Từng tin tưởng giao an ninh cho Mỹ suốt nhiều thập kỷ, châu Âu ngày càng nhận ra họ khó còn có thể phụ thuộc vào "ô hạt nhân" của Washington.
Năm 1961, khi căng thẳng giữa Liên Xô và phương Tây gia tăng liên quan đến quyền kiểm soát thành phố Berlin, tổng thống Pháp lúc đó Charles de Gaulle tỏ ra hoài nghi về quyết tâm bảo vệ châu Âu của Mỹ.
Trong cuộc gặp người đồng cấp John F. Kennedy, tướng de Gaulle đặt câu hỏi nếu lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev triển khai quân trên khắp châu Âu, liệu Mỹ có thực sự sẵn sàng hy sinh New York trong cuộc đối đầu hạt nhân để bảo vệ Paris hay không.
Câu hỏi liệu một cường quốc hạt nhân có sẵn sàng đánh đổi lợi ích trên lãnh thổ của mình để bảo vệ đồng minh xa xôi đã trở thành vấn đề cốt lõi của địa chính trị, kể từ thời điểm Mỹ mở rộng chiếc ô hạt nhân sang châu Âu khi NATO được thành lập năm 1949. Dù Liên Xô có công khai bày tỏ hoài nghi về vấn đề này thế nào, họ chưa từng thử tìm câu trả lời.
Hiện tại, khiUkrainechìm trong xung đột đẫm máu nhất trong gần 8 thập kỷ và Tổng thống Nga Vladimir Putin thường xuyên đe dọa về vũ khí hạt nhân, câu hỏi từng được tướng de Gaulle đặt ra lại bùng lên trong tâm trí các lãnh đạo châu Âu.
Liệu tổng thống Mỹ có sẵn sàng mạo hiểm kích hoạt chiến tranh hạt nhân vì Helsinki, Tallinn hoặc Warsaw hay không? Nếu không, liệu hai cường quốc hạt nhân châu Âu là Pháp và Anh có đủ sức răn đe để ngăn xung đột Ukraine lan rộng hơn?
Nhiều người châu Âu hiện rất coi trọng khả năng răn đe hạt nhân của Pháp và Anh. Tomas Jermalavicius, người phụ trách nghiên cứu tại Trung tâm Quốc phòng và An ninh Quốc tế ở Tallinn, Estonia, cho rằng châu Âu có nhiều cách để giảm thiểu tác động từ việc mất đi chiếc ô hạt nhân của Mỹ và ngăn nguy cơ bị tấn công.
"Chỉ cần châu Âu vẫn có 1% khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân, năng lực răn đe của họ vẫn hiệu quả", Jermalavicius nói.
Đây được coi là động lực thúc đẩy chương trình vũ khí hạt nhân của Pháp. Lực lượng phòng thủ nước này hiện sở hữu khoảng 290 đầu đạn hạt nhân, được bố trí trên các tàu ngầm trực chiến và chiến đấu cơ Rafale.
Chương trình hạt nhân của Pháp hoàn toàn tách biệt với NATO, khi Paris là thành viên duy nhất của liên minh không thuộc Nhóm Kế hoạch Hạt nhân. Tổng thốngMacronlà người nắm toàn quyền về khả năng kích hoạt vũ khí hạt nhân của Pháp.
Lực lượng hạt nhân của Anh có quy mô nhỏ hơn Pháp và được tích hợp hoàn toàn vào NATO. Thiếu năng lực răn đe hạt nhân trên không, Anh phải dựa vào hệ thống tên lửa Trident mà Mỹ cung cấp để trang bị cho bốn tàu ngầm nước này. Quốc gia châu Âu này hiện sở hữu 225 đầu đạn hạt nhân. Thủ tướng Anh nắm quyền kích hoạt vũ khí hạt nhân và học thuyết nước này quy định rõ chúng chỉ được sử dụng trong trường hợp tự vệ, gồm cả bảo vệ đồng minh châu Âu.
Dù lép vế so với hàng nghìn đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ, lực lượng hạt nhân của Pháp và Anh có thể mang lại khả năng răn đe đáng tin cậy trong trường hợp khủng hoảng, theo giới quan sát. Viễn cảnh chỉ một đầu đạn hạt nhân xuyên thủng hệ thống phòng không có thể đủ khiến bất cứ đối thủ nào phải kiềm chế hành động.
"Khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu không nhất thiết đồng nghĩa họ phải sở hữu kho vũ khí lớn hơn. Vấn đề nằm ở uy tín về mặt chính trị", Bruno Tertrais, phó giám đốc Tổ chức Nghiên cứu Chiến lược ở Paris kiêm cố vấn cho chính phủ Pháp về chính sách hạt nhân, nói.
Peter Watkins, thành viên tại tổ chức nghiên cứu Chatham House ở London kiêm tổng giám đốc chiến lược và quốc tế tại Bộ Quốc phòng Anh, chỉ ra NATO không cần tăng số lượng đầu đạn hạt nhân, vì liên minh đã có thêm hai thành viên mới là Phần Lan và Thụy Điển, những nước có nền quốc phòng hùng mạnh.
"Khả năng răn đe rõ ràng tốt hơn nếu bạn có lực lượng lớn hơn. Nếu không có Mỹ, chiếc ô hạt nhân củaNATOsẽ không còn mạnh mẽ như hiện tại. Nhưng năng lực hạt nhân của Anh và Pháp cũng rất đáng kể", Watkins nói.
Tuy nhiên, thực tế là không đồng minh nào muốn đánh mất chiếc ô an ninh trong thỏa thuận "chia sẻ hạt nhân" do Mỹ dẫn đầu. Theo thỏa thuận này, Mỹ triển khai vũ khí hạt nhân tới Đức, Hà Lan, Bỉ, Italy và Thổ Nhĩ Kỳ để đảm bảo năng lực răn đe. Không quân những nước này có thể triển khai máy bay mang vũ khí hạt nhân nếu Mỹ, quốc gia kiểm soát số vũ khí đó, cho phép tấn công.
Ông Macron hồi tháng 2/2020 mời các đồng minh châu Âu tham gia cuộc diễn tập lực lượng hạt nhân và thảo luận về khả năng răn đe của Pháp có thể giúp tăng cường an ninh châu Âu. Tuy nhiên, đề nghị của ông không nhận được hưởng ứng từ đồng minh.
Đức nhanh chóng bác bỏ ý kiến. Việc ôngJoe Bidenđắc cử tổng thống Mỹ cuối năm đó khiến nhiều lãnh đạo châu Âu kết luận mối đe dọa mà NATO phải đối mặt dưới thời chính quyền Donald Trump như một "cơn bão đã tan".
Tuy nhiên, cơn bão chưa thật sự biến mất. Phe Cộng hòa ở quốc hội Mỹ đã cản trở chính sách đối ngoại của ông Biden khi chặn gói viện trợ bổ sung của Mỹ cho Ukraine. Điều này đã làm giảm đáng kể nguồn cung đạn dược cho Ukraine, tạo điều kiện cho Nga giành lợi thế trên chiến trường.
Trong khi đó, ôngTrumptiếp tục chỉ trích NATO trong các sự kiện vận động tranh cử. Cựu tổng thống Mỹ từng đe dọa không bảo vệ các đồng minh NATO không đóng góp đủ ngân sách cho liên minh.
Khi nỗi lo sợ ngày càng tăng ở châu Âu, các cuộc thảo luận về đảm bảo khả năng răn đe hạt nhân mà không phải phụ thuộc vào "chiếc ô" của Mỹ cũng trở nên sôi nổi hơn. Nathalie Tocci, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế ở Rome, cho biết nhiều lãnh đạo châu Âu giờ đây cảm thấy hối tiếc khi bỏ qua đề xuất năm 2020 của ông Macron.
"Ông Trump là động lực chính trị để khơi dậy cuộc thảo luận về vấn đề này", bà nói.
Dù vẫn nằm ngoài Nhóm Kế hoạch Hạt nhân của NATO, nhiều quan chức Pháp đã bắt đầu nói nhiều hơn về khả năng răn đe hạt nhân của Pháp. Họ cho biết Pháp không có ý định chia sẻ quyền sử dụng vũ khí hạt nhân và không yêu cầu đồng minh tài trợ cho chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, các khoản đầu tư của Pháp vào năng lực răn đe hạt nhân có thể tương xứng với kế hoạch tăng ngân sách cho vũ khí thông thường của Đức và các nước châu Âu khác.
Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, cho rằng các nước châu Âu cần suy nghĩ về việc xây dựng kế hoạch răn đe hạt nhân riêng với sự đóng góp của Anh vàPháp, khi đối mặt thực tế mới đáng lo ngại như hiện tại.
Tuy nhiên, nhiều người tỏ ra hoài nghi. "Khả năng răn đe hạt nhân của châu Âu chỉ mang tính giả định và chúng ta không nên lãng phí thời gian với nó. Chúng ta không có năng lực, cũng không có ý chí chính trị để làm điều đó", Slawomir Debski, giám đốc Viện Quan hệ Quốc tế Ba Lan ở Warsaw, nói.
Norbert Rottgen, nhà lập pháp cấp cao Đức, cho rằng bất chấp những thay đổi ở Mỹ, điều quan trọng và hợp lý nhất với Berlin và đồng minh châu Âu là tập trung xây dựng năng lực quân sự thông thường và ngành công nghiệp quốc phòng, nhằm nỗ lực làm suy yếuNgatrên chiến trường Ukraine.
"Sự thay đổi nhanh chóng về khả năng răn đe hạt nhân là điều không thể. Nếu chúng ta mất đi khả năng răn đe vì quyết định của Mỹ, sẽ cần nhiều năm và ít nhất là một thập kỷ để bù đắp lỗ hổng mà Washington để lại", ông nói. "Chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực mình có thể tạo ra khác biệt ngay bây giờ và chính sách giúp bù đắp tổn thất nếu ông Trump tái đắc cử".
Nhiều chiến lược gia tin rằng dù Trump tái đắc cử vào tháng 11, tổng thống mới của Mỹ sẽ khó có khả năng rút lực lượng răn đe hạt nhân ở châu Âu, bởi nó sẽ làm suy yếu sức mạnh của Mỹ trên thế giới.
"Hạt nhân sẽ là lĩnh vực cuối cùng, không phải đầu tiên, bị ảnh hưởng khi mối quan hệ song phương xấu đi", Liviu Horovitz, chuyên gia hạt nhân tại Viện Các vấn đề an ninh và quốc tế Đức, nói.
Kurt Volker, cựu đại sứ Mỹ tại NATO và từng là đặc phái viên của chính quyền Trump ở Ukraine, đồng tình với nhận định này. "Tôi không nghĩ khả năng Mỹ rút lực lượng khỏi NATO hay rút ô hạt nhân ở châu Âu là thực tế. Ngay cả ông Trump cũng sẽ không làm như vậy", ông nói.
Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo châu Âu vẫn tỏ ra lo lắng khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đến gần. Một số chính trị gia ở Đức đã bắt đầu nêu kịch bản nước này sở hữu vũ khí hạt nhân, dù đây được xem là điều rất phức tạp cả về mặt chính trị và công nghệ, cũng như sẽ làm sụp đổ hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện tại.
Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski cũng ám chỉ vấn đề này trong chuyến thăm Washington gần đây. "Nếu Mỹ không thể cùng với châu Âu tạo điều kiện cho Ukraine đẩy lùi Nga, tôi sợ rằng liên minh các quốc gia dân chủ của chúng ta sẽ bắt đầu tan vỡ. Đồng minh sẽ tìm cách khác để đảm bảo an toàn cho họ và phòng ngừa rủi ro. Một số sẽ theo đuổi vũ khí tối tân và khởi động cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân mới", ông nói.
Trong trường hợp Anh và Pháp mở rộng chiếc ô hạt nhân, câu hỏi tương tự mà hai nước phải đối mặt là liệu họ có sẵn sàng hy sinh Paris hay London hay không.
"Đó là câu hỏi hoàn toàn hợp lý. Bạn sẽ không bao giờ nhận được câu trả lời rõ ràng, bởi khả năng răn đe hạt nhân gắn liền với tính mơ hồ chiến lược", Edward Stringer, cựu quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Anh, nói.
Tuy nhiên, khi sẵn sàng giao phó an ninh của mình cho Mỹ, châu Âu cũng không nên ngần ngại đặt niềm tin vào Pháp, theo cựu đại sứ Đức Ischinger.
"Pháp gần hơn nhiều. Nếu xuất hiện mối đe dọa hạt nhân ở châu Âu, Pháp nhiều khả năng hiểu rằng an ninh của chính họ sẽ gặp rủi ro ngay khi an ninh Ba Lan, các nước vùng Baltic hay Đức gặp nguy hiểm. Điều này không đúng với Mỹ và không có lý do gì để ai đó ở Pittburgh, Pennsylvania tin rằng họ gặp nguy hiểm nếu Nga đe dọa Estonia", Ischinger nói.
Ý kiến ()