Tất cả chuyên mục

Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIII, sáng 30/7, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long) diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. Cả người hỏi và các cơ quan trả lời đều đi thẳng vào các nhóm vấn đề đã lựa chọn, nhận được nhiều sự quan tâm của cả hệ thống chính trị. Những vấn đề khó như kiến nghị không mở rộng giai đoạn 2 nhà máy xi măng ven Vịnh Cửa Lục thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển tỉnh Quảng Ninh tại Thông báo 371/VPCP; thực hiện quy hoạch phát triển ngành Than theo Quyết định 403/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chấm dứt, đóng cửa mỏ khai thác than lộ thiên tại khu vực TP Hạ Long… cho thấy được trách nhiệm của đại biểu trước cử tri, nhân dân, vì sự phát triển của bền vững của tỉnh Quảng Ninh, sự phát triển của ngành Than. Còn 12 nội dung không đưa ra chất vấn trực tiếp tại hội trường, thành viên UBND tỉnh đã có trả lời bằng văn bản, đồng chí đề nghị HĐND tỉnh tiếp tục hoàn thiện để chất vấn và trả lời chất vấn có hiệu quả.
![]() |
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, HĐND tỉnh sẽ có nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn. Do đó, đề nghị UBND tỉnh và các cơ quan thực hiện nghiêm túc những giải pháp đã nêu trong phần trả lời chất vấn; thực hiện tốt lời hứa trước đại biểu HĐND, nhân dân, cử tri trong tỉnh. Cùng với đó, đề nghị cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục dành thời gian theo dõi, giám sát việc thực hiện những nội dung này.
* Cần quyết liệt thực hiện giảm nghèo bền vững và thực hiện chính sách dân tộc
11h40': Về công tác giảm nghèo và thực hiện chính sách dân tộc, đồng chí Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Thời gian qua, việc thực hiện đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK đầu tư hạ tầng thiết yếu để phục vụ phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của người dân được tỉnh đặc biệt quan tâm. Đến nay, điều kiện hạ tầng của các xã NTM và các xã ĐBKK đã được cải thiện đáng kể. Vừa qua với sự vào cuộc của các cấp, ngành đặc biệt là Sở LĐ-TB&XH, Ban Dân tộc, nhiều hộ nghèo đã tự viết đơn xin thoát nghèo.
Thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo của tỉnh, đồng chí đề nghị về phát triển sản xuất cần tập trung giải ngân nguồn vốn. Trong công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho lao động khu vực nông thôn thời gian qua đã có giải pháp nhưng chưa thực sự hiệu quả do đó thời gian tới cần quan tâm.
Liên quan đến vai trò của người dân cần tiếp tục tuyên truyền hỗ trợ người dân vươn lên phát triển sản xuất trên cơ sở điều kiện hạ tầng đã được đầu tư thoát nghèo bền vững. Bên cạnh đó, cần rà soát điều kiện về đất sản xuất, đất ở cho các hộ dân; rà soát mô hình quản lý đối với các công trình sau đầu tư; các xã ĐBKK phải giữ vững an ninh trật tự, bản sắc văn hóa, đoàn kết. Đối với các xã nghèo gắn việc phát triển rừng với du lịch...
11h25’: Về nhiệm vụ thực hiện mục tiêu giảm nghèo, đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK của tỉnh, đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu TP Móng Cái, nêu ra thực trạng còn tồn tại là có những xã, thôn nghèo đã “về đích” nhưng các chỉ tiêu, tiêu chí chỉ đạt ở mức thấp; cần có giải pháp tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích phát triển trong thời gian tới. Đồng chí muốn được nghe về cách làm của huyện Bình Liêu?
Làm rõ nội dung này, đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, nêu rõ: Với vai trò là cơ quan thường trực của Chương trình 135 của tỉnh, Ban tiếp tục phối hợp với các địa phương tập trung rà soát cụ thể các tiêu chí, điều kiện để đảm bảo các xã, thôn về đích đúng kế hoạch. Đặc biệt là cùng với các địa phương, đơn vị xác định rõ các tiêu chí và điều kiện bắt buộc đến thời điểm rà soát chưa đạt chuẩn, để từ đó xác định giải pháp và nguồn lực đầu tư, có lộ trình cụ thể để hoàn thành.
![]() |
Đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, phát biểu tại phiên chất vấn. |
Thời gian tới, Ban tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương để phân bổ, bố trí và sử dụng nguồn lực một cách hiệu quả; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng. Cùng với đó, tổng hợp, đề xuất, phối hợp tham mưu công tác phân bổ và sử dụng có hiệu quả nguồn lực bố trí, huy động thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 theo đúng các nghị quyết, quyết định của HĐND, UBND tỉnh. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, giám sát, tham mưu chỉ đạo thực hiện tốt công tác giải ngân vốn thuộc Chương trình 135; đảm bảo chất lượng, hiệu quả các dự án, công trình, mô hình được triển khai và thực hiện tốt; tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng sau đầu tư, hỗ trợ. Cùng với đó, các địa phương cần chú trọng hơn nữa trong nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản; tổ chức lựa chọn các mô hình sản xuất sát thực tế để hỗ trợ người dân.
Về cách làm của Bình Liêu, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện, cho biết, thời gian qua, ưu tiên hàng đầu của địa phương là tập trung dành nguồn lực để đầu tư nhiều công trình hạ tầng giao thông, công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền từ cấp huyện đến xã cũng đã tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa việc vận động, tuyên truyền các hộ dân thay đổi nhận thức, chủ động tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả các chính sách và nguồn vốn hỗ trợ để vươn lên thoát nghèo bền vững.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Thị Tuyết Hạnh, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu, trả lời tại phiên chất vấn. |
11h10’: Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Sẻn Thị Hỷ, Tổ đại biểu TP Móng Cái cho hay, để hoàn thành mục tiêu giảm nghèo thì giải pháp quan trọng nhất là tạo việc làm cho người dân. Ngày 7/12/2018, HĐND tỉnh ra Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND về việc ban hành chính sách hỗ trợ thu hút lao động vào làm việc tại các doanh nghiệp trong Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà đến năm 2020. Tuy nhiên, đến nay chưa trường hợp nào được hưởng chính sách này, đại biểu đề nghị Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết nguyên nhân của tình trạng này?
![]() |
Đại biểu Sẻn Thị Hỷ, Tổ đại biểu TP Móng Cái, đặt câu hỏi. |
Trả lời nội dung này, đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho hay, thực hiện Nghị quyết 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan. Trong Nghị quyết có một số nội dung như hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đến nay đã thực hiện xong việc tạo mặt bằng với 18ha để triển khai dự án. Bên cạnh đó, Sở Tài chính cũng tiến hành hướng dẫn về mặt quy trình thủ tục cho người lao động vay để mua, thuê nhà ở; Sở Xây dựng chọn nhà đầu tư, triển khai dự án. Đến nay, việc chọn nhà đầu tư triển khai dự án cũng được thực hiện xong để trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở LĐ-TB&XH cũng tổ chức tuyên truyền tại 21 hội nghị về nội dung này để người dân nắm bắt chủ trương của tỉnh. Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp triển khai nghị quyết đến người dân một cách hiệu quả nhất.
11h5': Đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu Móng Cái: Tỷ lệ giảm nghèo trung bình giai đoạn 2016-2020 của tỉnh là 1,03%, đến hết năm 2018 tỷ lệ hộ nghèo còn 1,2% thấp hơn rất nhiều so với trung bình cả nước (5,35%). Năm 2019 do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi và diễn biến bất thường của thời tiết, tỷ lệ hộ nghèo 6 tháng đầu năm của tỉnh mới giảm 0,15%, nếu không có giải pháp căn cơ, quyết liệt thì việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo 0,4% hộ nghèo năm 2019 là rất khó. Đồng chí có giải pháp gì để tham mưu cho tỉnh để nâng cao đời sống, thu nhập, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số thời gian tới và mục tiêu giảm nghèo của tỉnh đã đề ra?
![]() |
Đại biểu Phạm Văn Hoài, Tổ đại biểu Móng Cái, đặt câu hỏi cho Giám đốc Sở LĐ-TB&XH. |
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho biết: Theo kế hoạch năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,4%, mục tiêu đến hết năm 2019 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,0%, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo năm 2019 còn gặp một số khó khăn, như: Số hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số còn cao, hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội, có hoàn cảnh khó khăn đa phần tập trung ở miền núi... Để hoàn thành kế hoạch giảm nghèo đã đề ra, với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, tập trung một số giải pháp như: Sớm hỗ trợ cho các hộ bị dịch tả lợn châu Phi để có điều kiện đổi vật nuôi, cây trồng, giải quyết việc làm, có thu nhập ổn định cuộc sống. Vận động nhân dân (nhất là khu vực miền Đông của tỉnh) tiếp tục chuyển dịch mạnh về cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, có việc làm, thu nhập ổn định để thoát nghèo.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, trả lời câu hỏi. |
Cùng với đó, phối hợp, lồng ghép chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án 196, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng nông thôn, mô hình sản xuất để hỗ trợ người dân, nâng cao thu nhập. Đặc biệt các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, hoàn thành kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019. Vận động nhân dân mạnh dạn đầu tư sản xuất. Chỉ đạo các đoàn thể trong việc tuyên truyền đoàn viên, hội viên tích cực hưởng ứng tham gia, giúp đỡ các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên trong cuộc sống, huy động các nguồn lực xã hội khác để hỗ trợ cho các gia đình nghèo tại địa phương.
Ngoài ra, tổ chức điều tra, rà soát, bình xét hộ nghèo, hộ cận nghèo theo đúng quy trình, đảm bảo chặt chẽ, công khai, minh bạch đúng đối tượng theo quy định.
* Quản lý quy hoạch rừng, đất rừng, vùng nuôi trồng thủy sản
11h: Kết luận nội dung này, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Chủ tịch HĐND tỉnh, yêu cầu lãnh đạo Sở NN&PTNT, ngành liên quan rà soát lại thực trạng các địa phương ven biển có hoạt động sử dụng đất ven biển để nuôi trồng thủy sản, nhằm tăng cường quản lý hoạt động này. Cùng với đó, tiếp tục quan tâm phối hợp với lực lượng chức năng thực hiện Chỉ thị 18 về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh đánh bắt tận diệt. Tỉnh đã phân cấp cho các địa phương cấp phép giao đất thủy sản, yêu cầu địa phương tăng cường thẩm định, cấp phép. Ngành Nông nghiệp cần sớm hoàn thành quy chuẩn địa phương quản lý vật liệu làm lồng bè để đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường, có cơ chế khuyến khích các vật liệu thân thiện môi trường; đẩy mạnh áp dụng KHCN vào sản xuất giống, nuôi thương phẩm thủy sản công nghệ cao.
Trong quản lý Nhà nước về lâm nghiệp, đồng chí Nguyễn Xuân Ký đề nghị Sở quan tâm triển khai nghị quyết của HĐND tỉnh để các đối tượng nắm bắt; hoàn thành dứt điểm việc rà soát thực trạng hiện trạng đất rừng các địa phương quản lý. Về xử lý tranh chấp giữa lâm trường và người dân trong những khu vực đất có rừng còn có những tồn tại, chính quyền địa phương cần rà soát phát hiện, xử lý dứt điểm, gắn với đó là khoanh định, cắm mốc phân định. Mục tiêu của tỉnh là giữ vững tỷ lệ che phủ rừng 55%, do đó, ngành cần tính toán nâng diện tích rừng ngập mặn để thay thế diện tích rừng phục vụ mục đích phát triển KT-XH.
10h50’: Cũng liên quan đến vấn đề phát triển thủy sản, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Duyên, Tổ đại biểu TX Đông Triều, nêu câu hỏi: Hiện nay nhu cầu nuôi thủy sản lồng bè rất lớn, trong đó có nhiều hộ nuôi lồng bè tự phát, sử dụng phao xốp gây ảnh hưởng đến môi trường biển. Sở có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên?
Đồng chí Nguyễn Hữu Giang trả lời: Tổng diện tích mặt nước của tỉnh là trên 6.000km2. Toàn tỉnh có 8 địa phương có hoạt động nuôi trồng thủy sản lồng bè. Với tổng số trên 10.000 lồng bè và trên 1.000 cơ sở.
Liên quan đến vấn đề nuôi trồng thủy sản, quản lý nhà nước cấp tỉnh, hiện nay Quảng Ninh được chọn thí điểm nuôi biển. Sở cũng đã xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện nội dung này, trên cơ sở đó đánh giá, xác định quy mô, diện tích, hình thức nuôi phù hợp.
Vấn đề phao xốp đang được sử dụng rất nhiều gây ô nhiễm môi trường. Hiện tỉnh cũng đã giao cho Sở nghiên cứu tìm vật liệu thay thế phù hợp để đảm bảo môi trường.
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
10h48’: Trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Thị Thơ, Tổ đại biểu huyện Tiên Yên, về việc sắp xếp các công ty lâm nghiệp, lãnh đạo Sở NN&PTNT, cho biết: Sở đã chỉ đạo các công ty TNHH 1 TV lâm nghiệp của tỉnh xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị. Đồng thời xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới mô hình hoạt động của các công ty và được Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, bất cập do thực trạng các công ty lâm nghiệp đều khó khăn về tài chính, thiếu vốn đầu tư, dẫn đến nguy cơ phải khai thác rừng non hoặc khai thác tài nguyên dưới lòng đất để duy trì sản xuất. Nếu tiến hành cổ phần hóa theo hướng giữ nguyên hoạt động độc lập của từng công ty dễ dẫn đến manh mún, nhỏ lẻ, không thu hút được các nhà đầu tư lớn.
![]() |
Đại biểu Bùi Thị Thơ đặt câu hỏi. |
Do đó, tỉnh có mục tiêu là lựa chọn thành viên thứ 2 có đủ năng lực, tài chính, công nghệ, nghiệp vụ quản lý nhằm gia tăng giá trị cho đơn vị sản xuất lâm nghiệp, lộ trình thực hiện đến năm 2020. UBND tỉnh cũng đã giao cho các sở, ngành lựa chọn các nhà đầu tư chiến lược để tham gia góp vốn thành lập công ty TNHH 2TV trở lên trình UBND tỉnh phê duyệt. Hiện đã sắp xếp, đổi mới cho 5 công ty. Việc xây dựng tiêu chí lựa chọn thành viên thứ 2 cũng là nội dung mới, phức tạp, cần thận trọng, do đó, sở sẽ tiếp tục giải quyết các vướng mắc và thực hiện.
10h45’: Đại biểu Đặng Văn Tuấn, Tổ đại biểu huyện Đầm Hà, đề nghị lãnh đạo Sở NN&PTNT giải đáp về tiến độ thực hiện phân định cắm bổ sung mốc ranh giới ba loại rừng trên bản đồ và thực địa.
Liên quan đến nội dung này, đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Theo quyết định 7322/QĐ-UBND ngày 19/9/2018, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương công bố công khai quy hoạch 3 loại rừng; bàn giao thực địa, hồ sơ quản lý quy hoạch 3 loại rừng cho các địa phương, chủ rừng. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các địa phương thực hiện đo đạc, lập hồ sơ quản lý đất lâm nghiệp, phân định cắm mốc ranh giới giữa 3 loại rừng trên bản đồ và thực địa.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, trả lời chất vấn. |
Trước khi Nghị quyết 117 về phân định ranh giới 3 loại rừng ra đời thì sở và các đơn vị liên quan đã thực hiện phân định, cắm mốc được khoảng 1.200 mốc ranh giới giữa các loại rừng. Hiện cũng đã tổ chức hội nghị công bố quy hoạch, ký bản đồ, bàn giao hồ sơ, sản phẩm quy hoạch 3 loại rừng cho 13 địa phương, trừ TP Móng Cái. Nguyên nhân là do thành phố đang tìm vị trí hoán đổi một số diện tích rừng phòng hộ để thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH. Tại thực địa thì cần bổ sung khoảng mốc giới phân định nữa, tuy nhiên, do Đề án phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 chưa được tỉnh phê duyệt nên sở chưa hoàn thành nội dung này. Sở phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc xây dựng bản đồ mốc và cắm mốc trên thực địa.
10h35’: Đại biểu Trần Thị Thùy Liên, Tổ đại biểu TX Quảng Yên, chất vấn: Hiện một số địa phương đề nghị sử dụng đất, mặt nước, bãi triều để phát triển kinh tế. Công tác quản lý vấn đề này như thế nào?
Trả lời vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Giang, Giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: Hiện nay, toàn tỉnh có trên 420.000ha rừng. Trong đó, rừng ngập mặn chiếm khoảng 22.000ha, trải dài trên 9 địa phương của tỉnh. Các địa phương có diện tích lớn là Quảng Yên, Tiên Yên, Hải Hà, Móng Cái... Phát triển kinh tế và nuôi trồng thủy sản, diện tích bãi triều khoảng trên 21.000ha. Trong đó có khoảng 3.000ha là diện tích nuôi trồng thủy sản.
![]() |
Đại biểu Trần Thị Thùy Liên đặt câu hỏi cho đại biểu. |
Thời gian qua, để đảm bảo sự phát triển hài hòa, bền vững, phù hợp với các quy định của Nhà nước về phát triển kinh tế thủy sản, Sở đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các nghị quyết về phát triển kinh tế thủy sản.
Thực tế thời gian qua tỉnh cũng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất, mặt nước, rừng ngập mặn. Tuy nhiên, thời gian qua, do nhu cầu phát triển kinh tế, có những diện tích rừng ngập mặn giảm.
Về nuôi trồng thủy sản, sở cũng đã chủ động phối hợp với các địa phương báo cáo UBND tỉnh phân cấp cho địa phương trong quản lý mặt đất bãi triều và cấp cho các hộ không quá 2ha/hộ.
Giải pháp trong thời gian tới, phải phát triển hài hòa để vừa đảm bảo phát triển kinh tế, vừa đảm bảo bảo vệ đất, mặt nước, bãi triều ven biển. Theo đó, trên cơ sở các nghị quyết, sở tiếp tục tham mưu cho tỉnh ban hành các chỉ đạo cụ thể. Đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực hiện tốt công tác quản lý bãi triều.
* Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
9h50’: Ghi nhận trách nhiệm cao của các đại biểu vào mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững của tỉnh.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định, sự phát triển bền vững của ngành Than luôn gắn liền với sự phát triển của Quảng Ninh, cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị. Sau giai đoạn khó khăn chung, từ năm 2018, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2019, ngành Than tiếp tục có những tăng trưởng rõ nét, ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh.
Tuy nhiên, thực trạng hiện nay là những tác động ảnh hưởng đến môi trường do hoạt động khai thác khoáng sản đang được cử tri, nhân dân rất quan tâm. Xung quanh nội dung này, tỉnh cũng đã phối hợp rất chặt chẽ với ngành Than, đầu tư nguồn lực lớn để triển khai hàng loạt các giải pháp khắc phục: Xây dựng quy hoạch bảo vệ môi trường tỉnh, đề án bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, đề án di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm các bãi thải mỏ, dừng vận chuyển than bằng phương tiện cơ giới trên quốc lộ 18, triển khai các hệ thống quan trắc môi trường, trồng cây hoàn nguyên phục hồi các bãi thải dừng hoạt động...
Tỉnh cũng nhìn nhận mâu thuẫn thách thức mà thực tế đặt ra: Khai thác khoáng sản để đảm bảo nhiệm vụ một phần năng lượng quốc gia, đồng thời phát triển du lịch trên cùng một địa bàn có diện tích hẹp. Riêng tại Hạ Long, nhiệm vụ phát triển trung tâm dịch vụ, du lịch gắn với bảo tồn di sản thiên nhiên đang trở thành nhiệm vụ trọng tâm, đặt ra yêu cầu bảo vệ môi trường rất nghiêm ngặt. Thông qua các ý kiến quan tâm chất vấn tại kỳ họp, HĐND tỉnh ghi nhận trách nhiệm cao của các đại biểu vào mục tiêu tăng trưởng xanh bền vững của tỉnh. Đây là cơ sở để HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cùng với Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam để chỉ đạo các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể, có lộ trình thực hiện các giải pháp về môi trường hiệu quả. Đặc biệt là vừa qua, tỉnh đã có kinh nghiệm trong việc dừng hoạt động của Nhà máy sàng tuyển than Nam Cầu Trắng, đã phối hợp rất nhịp nhàng để ổn định hài hòa giữa kinh tế, môi trường, xã hội, thuận tiện cho đông đảo cử tri và nhân dân theo dõi, các cơ quan dân cử giám sát.
![]() |
Chủ tọa kỳ họp tập trung điều hành phiên chất vấn. |
Về những kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương, Thủ tướng Chính phủ đối với 2 nhà máy xi măng Hạ Long 2, Thăng Long 2, tỉnh cũng rất quan tâm về nội dung này. Ngay từ năm 2014, HĐND tỉnh đã thông qua các nghị quyết có nêu rõ: Dừng việc mở rộng công suất các nhà máy xi măng hiện có; không quy hoạch mới các nhà máy nhiệt điện, xi măng trong vòng bán kính ít nhất cách phía ngoài của vùng Vịnh Hạ Long là 15km. Mới đây, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng TP Hạ Long đến năm 2040 sẽ từng bước chuyển đổi các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp xung quanh vịnh Cửa Lục sang chức năng dịch vụ du lịch đô thị để bảo vệ môi trường.
Như vậy, các kiến nghị về nội dung này sẽ được HĐND tỉnh thống nhất đưa vào nghị quyết phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm, đồng thời làm cơ sở kiến nghị các bộ, ngành Trung ương để được điều chỉnh đưa ra khỏi quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đối với 2 nhà máy xi măng Hạ Long 2, Thăng Long 2. Qua đó đảm bảo hết năm 2030, tỉnh đạt các mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững theo mục tiêu đề ra.
Xung quanh các kiến nghị chung về bảo vệ môi trường tỉnh, nhất là tại khu vực Vịnh Hạ Long, HĐND tỉnh cũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục quan tâm hơn nữa các giải pháp quản lý nhà nước về lĩnh vực này. Đặc biệt là các khâu như: Cấp phép, hậu kiểm các dự án lớn về hạ tầng du lịch; vận hành các trạm quan trắc đảm bảo hoạt động liên tục, tạo điều kiện cho cử tri và nhân dân có thông tin để tham gia giám sát... Trên Vịnh Hạ Long cần chú trọng vào việc kiểm soát chặt việc xả thải của các phương tiện; có quy trình để phát huy cả vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, người dân, du khách cùng tham gia; đẩy nhanh tiến độ các dự án bằng các nguồn vốn đầu tư công về xử lý nước thải đô thị, sớm đưa vào vận hành. Hoạt động của lực lượng cảnh sát môi trường cũng cần được tăng cường, đấu tranh hiệu quả với các hành vi vi phạm, tội phạm môi trường.
9h45': Liên quan đến một số câu hỏi của đại biểu, của nhân dân về lĩnh vực môi trường, trong đó có việc đóng cửa mỏ than lộ thiên trên địa bàn tỉnh nói chung, TP Hạ Long nói riêng, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy, cho biết: Theo nhu cầu của sự phát triển, sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân, chúng ta đã quyết tâm di dời được nhà máy sàng tuyển từ trung tâm thành phố ra khỏi trung tâm TP Hạ Long từ những năm 2000. Vừa qua, với sự quyết tâm của tỉnh, nhân dân, Quảng Ninh cũng đã di dời Nhà máy tuyển than Nam Cầu Trắng ở cột 8 vào Hà Khánh để có không gian phát triển đô thị cho TP Hạ Long.
![]() |
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy trả lời tại phiên chất vấn. |
Vừa qua, tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt quy hoạch chung TP Hạ Long theo hướng bền vững, phù hợp với sự tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, hướng tới là thành phố du lịch biển, văn minh, thân thiện, trở thành trung tâm dịch vụ đẳng cấp quốc tế. Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIV cũng xác định xây dựng tỉnh Quảng Ninh là tỉnh có cơ cấu dịch vụ công nghiệp hiện đại, vì vậy mà thời gian qua, tỉnh đã quyết tâm thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch để đưa cơ cấu kinh tế phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh dịch vụ công nghiệp theo đúng Nghị quyết đề ra.
Liên quan đến sự phát triển của ngành Than, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 403/QĐ-TTg điều chỉnh quy hoạch phát triển của ngành Than. Tiếp đó, đã có Quyết định 1265/QĐ-TTg 2017 về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030. Quảng Ninh báo cáo với Thủ tướng, tỉnh xác định rõ đến hết năm 2019 kết thúc 4 dự án khai thác lộ thiên ở TP Hạ Long. Từ năm 2020 đến năm 2025 kết thúc 5 dự án khai thác lộ thiên trên địa bàn tỉnh. Thay mặt UBND tỉnh, đề nghị HĐND tỉnh, các vị đại biểu thống nhất phương án thực hiện theo đúng Quyết định 403, Quyết định 1265 của Thủ tướng Chính phủ về kết thúc khai thác lộ thiên đối với khu vực TP Hạ Long, để đảm bảo phục vụ sự phát triển của TP Hạ Long, tỉnh.
Liên quan đến 2 nhà máy xi măng mà các đại biểu đã chất vấn, hiện nay, có 2 nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long xây dựng ven Vịnh Cửa Lục. Đây là 2 nhà máy xi măng thuộc quy hoạch phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đến nay, giai đoạn 1 của 2 nhà máy này đã thực hiện xong và giai đoạn 2 đang trong quá trình xây dựng.
Tỉnh ủy, HĐND đã có quy hoạch khai thác khoáng sản, trong đó có lộ trình chấm dứt khai thác mỏ đá, mỏ sét trên địa bàn tỉnh. Theo báo cáo, 2 nhà máy này gây ô nhiễm môi trường lớn, hiệu quả kinh tế mang lại không cao, vì vậy đề nghị HĐND tỉnh thống nhất phương án thực hiện theo đúng quy hoạch Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, không đưa 2 nhà máy này vào quy hoạch phát triển nhà máy xi măng trong giai đoạn tiếp theo.
9h35’: Đại biểu Lục Thành Chung, Tổ đại biểu TP Hạ Long, cho biết, theo thống kê trên địa bàn tỉnh hiện có 19 làng nghề, nghề truyền thống lớn nhỏ, hoạt động đa lĩnh vực. Một số làng nghề hiện nay đã gắn với phát triển du lịch trở thành điểm đến tạo sự hấp dẫn cho du khách và phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể quy hoạch làng nghề nên một số làng nghề hạ tầng cơ sở vật chất còn hạn chế, nước thải và rác thải chưa được quản lý tốt dẫn đến ô nhiễm môi trường. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết công tác quản lý nhà nước về môi trường với các làng nghề, cơ sở sản xuất nghề truyền thống. Việc tổ chức phân loại, đánh giá các làng nghề về việc đảm bảo vệ sinh môi trường.
Trả lời chất vấn của đại biểu Lục Thành Chung về quản lý môi trường ở các làng nghề, đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Nhiệm vụ này đã được Chính phủ quy định rõ tại Nghị định 155/2016/NĐ-CP, Nghị định 40/NĐ-CP. Theo đó, UBND cấp huyện có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra công tác bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn. Hằng năm, tỉnh cũng có thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát hoạt động môi trường, bao gồm cả hoạt động của các làng nghề. Qua kiểm tra cũng phát hiện một số cơ sở không thực hiện đúng quy định, yêu cầu về xử lý nước thải, chất thải… Đồng thời đã kiến nghị địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cơ sở vi phạm. Thời gian qua, TP Cẩm Phả đã chủ động di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp nằm xen kẽ trong dân cư vào hoạt động tại các khu, cụm công nghiệp nhằm đảm bảo môi trường. Do đó, cũng đề nghị các địa phương, nhất là TP Hạ Long, Uông Bí cần xây dựng lộ trình xây dựng các khu, cụm công nghiệp để hướng đến di chuyển các hộ kinh doanh, cơ sở tiểu thủ công nghiệp trong dân cư vào hoạt động tại đây. Trước mắt, yêu cầu người đứng đầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý môi trường ở các khu vực này.
9h35': Trả lời tại hội trường về việc phấn đấu xây dựng “Quảng Ninh sạch như Singapore”, đồng chí Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khẳng định, việc đảm bảo vệ sinh môi trường phải là trách nhiệm chung của các cấp, ngành và của mỗi người dân.
![]() |
Đồng chí Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, khẳng định việc đảm bảo vệ sinh môi trường phải là trách nhiệm chung của các cấp, ngành và của mỗi người dân. |
Những năm qua cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, TP Hạ Long luôn chú trọng công tác đảm bảo môi trường trên địa bàn. Thành phố đặt khẩu hiệu xây dựng thành phố du lịch Hạ Long sáng, xanh, sạch, đẹp. Trên cơ sở này thành phố cũng tập trung công tác vệ sinh môi trường thường xuyên, cũng như giao chỉ tiêu cho mỗi đơn vị, vận động, người dân trên địa bàn tham gia công tác vệ sinh môi trường bằng các phong trào thiết thực như “Ngày chủ nhật vì một Hạ Long xanh”.
Đặc biệt, gắn với kỳ quan thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, thời gian qua việc đảm bảo môi trường Vịnh Hạ Long đã nhận được sự quan tâm tích cực với nhiều hoạt động cụ thể. Tuy nhiên, hiện nay môi trường Vịnh cũng chịu ảnh hưởng bởi áp lực lớn của rác thải từ khách du lịch, cùng những khu vực dân cư khác nằm ven bờ vịnh. Nên để đảm bảo môi trường bền vững trên địa bàn, tỉnh cũng cần có chủ trương, chính sách thực hiện quyết liệt, đặt ra điều kiện thực hiện cụ thể để triển khai có lộ trình nhằm huy động sự tham gia đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, trách nhiệm bảo vệ môi trường của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thay đổi nhận thức, thói quen sinh hoạt của người dân, tạo ý thức bảo vệ môi trường từ đó góp phần bảo vệ môi trường một cách bền vững, hiệu quả.
9h33: Liên quan đến lĩnh vực tài nguyên - môi trường, đại biểu Bùi Thị Thu Hà, Tổ đại biểu huyện Hoành Bồ, kiến nghị: Nghị quyết 141 của HĐND tỉnh năm 2015 cũng đã đề cập di dời các nhà máy xi măng sát Vịnh Hạ Long, trong đó có các nhà máy xi măng trên địa bàn huyện Hoành Bồ.
![]() |
Đại biểu Bùi Thị Thu Hà đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết để chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy xi măng trên địa bàn huyện Hoành Bồ nằm sát Vịnh Hạ Long. |
Đại biểu đề nghị HĐND tỉnh có nghị quyết để đưa ra lộ trình cụ thể để chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy xi măng trên địa bàn huyện Hoành Bồ nằm sát Vịnh Hạ Long.
Hiện nay hoạt động của 2 nhà máy xi măng này ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống trên địa bàn. Gần đây báo chí đã phản ánh nhiều về hoạt động gây ô nhiễm môi trường của 2 nhà máy xi măng này. Đồng thời, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến cuộc sống của các hộ dân sống 2 bờ vịnh Cửa Lục. Do đó, tôi thấy rất cần thiết phải đưa ra lộ trình chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy này. Như vậy sẽ phù hợp với sự phát triển và chủ trương chung của tỉnh về chuyển từ “nâu” sang “xanh”.
9h17': Về vấn đề bảo vệ môi trường trong khai thác than lộ thiên thời gian qua, đồng chí Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Tập đoàn đã có nhiều nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp, thường xuyên có sự phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên - Môi trường. Đặc biệt là song song với việc khai thác, TKV đã tập trung khắc phục các yếu tố tác động xấu tới môi trường, như: Bụi than, nước thải... Đối với khu vực TP Hạ Long, hiện có 4 dự án khai thác lộ thiên. Tập đoàn phấn đấu hết thời hạn khai thác sẽ đóng cửa mỏ theo đúng tiến độ của lộ trình được cấp phép.
![]() |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cơ, Phó Tổng Giám đốc TKV, trả lời chất vấn. |
9h12': Về nội dung di dời các nhà máy xi măng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, giải trình: Hoạt động các nhà máy xi măng Thăng Long, Hạ Long chủ yếu sản xuất clanh-ke, đóng góp nguồn thu của tỉnh không lớn nhưng lại có tác động xấu tới môi trường khu vực này. Thời gian qua, Bộ Xây dựng đã có ý kiến chỉ đạo xem xét đưa 2 nhà máy này ra khỏi quy hoạch giai đoạn 2. Phương án là sớm di chuyển theo lộ trình đến năm 2030, địa điểm là khu vực lên phía bắc đường cao tốc, như vậy sẽ hạn chế được ô nhiễm môi trường.
9h10': Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu Cẩm Phả: Hiện nay tình hình khai thác than lộ thiên, hoạt động sản xuất của các nhà máy xi măng, nhiệt điện đã ảnh hưởng đến môi trường của người dân sống trong khu vực, xin đồng chí có biết những giải pháp trong thời gian tới?
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Quyên, Tổ đại biểu Cẩm Phả, đặt câu hỏi. |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường, cho biết: Thời gian qua, bên cạnh những đóng góp to lớn trong phát triển kinh tế- xã của địa phương; hoạt động khai thác than lộ thiên đã có những tác động đến môi trường như thoái hóa đất, giảm độ che phủ rừng, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm... Sở Tài nguyên - Môi trường đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm kiểm soát công tác bảo vệ môi trường như: Kiểm tra, đôn đốc các đơn vị thực hiện các quy định pháp luật về môi trường; yêu cầu các đơn vị thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt hệ thống xử lý nước thải; tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng tổ chức Đề án đảm đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.
Hiện nay, 100% đơn vị ngành Than đã triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động. Hiện Sở Tài nguyên - Môi trường tiếp tục duy trì kiểm soát đột xuất đối với hạt động của các trạm xử lý nước thải để phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm đối với hành vi xả thải.
Các nhà máy xi măng đã có đủ các thủ tục về môi trường theo quy định, đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống công nghệ tiên tiến xử lý khí thải, khói, bụi… Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động các nhà máy còn phát tán bụi ra môi trường, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong khu vực.
Thời gian tới, Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác than lộ thiên trên địa bàn tỉnh; chủ động thanh tra, kiểm tra đột xuất để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, đất đai. Rà soát, báo cáo UBND tỉnh kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để thực đúng nội dung Quy hoạch 403, đặc biệt là lộ trình kết thúc khai thác, đóng của mỏ, cải tạo phục hồi môi trường. Sở Tài nguyên - Môi trường sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Xây dựng và các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động của các nhà máy xi măng trên địa bàn; kiên quyết dừng hoạt động các sơ sở vi phạm nghiêm trọng hoặc tái phạm.
9h00': Đại biểu Lê Văn Long, Tổ đại biểu Hạ Long, chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: Theo Kết Luận số 371/TB-VPCP ngày 24/9/2018 về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, trong đó có đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới là cần tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn minh tự giác của người dân và du khách, hướng tới Quảng Ninh sạch như Singapore. Đề nghị đồng chí cho biết các giải pháp cụ thể? Trách nhiệm của các ngành, địa phương trong việc tuyên truyền, triển khai các giải pháp về xử lý ô nhiễm môi trường, đặc biệt là công tác thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trong nhân dân, xây dựng nếp sống văn minh?
![]() |
Đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trả lời chất vấn. |
Trả lời nội dung này đồng chí Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết: Về các giải pháp cụ thể trong việc bảo vệ và duy trì môi trường sống xanh, an toàn cho người dân: UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành dứt điểm di dân ra khỏi vùng sạt lở, ngập lụt nguy hiểm 558/558 hộ dân, chấm dứt hoạt động của 67/67 lò vôi thủ công, 77/77 lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai đề án đảm bảo môi trường cấp bách ngành Than trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, bao gồm 98 công trình với tổng kinh phí trên 5.000 tỷ đồng. Đến nay đã cải tạo phục hồi môi trường được 425/550ha, hoàn thành 4/6 công trình đê, đập chắn ngăn ngừa trôi lấp đất đá; thực hiện cải tạo xong các đê số 1, 4 Nam Tràng Bạch; hoàn thành đập bãi đất đá các dự án cải tạo hồ chứa nước Đông Triều...
Tỉnh đã đầu tư 129 trạm quan trắc môi trường tự động để giám sát, cảnh báo ô nhiễm môi trường không khí xung quanh, môi trường nước sông, hồ (nước mặt), môi trường nước biển ven bờ. Các đơn vị sản xuất xi măng, nhiệt điện cũng đã triển khai lắp đặt công tơ điện tử để đo điện năng tiêu thụ của hệ thống lọc bụi tĩnh điện ở các vị trí thuận lợi để cơ quan quản lý nhà nước và người dân dễ dàng giám sát; một số đơn vị đã và đang đầu tư lắp đặt hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường tự động, chuyển đổi từ dầu FO sang dầu DO...
Tập trung di dời các cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư theo Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 10/8/2017 của UBND tỉnh, hiện đã có 110 doanh nghiệp, cá nhân thuê đất tại KCN và TTCN phường Hà Khánh, TP Hạ Long với tổng diện tích là 32ha; TP Cẩm Phả đang triển khai xây dựng cụm công nghiệp tại phường Cẩm Thịnh với tổng diện tích 69,5ha, dự kiến đi vào hoạt động trong quý III/2019.
Đối với mục tiêu về “thành phố Hạ Long xanh” phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành nhà tang lễ cho khu vực trung tâm thành phố; thu gom xử lý nước thải sinh hoạt đạt 80%; các cụm, KCN đầu tư mới hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung trước khi đi vào hoạt động; phấn đấu 100% hộ dân thành phố đổ rác thải đúng giờ, đúng nơi quy định; 100% các khu dân cư, tuyến phố sạch sẽ...
Tại hội nghị này tôi đề nghị các đồng chí chủ tịch UBND các địa phương thực hiện nghiêm Điều 143, Luật Bảo vệ môi trường và Chỉ thị số 25 của Thủ tướng Chính phủ về trách nhiệm của chủ tịch UBND các địa phương trong công tác bảo vệ môi trường.
![]() |
Các đại biểu theo dõi phiên trả lời chất vấn. |
* Tạo điều kiện cho nhiều loại hình du lịch phát triển
![]() |
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, đánh giá về kết quả lĩnh vực dịch vụ, du lịch. |
8h50': Kết luận về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, nhấn mạnh: Thời gian qua, Quảng Ninh tập trung nhiều nguồn lực để tạo đột phá về hạ tầng giao thông gắn với hạ tầng du lịch, dịch vụ, tạo ra cơ hội lớn kết nối, thu hút khách du lịch, mở rộng không gian du lịch và đã có được nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc. Những sản phẩm mới cũng tạo ra sức hấp dẫn thu hút khách, đưa ngành Du lịch phát triển, tuy nhiên cũng tạo ra không ít áp lực cho ngành. Hiện nay còn một số địa bàn có lượng khách du lịch tăng lớn, nhưng sản phẩm du lịch còn ở mức độ, đơn cử như Móng Cái, Vân Đồn. Xung quanh nội dung này, đề nghị UBND tỉnh quan tâm có chiến lược riêng để đảm bảo phát triển các sản phẩm du lịch, để đạt mục tiêu đến năm 2025 có khoảng 20 triệu lượt khách đến với Quảng Ninh.
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng cần tiếp tục tập trung phát triển sản phẩm du lịch ở những địa bàn động lực, mở rộng không gian du lịch. Trong đó, thúc đẩy du lịch tâm linh ở tuyến phía Tây; tăng cường công tác quản lý, đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phát triển tuyến du lịch trên biển; tích cực quảng bá sản phẩm, đẩy mạnh sự liên kết giữa nhà nước và doanh nghiệp đầu tàu; quan tâm phát triển du lịch đồng quê, du lịch trải nghiệm, cộng đồng để tạo thu nhập cho người dân và thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực này. Riêng về hoạt động nghỉ dưỡng, hiện có nhiều dự án đang trong quá trình nghiên cứu để đầu tư, tuy nhiên còn vướng mắc về quy hoạch, đất đai, do vậy, UBND tỉnh cần quan tâm chỉ đạo tháo gỡ.
Về nội dung quản lý các loại hình, sản phẩm du lịch mới như homestay, condotel…, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Đây là nhu cầu tất yếu của du khách, do đó, cần tạo điều kiện cho loại hình này phát triển. Tuy nhiên, cần phải chú trọng công tác quản lý để đảm bảo loại hình này hoạt động đúng quy định, là sản phẩm hấp dẫn, an toàn cho du khách và tạo được nguồn thu cho ngân sách.
Bên cạnh đó, cần tăng cường quản lý hoạt động vận tải hành khách, đặc biệt là hoạt động vận tải đường bộ, đường thủy để xây dựng hình ảnh du lịch, con người Quảng Ninh hấp dẫn, văn minh, an toàn, thân thiện.
8h30’: Tiếp tục quan tâm đến lĩnh vực dịch vụ, du lịch, đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu TP Hạ Long nhấn mạnh, hiện nay lượng khách nước ngoài tới tham quan, lưu trú trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng, qua đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đại biểu đề nghị với vai trò của cơ quan tham mưu về công tác đảm bảo an ninh trật tự đồng chí Giám đốc Công an tỉnh cho biết thực trạng quản lý hành chính đối với người nước ngoài về lưu trú và đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
![]() |
Đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Tổ đại biểu TP Hạ Long, nêu câu hỏi chất vấn. |
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Vân Hà, Đại tá Đỗ Văn Lực, Giám đốc Công an tỉnh, nhấn mạnh, công tác đảm bảo ANTT là nhiệm vụ chung của các cấp, ngành, địa phương, cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng để đảm bảo cho sự phát triển ổn định, bền vững trên địa bàn tỉnh. Liên quan đến công tác quản lý người nước ngoài, hiện nay ngành Công an đang tập trung thực hiện quản lý chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh trên địa bàn. Tuy nhiên, thực tế trong công tác quản lý lưu trú, đặc biệt là vấn đề lưu trú của người nước ngoài trên địa bàn tỉnh thời gian qua cũng nảy sinh những vấn đề phức tạp. Tính riêng 6 tháng năm 2019, Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 36 vụ, 426 người vi phạm liên quan đến yếu tố nước ngoài; Công an tỉnh phối hợp bắt giữ 129 đối tượng người nước ngoài vi phạm pháp luật và trao trả về nước, với nhiều hành vi phạm pháp như: Trộm cắp tài sản; sử dụng công nghệ cao thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật...
![]() |
Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vấn. |
Để tăng cường quản lý hoạt động của người nước ngoài trong thời gian tới, lực lượng công an sẽ tiếp tục siết chặt quản lý về lưu trú của người nước ngoài; phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh quản lý ngay từ đầu với những loại hình mới như condotel, homestay...; quản lý ngay từ cơ sở để tránh phát sinh những bất cập về ANTT. Bên cạnh đó, Công an tỉnh sẽ phối hợp chặt chẽ với ngành du lịch quản lý tốt hơn các tour, tuyến du lịch để đảm bảo công tác này đi vào nền nếp.
Đại biểu Bùi Thị Hương, Tổ đại biểu TX Đông Triều, chất vấn đồng chí Giám đốc Sở GT-VT về quản lý vận tải, đặc biệt trong dịch vụ vận chuyển khách du lịch. Thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm lĩnh vực du lịch dịch vụ đang là lĩnh vực có dư địa khá lớn, trong đó đặc biệt là ngành dịch vụ vận tải. Đề nghị Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết trong thời gian qua có bao nhiêu phương tiện hoạt động trong loại hình dịch vụ vận tải; công tác phối hợp giữa ngành Giao thông vận tải và ngành thuế để chống thất thu thuế loại hình này.
Ông Vũ Văn Khánh, Giám đốc Sở Giao thông-Vận tải, cho biết: Quảng Ninh đã đưa nhiều tuyến đường vào hoạt động, dịch vụ vận tải nhờ đó cũng tăng mạnh. Toàn tỉnh hiện có 532 xe khách chạy tuyến cố định. Trong đó, có trên 400 xe hoạt động liên tỉnh. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hiện vẫn còn tồn tại trên 1.000 xe Limousine trá hình. Loại xe này cao gấp đôi lượng xe khách tuyến cố định.
![]() |
Giám đốc Sở GT-VT Vũ Văn Khánh trả lời câu hỏi của đại biểu. |
Trong khi đó, theo Nghị định 86 của Bộ GT-VT, các loại xe ô tô trên 10 chỗ ngồi sẽ phải chịu sự quản lý của Sở GT-VT. Xe dưới 10 chỗ quản lý bằng hợp đồng.
Trước những tồn tại trên, thời gian qua, Sở đã có văn bản đề xuất với Bộ GT-VT nhưng hiện tại quy định này vẫn chưa được điều chỉnh. Sở cũng đã đề xuất với Bộ GT-VT cho tỉnh Quảng Ninh được thí điểm quản lý xe hợp đồng dưới 10 chỗ nhưng vẫn chưa được Bộ GT-VT chấp thuận.
Tới đây, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh, báo cáo Bộ GT-VT để có hướng xử lý những bất cập trên. Cùng với đó, Sở cũng sẽ tham mưu cho tỉnh, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải mở văn phòng đại diện tại Quảng Ninh để thuận lợi hơn cho công tác quản lý, chống thất thu thuế. Đồng thời, thành lập bộ phận chuyên môn để thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật của tất cả các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn. Hiện, Sở cũng đang hoàn thiện báo cáo về hiện trạng ngành vận tải của Quảng Ninh để báo cáo tỉnh.
8h10', Đối với chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Dung, TP Hạ Long về công tác quản lý các loại hình cơ sở lưu trú như condotel, homestay…, người đứng đầu ngành Du lịch tỉnh cho biết: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là TP Hạ Long có nhiều cơ sở lưu trú quảng cáo giới thiệu là homestay, tuy nhiên đối chiếu với các tiêu chuẩn nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê của ASEAN thì không đủ, vì tiêu chuẩn tập trung vào các nhà dân có phòng cho khách du lịch thuê mà tại đó du khách sẽ ở lại cùng với gia đình chủ nhà và trải nghiệm cuộc sống hàng ngày của gia đình và cộng đồng cả theo cách trực tiếp và gián tiếp, đặc biệt là các trải nghiệm liên quan đến văn hóa và thiên nhiên tại các địa phương. Vì vậy loại hình này phổ biến ở các vùng nông thôn, cận đô thị, nơi người dân sống thành một cộng đồng, có tính độc đáo với các nguồn tài nguyên văn hóa và tự nhiên riêng biệt. Sở Du lịch đã báo cáo vấn đề trên với Tổng cục Du lịch, trong thời gian tới sẽ rà soát và chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh quảng cáo, giới thiệu đúng các quy định hiện hành.
![]() |
Đại biểu tiếp tục chất vấn Giám đốc Sở Du lịch về công tác quản lý các loại hình cơ sở lưu trú như condotel, homestay... |
Bên cạnh đó, loại hình căn hộ du lịch (căn hộ khách sạn) hay còn gọi là condotel cũng đang là kênh đầu tư hấp dẫn trên thị trường bất động sản. Nhiều nhà đầu tư mua căn hộ hoặc biệt thự trong một dự án bất động sản du lịch, sau đó uỷ quyền cho công ty quản lý vận hành cho thuê lại và phân chia lợi nhuận sau khi đã trừ đi chi phí hoạt động. Tuy nhiên, thị trường còn xuất hiện hình thức khác là nhà đầu tư mua căn hộ condotel nhưng không kết hợp với công ty quản lý để cho thuê mà tự vận hành cho thuê. Đáng quan tâm nhất là tại một số dự án căn hộ chung cư, có nhiều căn hộ tại các dự án này đang được người mua sử dụng để kinh doanh lưu trú phục vụ khách du lịch.
Tình trạng các nhà đầu tư sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch phát triển mạnh, có hiện tượng không đăng ký kinh doanh, không khai báo khách, trốn thuế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn an ninh, phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo chất lượng dịch vụ đối với khách du lịch. Tình trạng này không chỉ diễn ra tại Quảng Ninh mà còn tồn tại ở nhiều tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Khánh Hoà, Nha Trang, Bà Rịa Vũng Tàu,...
Để quản lý tốt hoạt động kinh doanh lưu trú, Sở Du lịch đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các biện pháp, giải pháp quản lý, nhà nghỉ và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay). Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở lưu trú thực hiện quy định pháp luật; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ du lịch; kiểm tra, rà soát xử lý cơ sở vi phạm pháp luật; có văn bản đề nghị Tổng cục Du lịch hướng dẫn công tác quản lý cơ sở kinh doanh hoạt động lưu trú du lịch...
Hiện các bộ, ngành Trung ương cũng đang xây dựng quy chuẩn và quy chế quản lý cho loại hình condotel. Trong khi chờ hoàn thiện quy định của pháp luật về công tác quản lý loại hình căn hộ du lịch, Sở Du lịch tiếp tục phối hợp các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh cơ sở lưu trú thực hiện quy định pháp luật. Đồng thời, đề nghị Sở Xây dựng, UBND các địa phương chú trọng công tác nghiệm thu chất lượng công trình, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các dự án đầu tư cơ sở lưu trú du lịch để đảm bảo an toàn trước khi đi vào hoạt động.
8h05': Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu TP Uông Bí, chất vấn Giám đốc Sở Du lịch về kết quả thực hiện chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng, hiệu quả dịch vụ” của ngành Du lịch.
Đồng chí Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, cho biết: Năm 2019, Sở đã triển khai nhiều giải pháp để thực hiện chủ đề công tác năm. Trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ: Thu hút đầu tư vào kết cấu hạ tầng lĩnh vực dịch vụ; phát triển những sản phẩm du lịch mới; quảng bá và phát triển thị trường; nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; ứng dụng khoa học - công nghệ và bảo vệ môi trường. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ, chất lượng dịch vụ du lịch đã tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các hoạt động du lịch diễn ra sôi động sau khi nhiều dự án hạ tầng trọng điểm của tỉnh hoàn thành, một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động...
![]() |
Đại biểu Đỗ Thị Ninh Hường, Tổ đại biểu TP Uông Bí, chất vấn Giám đốc Sở Du lịch. |
Cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân có sự vào cuộc tích cực là yếu tố quan trọng để ngành Du lịch có tốc độ tăng trưởng tốt trong thời gian qua. Tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh 7 tháng đầu năm ước đạt 9,603 triệu lượt (đạt 69% kế hoạch), tăng 14% so với cùng kỳ. Trong đó, khách quốc tế đạt 3,219 triệu lượt (đạt 54% kế hoạch), tăng 14% so với cùng kỳ; thời gian lưu trú trung bình của du khách đạt từ 2,7 - 3 ngày trở lên (cơ bản đạt chỉ tiêu). Tổng doanh thu du lịch đạt gần 18,531 nghìn tỷ đồng, (đạt 69% kế hoạch), tăng 27% so với cùng kỳ.
Để làm tốt môi trường kinh doanh du lịch, Sở đã và đang tập trung vào giải quyết những vấn đề nổi cộm liên quan quản lý đơn vị lữ hành; phối hợp với các sở, ngành, ký hợp tác với những đơn vị có liên quan như công an, biên phòng để quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch có yếu tố nước ngoài. Phối hợp với các địa phương, đơn vị đẩy mạnh mở rộng không gian du lịch. Ngoài ra, Sở cũng xác định phối hợp chặt chẽ với Cục Thuế tỉnh khảo sát doanh thu nhằm đánh giá đúng, sát với thực tế loại hình du lịch mới và phương án quản lý.
![]() |
Giám đốc Sở Du lịch Phạm Ngọc Thủy trả lời chất vấn. |
Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIII, sáng 30/7, tại Trung tâm Tổ chức hội nghị tỉnh (TP Hạ Long) diễn ra phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Báo Quảng Ninh điện tử thông tin trực tiếp nội dung phiên làm việc này.
![]() |
Đoàn chủ tọa kỳ họp điều hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. |
8h00' - Bắt đầu ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh khóa XIII. Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, thay mặt Đoàn chủ tọa, khai mạc phiên chất vấn. Đồng chí nhấn mạnh: Thực hiện phương châm đổi mới trong kỳ họp HĐND, hoạt động chất vấn sẽ diễn ra theo nhóm vấn đề, không có câu hỏi gửi trước. Người hỏi sẽ có 1 phút để hỏi; người được chất vấn trả lời ngắn gọn, đúng trọng tâm, trong vòng 3 phút.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp này đi sâu vào 4 vấn đề: Quản lý nhà nước về du lịch, dịch vụ; quản lý nhà nước về tài nguyên - môi trường; quản lý nhà nước về lâm nghiệp thủy sản và những vấn đề liên quan đến thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và công tác dân tộc thời gian qua.
Sau phiên chất vấn, HĐND tỉnh sẽ ban hành Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn làm cơ sở cho đại biểu, cử tri và nhân dân theo dõi, giám sát.
![]() |
Quang cảnh ngày làm việc thứ 2. |
Nhóm PV
Ý kiến ()