Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 19/01/2025 12:03 (GMT +7)
Châu Á chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch COVID-19, nhiều nước đẩy mạnh tiêm mũi vaccine tăng cường
Thứ 4, 13/10/2021 | 09:22:43 [GMT +7] A A
Đến sáng 13/10, thế giới có trên 239,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,87 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 45,3 triệu ca mắc và hơn 735.600 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 36.600 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 12/10, nước này ghi nhận gần 16.000 ca mắc mới COVID-19 và 229 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng trên 34 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 451.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Ấn Độ đã khuyến nghị sử dụng khẩn cấp vaccine ngừa COVID-19 có tên Covaxin do công ty Bharat Biotech của nước này sản xuất cho trẻ em dưới 12 tuổi. Như vậy, Bharat Biotech có thể trở thành công ty đầu tiên tại Ấn Độ được chấp thuận về vaccine cho trẻ em sau khi xem xét những dữ liệu thử nghiệm vaccine này ở nhóm tuổi 2-18. Vaccine Covaxin là một trong 3 loại vaccine đang được sử dụng tại Ấn Độ để tiêm đại trà cho người trưởng thành. Hiện công ty Bharat Biotech đang trong quá trình nộp hồ sơ cấp phép lên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 601.200 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 21,58 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu đang xem xét việc cấp phép lưu hành thuốc kháng thể đơn dòng Ronapreve để điều trị và phòng ngừa nguy cơ mắc COVID-19 ở người trên 12 tuổi. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu sẽ đánh giá dữ liệu lâm sàng về hiệu quả của liệu pháp này và đưa ra kết luận trong vòng hai tháng tới.
Liệu pháp Ronapreve đã được WHO bổ sung vào danh sách hướng dẫn điều trị COVID-19 và đã được các bác sĩ Mỹ dùng để chữa khỏi COVID-19 cho cựu Tổng thống Trump vào năm 2020. Liệu pháp này đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp ở hơn 20 quốc gia.
Tại Đức, chi phí xét nghiệm nhanh kháng thể COVID-19 không còn được nhà nước chi trả. Những người chưa tiêm phòng có thể phải chi từ 10 đến 25 Euro (260.000 đồng đến 660.000 đồng) phí xét nghiệm nếu muốn vào nhà hàng hoặc tiệm cắt tóc. Riêng trẻ em dưới 12 tuổi vẫn được miễn phí xét nghiệm.
Cho đến nay, tiêm chủng vẫn không phải là yêu cầu bắt buộc ở Đức, nhưng người dân phải có chứng nhận tiêm vaccine hoặc đã khỏi COVID-19 để tham gia hầu hết các hoạt động công cộng. Hiện ở Đức có khoảng 3 triệu người trên 60 tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19. Đây được coi là áp lực lớn đối với ngành y tế nước này trong việc kiểm soát hoàn toàn dịch bệnh.
Tình hình COVID-19 tại Nga có chiều hướng phức tạp trong thời điểm giao mùa. Trong vòng 24 giờ qua, Nga đã ghi nhận hơn 28.000 trường hợp nhiễm COVID-19. Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Moscow nhận định, số ca mắc mới ở mức cao cho thấy đang diễn ra làn sóng dịch COVID-19 thứ tư tại Nga.
Làn sóng mới diễn ra trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng ở Nga chưa đạt được quy mô cần thiết. Hiện nay chỉ khoảng hơn 34% dân số trưởng thành đã được chủng ngừa. Điện Kremlin cho biết, chính quyền chưa đưa ra quyết định hạn chế ở cấp liên bang. Tuy vậy, nhiều địa phương đã chủ động áp dụng các biện pháp bổ sung nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Bắt đầu từ ngày 12/10, ít nhất đã có 6 địa phương đã kích hoạt lại hệ thống mã QR để kiểm soát việc ra vào các trung tâm mua sắm và rạp chiếu phim.
Trong một diễn biến mới nhất, Tổng thống Vladimir Putin kêu gọi nước Nga cần tăng cường chiến dịch tiêm phòng. Ông nhấn mạnh, Nga đã phát triển vaccine Sputnik V rất nhanh và sớm, từ khi dịch bùng phát hồi năm 2020, nhưng tốc độ tiêm phòng lại rất chậm.
Latvia đã công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng, bắt đầu từ ngày 11/10, do số ca mắc COVID-19 tăng lên mức kỷ lục. Latvia hiện ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong khi dân số nước này chỉ là 1,9 triệu người. Các bệnh viện hiện đã quá tải với bệnh nhân COVID-19.
Theo các quy định mới, người dân Latvia bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ở trong những tòa nhà công cộng. Công chức Chính phủ phải tiêm vaccine ngừa COVID-19 muộn nhất vào ngày 15/11. Người không tiêm chủng sẽ không được vào siêu thị. Các cửa hàng kinh doanh dịch vụ thiết yếu chỉ được mở vào cuối tuần. Hiện mới chỉ có 48% dân số Latvia được tiêm phòng đầy đủ, tỷ lệ thấp thứ 4 ở châu Âu.
Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với 77,29 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với 60,62 triệu ca. Bắc Mỹ ghi nhận 54,47 triệu người mắc, Nam Mỹ là 38,04 triệu ca, tiếp đến là châu Phi 8,46 triệu và châu Đại Dương 260.529.
Từ ngày 1/11 tới, Thái Lan sẽ mở cửa trở lại cửa khẩu hàng không đối với du khách đến từ 10 quốc gia mà nước này đánh giá là có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 thấp, trong số đó có Anh, Mỹ, Trung Quốc, Đức và Singapore. Ngoài yêu cầu bắt buộc là phải tiêm đầy đủ vaccine phòng COVID19, khi nhập cảnh, du khách sẽ phải xuất trình chứng nhận xét nghiệm âm tính với COVID-19 và tiến hành xét nghiệm tại điểm đến thêm một lần nữa. Sau đó, họ có thể tự do đi lại như người dân trong nước.
Trước đó một ngày, chính quyền Thái Lan đã thông báo sẽ mở cửa thêm 5 địa điểm du lịch cho du khách đầu tháng 11 với điều kiện cho tới thời điểm đó không có ổ dịch COVID-19 lớn nào trong các khu vực này.
Ngày 12/10, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) công bố thêm 9.445 ca mắc mới và 84 người tử vong trong 24 giờ qua. Hiện tổng số ca mắc ở nước này là hơn 1,73 triệu người , trong đó có 17.835 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, số ca tử vong vì dịch COVID-19 tại nước này tiếp tục tăng thêm 3 người, lên tổng số 33 bệnh nhân. Như vậy, chỉ trong hai ngày, Lào có 7 ca tử vong vì COVID-19, trong đó chủ yếu là người chưa tiêm vaccine phòng bệnh và có bệnh lý nền.
Thông báo của Bộ Y tế Lào cũng xác nhận 549 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có tới 540 trường hợp cộng đồng, còn lại là người nhập cảnh được cách ly ngay. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào hiện là 29.398. Đáng chú ý, số ca cộng đồng tại thủ đô Vientiane tiếp tục tăng cao với 387 ca, cho thấy dịch có nguy cơ lây lan trên diện rộng.
Campuchia đã khởi động chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi cả nước, trong bối cảnh chiến dịch tiêm phòng cho 10 triệu người trưởng thành tại nước này đã hoàn thành trên 99%. Theo thống kê của Campuchia, 99,24% người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) tại nước này đã được tiêm phòng ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và hơn 95% trong số đó đã tiêm đầy đủ hai mũi.
Theo Bộ Y tế Campuchia, ngày 12/10 là ngày thứ 11 số ca mắc mới COVID-19 tại Campuchia dao động quanh mức 200 ca/ngày, thấp hơn nhiều so với mức trên 800 ca/ngày vào cuối tháng 9/2021. Ngày 12/10, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 17 ca tử vong và 267 người mắc mới COVID-19 tại Campuchia trong 24 giờ qua, trong đó có 19 trường hợp nhập cảnh. Tính đến thời điểm hiện tại, nước này phát hiện tổng cộng 115.335 ca mắc COVID-19, trong đó 108.802 người đã khỏi bệnh và 2.544 bệnh nhân thiệt mạng.
Tại Indonesia, từ ngày 14/10, nước này sẽ mở cửa trở lại các cửa khẩu hàng không quốc tế để đón du khách từ 18 quốc gia. Danh sách 18 quốc gia trên sẽ sớm được Bộ Nội vụ Indonesia công bố. Thời gian cách ly với du khách vào Indonesia cũng sẽ được rút ngắn từ 8 ngày xuống 5 ngày. Trước đó, vào ngày 4/10, Indonesia công bố 5 quốc gia mà du khách được phép nhập cảnh nước này từ ngày 14/10, bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và New Zealand.
Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết, quốc gia này sẽ hoàn tất tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người cao tuổi trước lễ Giáng sinh và năm mới sắp tới.
Từ ngày 19/10 tới, du khách tới từ 8 quốc gia châu Âu và Bắc Mỹ đã tiêm vaccine sẽ không phải cách ly khi nhập cảnh vào Singapore. Các quốc gia bao gồm Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Italy, Đan Mạch, Hà Lan và Tây Ban Nha. Việc gỡ bỏ quy định cách ly là bước đi quan trọng trong chiến lược kết nối toàn cầu, quay trở lại cuộc sống bình thường mới của Singapore.
Trẻ em từ 12 tuổi trở xuống chưa được tiêm chủng cũng có thể được phép nhập cảnh Singapore từ những nước nằm trong chương trình "làn xanh du lịch". Singapore hiện đã có "làn xanh du lịch" với Brunei và Đức. Nước này cũng dự kiến mở "làn xanh du lịch" với 9 quốc gia khác từ ngày 19/10.
Trong phiên chất vấn tại Thượng viện ngày 12/10, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio cho biết, Chính phủ nước này đang thúc đẩy các bước để có thể sớm triển khai mũi tiêm tăng cường (mũi 3) vaccine phòng dịch COVID-19 kể từ tháng 12/2021. Thủ tướng Kishida cho biết, công tác tiêm chủng mũi thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả những người có nguyện vọng đang được tiến hành một cách chắc chắn và việc chuẩn bị cho mũi tiêm thứ 3 cũng được thúc đẩy để có thể triển khai sớm nhất từ tháng 12/2021. Thủ tướng Kishida nhấn mạnh nỗ lực thúc đẩy thuận lợi công tác tiêm chủng và miễn phí hoàn toàn mũi tiêm thứ 3 cho người dân.
Hiện Chính phủ Nhật Bản dần đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine COVID-19 cho toàn bộ những người có nguyện vọng vào tháng 11/2021. Tính đến ngày 10/10, khoảng 64,3% dân số Nhật Bản đã hoàn thành mũi 2 và 73,6% hoàn thành mũi 1. Đối với những người trên 65 tuổi, tỉ lệ này lên đến 90,9% với mũi 1 và 89,8% với mũi 2.
Một số chợ truyền thống ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc, điểm đến quen thuộc của du khách trong và ngoài nước, trong thời gian gần đây đang trở thành "điểm nóng" lây nhiễm COVID-19 mới, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang chuẩn bị triển khai kế hoạch sống chung với COVID-19 bất chấp làn sóng lây nhiễm thứ 4 chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDA) nhận định, số ca mắc COVID-19 liên quan đến các chợ truyền thống có thể còn tiếp tục tăng cao sau khi các cuộc điều tra dịch tễ kết thúc. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan y tế Hàn Quốc đưa ra là chính từ công tác phòng dịch, trong đó bao gồm cả việc quản lý kém nhật ký ra vào của du khách, đã khiến số ca nhiễm tăng cao.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khuyến nghị tiêm thêm một mũi vaccine COVID-19 cho những người bị suy giảm miễn dịch ngoài liệu trình thông thường. Theo WHO, những người này cần liều tăng cường do sau khi tiêm đủ liều như người bình thường, họ vẫn có nguy cơ cao nhiễm virus vì họ có được phản ứng miễn dịch nhờ vaccine kém hơn, cộng với việc là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh nặng. Nhóm cố vấn chiến lược tiêm chủng của WHO khuyến nghị sử dụng tất cả các loại vaccine COVID-19 mà WHO đã phê duyệt để tiêm liều tăng cường này.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()