Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:47 (GMT +7)
Châu Á muốn sống chung với Covid-19 nhưng bị Omicron chặn lối
Thứ 3, 07/12/2021 | 07:33:02 [GMT +7] A A
Tuy mối nguy hiểm tiềm tàng từ Omicron chưa rõ, khả năng lây lan nhanh chóng của biến chủng này đang đe dọa kế hoạch tái mở cửa của các nước châu Á - Thái Bình Dương.
Sau hơn 20 tháng kiểm soát biên giới nghiêm ngặt và áp đặt các lệnh hạn chế trong cuộc sống hàng ngày, nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã bắt đầu nới lỏng và chung sống với Covid-19. Động thái này diễn ra vài tháng sau khi châu Âu và Bắc Mỹ mở cửa trở lại hoàn toàn.
Nhưng trong vài ngày, kế hoạch đó hoàn toàn đảo lộn, theo CNN.
Tháng trước, sau khi Nam Phi phát hiện một biến chủng mới, các nhà khoa học cho biết sẽ mất ít nhất hai tuần để biết thêm về cách Omicron ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine và các phương pháp điều trị.
Khi các chuyên gia y tế công cộng chờ đợi dữ liệu, chính phủ trên khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương không chấp nhận bất kỳ rủi ro nào có thể xảy tới. Nhiều nước nhanh chóng hành động vì lo ngại biến chủng Omicron có thể lây lan trong cộng đồng hoặc xâm nhập vào lãnh thổ, ngay cả ở những nơi có quy định biên giới vốn đã nghiêm ngặt và tỷ lệ tiêm chủng cao.
Một số quốc gia mở rộng biện pháp cách ly bắt buộc hoặc đóng cửa biên giới đối với hầu hết du khách nước ngoài.
Các chuyên gia cho rằng đó là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, họ nói rằng các quốc gia có thể cần phải điều chỉnh kỳ vọng và hình dung khi sống chung với Covid-19, cải thiện công bằng phân phối vaccine khi virus này trở thành bệnh đặc hiệu.
Trì hoãn
Thuộc nhóm có phản ứng mạnh mẽ nhất với Omicron, Nhật Bản đóng cửa biên giới đối với hầu hết đối tượng không phải là công dân, bao gồm sinh viên quốc tế, doanh nhân và những người đến thăm gia đình.
Ban đầu, Nhật Bản yêu cầu tất cả hãng hàng không tạm ngừng cho phép khách hàng đặt vé. Điều này có khả năng khiến công dân Nhật Bản mắc kẹt ở nước ngoài. Quy định này đã phải hủy bỏ sau khi nhận nhiều chỉ trích.
Công dân và người nước ngoài có giấy phép nhập cảnh vẫn được phép quay lại Nhật Bản. Với người đến từ một số quốc gia, họ sẽ phải hoàn thành các bước kiểm dịch bắt buộc của chính phủ.
Các quy định mới được đưa ra chỉ vài tuần sau khi Nhật Bản có dấu hiệu nới lỏng, giảm thời gian cách ly với người đã tiêm chủng đầy đủ từ 10 ngày xuống còn 3 ngày, bỏ lệnh giới nghiêm đối với quán bar và nhà hàng ở thủ đô Tokyo.
Nhật Bản không phải là quốc gia châu Á - Thái Bình Dương duy nhất trì hoãn kế hoạch tái mở cửa.
Australia - một tháng trước bắt đầu mở cửa trở lại sau hơn một năm kiểm soát biên giới - đã dừng kế hoạch cho phép người di cư và sinh viên quốc tế nhập cảnh trong hai tuần do lo ngại Omicron. Nước này cũng cấm du khách đến từ một số quốc gia từ miền Nam châu Phi. Ngoài ra, một số bang một lần nữa yêu cầu khách du lịch quốc tế phải cách ly.
Ngay cả những quốc gia phụ thuộc vào du lịch cũng đang phải trì hoãn mở cửa trở lại. Philippines đã tạm thời đình chỉ kế hoạch cho phép du khách quốc tế đã tiêm phòng đầy đủ tới nước này do lo ngại Omicron.
Bác sĩ Jason Wang - giáo sư nhi khoa và chính sách y tế tại Đại học Stanford - cho biết quá trình tái mở cửa có thể yêu cầu các quốc gia nhanh chóng điều chỉnh chính sách của mình.
"Điều mà đại dịch đã dạy chúng ta là cân bằng cuộc sống và sinh kế. Nó giống như trái tim, chúng ta cần cả tâm thu (co bóp) và tâm trương (thư giãn) để tim tiếp tục bơm", ông Wang nói. "Chính phủ cần áp dụng các biện pháp hạn chế khi ca bệnh tăng nhanh, nhưng hãy thư giãn khi tỷ lệ nhiễm giảm xuống".
"Mục đích là để giảm nguy cơ lây lan trong khi vẫn cho phép đi lại", ông nói thêm. "Chúng ta có nhiều công cụ tốt hơn để chống lại đại dịch. Lệnh cấm nhập cảnh chỉ là giải pháp tạm thời".
Chờ đợi
Một quốc gia không thay đổi gì nhiều trong cuộc chiến chống lại Omicron là Trung Quốc, một phần là do hạn chế đi lại với người nước ngoài vốn đã cực kỳ chặt chẽ.
Zhang Wenhong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Thượng Hải, cho biết biến chủng mới sẽ "không có tác động lớn đến Trung Quốc vào thời điểm này".
Singapore - một trong những quốc gia đầu tiên ở châu Á - Thái Bình Dương công bố kế hoạch chi tiết về việc chung sống với Covid-19 - dường như đang có kế hoạch "cứ chờ xem".
Chính quyền cấm tất cả du khách đến từ 7 quốc gia châu Phi. Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung so sánh biến chủng Omicron với trò chơi tung xúc xắc rắn leo thang.
"Chúng ta không biết lần tung xúc xắc tiếp theo sẽ thế nào và chúng ta sẽ tiến đến đâu", ông Ong nói trong cuộc họp báo.
“Nếu Omicron dễ lây nhiễm hơn, tính độc hơn và vaccine không hoạt động tốt, chúng ta phải lùi lại một chặng đường dài”, ông Ong nói thêm. Nhưng nếu Omicron dễ lây nhiễm nhưng gây triệu chứng nhẹ hơn, Singapore sẽ có "bước tiến nhảy vọt trong quá trình chuyển sang sống với Covid-19".
Biên giới sẽ là tuyến phòng thủ đầu tiên của Singapore, một cách để câu giờ củng cố các “tuyến phòng thủ” khác. Bộ trưởng Tài chính Lawrence Wong ngày 1/12 cho biết Singapore sẽ tập trung vào mũi vaccine tăng cường và các biện pháp khác.
Thái Lan - quốc gia giảm thời gian cách ly và mở cửa biên giới cho du khách quốc tế tiêm phòng đầy đủ từ các nước đủ điều kiện vào ngày 1/11 - cũng cho biết họ sẽ không lùi bước. Chính phủ đã áp đặt hạn chế từ một số quốc gia châu Phi.
"Không ai muốn một lần nữa đóng cửa biên giới vì việc mở cửa trở lại thực sự rất khó khăn", Bộ trưởng Du lịch và Thể thao Phiphat Ratchakitprakarn cho biết. "Nền kinh tế vẫn đang trải qua khủng hoảng, vì vậy chúng tôi sẽ không đóng cửa biên giới trừ khi ở trong một tình thế rất nguy cấp".
"Sống trong sương mù"
Hiện tại, Renu Singh - chuyên gia nghiên cứu về chính trị sức khỏe cộng đồng tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong - cho biết các quốc gia đang ở trong "sương mù" vì không có nhiều thông tin chắc chắn về Omicron. Họ không muốn mất cảnh giác nếu biến chủng mới trốn tránh vaccine hoặc gây ra bệnh nghiêm trọng.
"Đại dịch có nhiều điều không chắc chắn, nhưng thổi phồng quá mức một biến chủng có thể gây ra cú đánh mạnh không cần thiết vào nền kinh tế, tạo ra rủi ro. Rủi ro cho cả nền kinh tế lẫn con người", bà Singh nói.
Nhưng mặt khác, việc dỡ bỏ các hạn chế theo kiểu "Ngày tự do" là "chủ quan", theo Jeremy Lim - phó giáo sư tại Trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock, Đại học Quốc gia Singapore (NUS).
"Nới lỏng dần dần theo từng giai đoạn, theo dõi rất cẩn thận tỷ lệ tiêm chủng và tiêm nhắc lại, đặc biệt là trong cộng đồng có nguy cơ, khả năng của bệnh viện và số ca bệnh", ông nói.
Đây là điều mà Hàn Quốc đang cố gắng cân bằng. Quốc gia này đã nới lỏng các hạn chế vào ngày 1/11 với mục tiêu "phục hồi cuộc sống bình thường". Việc mở cửa trở lại khiến tỷ lệ ca mắc và số bệnh nhân Covid-19 nguy kịch gia tăng kỷ lục.
Cuối tuần trước, Bộ trưởng Y tế Kwon Deok-cheol cho biết Hàn Quốc sẽ cứng rắn thực hiện một số biện pháp để kiểm soát virus, bao gồm hạn chế tụ tập, bắt buộc xét nghiệm Covid-19 và hộ chiếu vaccine khi vào nhà hàng, quán cà phê.
Hơn 83% dân số Hàn Quốc đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, với 80,5% chủng ngừa đầy đủ. Chính phủ Hàn Quốc cũng cấm du khách từ 8 quốc gia châu Phi nhập cảnh.
Kwon Joon-wook, Giám đốc Viện Y tế Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng nước này đang cố tăng tỷ lệ bao phủ vaccine và nghiên cứu mũi tiêm nhắc lại, cũng như sản xuất vaccine nội địa để giảm nhu cầu phụ thuộc vào nhập khẩu.
Tuy nhiên, ông nói bằng sáng chế vaccine mRNA đang ngăn cản tiến trình sử dụng vaccine nội địa.
Thế giới có thể đạt được khả năng miễn dịch cộng đồng "cùng nhau trong thời gian ngắn bằng cách trì hoãn thời hạn cấp bằng sáng chế vaccine tại một thời điểm nhất định, và sản xuất hàng loạt vaccine ở các quốc gia để vượt qua khủng hoảng", ông Kwon nói.
"Kiểm soát biên giới chỉ là một mảnh ghép", bà Singh nói. "Nếu chúng ta thực sự muốn kết thúc những lệnh cấm này, tiêm chủng là chìa khóa. Đưa vaccine tới với mọi người cũng rất quan trọng".
"Làm thế nào để chúng ta kết thúc điều này? Làm thế nào để những cuộc thảo luận như thế này kết thúc? Vaccine, tôi nghĩ câu trả lời là công bằng vaccine", chuyên gia nói thêm.
Theo Zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()