận vào tháng 1 năm nay.
Giới chuyên gia Australia cho rằng làn sóng lây nhiễm mùa đông có thể sẽ đạt đỉnh trong vài tuần tới, làm gia tăng áp lực lên hệ thống y tế cả nước. Giới chức y tế tại Australia đang kêu gọi chính phủ nước này tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh, trong đó có quy định đeo khẩu trang bắt buộc.
Là một trong số quốc gia đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng, Australia đã tiêm 2 mũi cơ bản cho 95% người trưởng thành trên 16 tuổi tại nước này, trong khi tỷ lệ tiêm mũi tăng cường là 71%. Tính đến nay, Australia ghi nhận trên 9,18 triệu ca mắc COVID-19, trong số này có 11.300 người thiệt mạng.
Malaysia sẽ không áp dụng lệnh kiểm soát đi lại (MCO) hoặc đóng cửa biên giới nhằm đối phó với sự gia tăng số ca mắc COVID-19 và nguy cơ lây lan của bệnh đậu mùa khỉ tại quốc gia Đông Nam Á này. Phát biểu với báo giới ngày 26/7, Chủ tịch Hội đồng Phục hồi quốc gia (MPN) Muhyiddin Yassin cho biết, dựa trên báo cáo của Bộ Y tế (MOH), số ca mắc COVID-19 và bệnh đậu mùa khỉ tại Malaysia đang được kiểm soát. Đáng chú ý, trong các bước chuẩn bị sớm nhằm đối phó với nguy cơ đại dịch bùng phát trở lại và nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ lây lan, MOH cho rằng không cần tái áp đặt MCO hoặc kiểm soát biên giới.
Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc đã chỉ thị 100 công ty lớn tại đây phải hoạt động trong hệ thống "vòng tròn khép kín" nghiêm ngặt khoảng 7 ngày do đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất. Theo đó, các công nhân viên phải tuân thủ quy định làm việc trong phạm vi vòng tròn này. Họ không được tiếp xúc hoặc tiếp xúc rất hạn chế với những người sống bên ngoài các văn phòng hoặc các nhà máy.
Theo các số liệu chính thức của giới chức y tế địa phương, ngày 24/7, Thâm Quyến, trung tâm công nghệ lớn của Trung Quốc, đã ghi nhận 21 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng, tăng so với con số 19 ca một ngày trước đó. Phản ứng về thông tin trên, Foxconn, một trong những công ty công nghệ có cơ sở sản xuất lớn tại Thâm Quyến, cho biết, các hoạt động của công ty này tại địa phương vẫn diễn ra "bình thường", và hãng sẽ tuân thủ chỉ thị của chính quyền nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động sản xuất.
Ngày 26/7, Trung Quốc ghi nhận 148 ca mắc mới có triệu chứng. Đến nay, tổng cộng 228.946 người đã nhiễm COVID-19, bao gồm 5.226 người thiệt mạng ở nước này.
Trung Quốc đã cấp phép sử dụng có điều kiện cho thuốc Azvudine chữa bệnh COVID-19 cho người trưởng thành. Đây là dược phẩm do công ty dược nội địa Genuine Biotech phát triển.
Thuốc viên Azvudine được cơ quan chức năng Trung Quốc cấp phép sử dụng trong điều trị các bệnh nhân nhiễm virus HIV-1 hồi tháng 7/2021. Trong thông báo mới, Cơ quan Quản lý sản phẩm y tế quốc gia Trung Quốc nêu rõ, thuốc được cấp phép sử dụng trong điều trị bệnh nhân COVID-19 thể thường. Tại Trung Quốc, bệnh nhân mắc COVID-19 thể thường là những người nhiễm virus SARS-CoV-2, có dấu hiệu viêm phổi nhưng chưa đến giai đoạn bệnh nặng.
Tháng 2 vừa qua, Trung Quốc cũng đã cấp phép sử dụng thuốc viên Paxlovid dạng uống của hãng Pfizer trong điều trị COVID-19 ở những bệnh nhân trưởng thành, có triệu chứng vừa đến nhẹ và có nguy cơ cao chuyển nặng. Năm 2020, Trung Quốc cũng đã cấp phép sử dụng viên nang Lianhuaqingwen, một loại thuốc cổ truyền, để điều trị các triệu chứng mắc bệnh COVID-19 như sốt và ho.
Trong thông báo đưa ra đầu tuần này, Genuine Biotech cho biết, thuốc viên Azudines có hiệu quả cải thiện các triệu chứng ở 40,4% bệnh nhân sau 7 ngày dùng thuốc so với mức 10,9% ở nhóm dùng giả dược. Tuy nhiên, công ty này không công bố các dữ liệu chi tiết.
Ngoài Genuine Biotech, các công ty khác của Trung Quốc cũng đang phát triển thuốc điều trị COVID-19 là Shanghai Junshi Biosciences và Kintor Pharmaceutical.
Ngày 25/7, Nhật Bản ghi nhận 126.575 ca mắc mới COVID-19 trong bối cảnh nước này đang trải qua làn sóng thứ 7 của dịch COVID-19 liên quan đến sự lây lan mạnh của biến thể phụ BA.5 của Omicron. Con số này đã giảm mạnh so với 2 ngày trước đó, nhưng vẫn ở mức cao, trong đó, riêng khu vực thủ đô Tokyo có 22.387 ca. Ngày 23/7, Nhật Bản ghi nhận số ca mắc mới theo ngày cao kỷ lục 200.975 ca và ngày 24/7 là 176.554 trường hợp.
Trong khi đó, ngày 26/7, Nhật Bản xác nhận 154.011 ca nhiễm mới và 55 trường hợp tử vong do COVID-19.
Cùng ngày 25/7, Nhật Bản đã ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ đầu tiên. Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ban bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu đối với bệnh đậu mùa khỉ, mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này khi dịch bệnh đã lây lan 70 quốc gia trên toàn thế giới.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()