Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:25 (GMT +7)
Chất vấn, trả lời chất vấn góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước
Thứ 3, 15/03/2022 | 21:34:50 [GMT +7] A A
Chiều 15/3, chủ trì cuộc họp về công tác chuẩn bị tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 vào ngày mai, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Mục tiêu hoạt động này có được nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn sát, đúng, đáp ứng được yêu cầu, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Dự cuộc họp có các đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo một số cơ quan của Quốc hội, các đồng chí bộ trưởng, lãnh đạo các bộ hữu quan.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV là hoạt động bình thường theo quy định
Nhiều vấn đề “nóng” cử tri quan tâm
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký gửi văn bản tới các vị đại biểu Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội; căn cứ ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ hai, Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký đã lọc ra được 6 nhóm vấn đề để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết bằng phiếu và chọn 2 nhóm nội dung thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường để chất vấn tại phiên họp.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhóm vấn đề thứ nhất gồm 3 nội dung: Tình hình sản xuất, nhập khẩu, cung ứng xăng dầu, công tác điều hành giá xăng dầu thời gian qua; việc thực hiện các nghị quyết, kết luận về chất vấn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan đến công tác quản lý thị trường, phòng, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc; giải pháp bảo đảm lưu thông, xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tình hình dịch Covid-19, nhất là mặt hàng nông sản.
Nhóm vấn đề thứ 2 gồm việc thực hiện nghị quyết về chất vấn và giám sát chuyên đề của Quốc hội liên quan đến quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị; trách nhiệm và giải pháp ngăn chặn tình trạng lợi dụng việc trả giá trong các phiên đấu giá đất với mức giá vượt xa giá trị của thị trường để đẩy giá đất các khu vực lân cận lên cao nhằm mục đích trục lợi cá nhân.
Những nội dung được quan tâm khác là việc thực hiện các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, hứa mua, hứa bán về đất đai thời gian qua và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan lĩnh vực này; việc kiểm soát hoạt động xả thải của các nhà máy; xử lý chất thải công nghiệp; thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; vấn đề mới là chất thải liên quan phòng, chống dịch Covid-19; vấn đề ô nhiễm nước thải, rác thải sinh hoạt và giải pháp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý tại các địa phương.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu công tác chuẩn bị tốt để hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành công tốt đẹp.
Tại cuộc làm việc, các đại biểu đánh giá cao công tác chuẩn bị chu đáo cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp lần này. Các đại biểu tin tưởng hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn tại phiên họp sẽ thành công, đạt mục tiêu đề ra.
Tăng cường giám sát nguồn viện trợ không hoàn lại
Sáng nay, 15/3, tiếp tục chương trình làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020; bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021.
Theo Tờ trình, khoản viện trợ 1.431,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao. Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.431,387 tỷ đồng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết, hợp lý; không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách Nhà nước.
Về thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán, Chính phủ xác định đây là số tăng thu và thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, để bảo đảm đúng thẩm quyền quyết định, Chính phủ cần trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu đối với khoản viện trợ, vì tại khoản 4 Điều 19 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định thẩm quyền của Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, do vậy, chỉ Quốc hội có thẩm quyền quyết định bổ sung dự toán đối với các khoản chưa có trong dự toán.
Theo Tờ trình của Chính phủ, khoản viện trợ 1.431,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm đã được các bộ, cơ quan Trung ương thực nhận và sử dụng, chi tiêu trong năm.
Theo Báo cáo số 181/BC-KTNN ngày 8/7/2021 của Kiểm toán Nhà nước, một số khoản kinh phí viện trợ chưa có dự toán đã được các bộ, cơ quan Trung ương tiếp nhận, song chưa được rà soát, trình cấp có thẩm quyền bổ sung dự toán chi kịp thời 1.626,3 tỷ đồng. Vì vậy ông Nguyễn Phú Cường đề nghị Chính phủ làm rõ số chênh lệch giữa Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung dự toán thu, chi ngân sách Trung ương nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng.
Qua thảo luận, nhiều ý kiến lưu ý Chính phủ thống nhất số liệu với Kiểm toán Nhà nước, kể cả các khoản phát sinh trong thời gian vừa qua liên quan đến viện trợ nước ngoài có liên quan công tác phòng và chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, các đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các văn bản pháp luật; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với nguồn viện trợ không hoàn lại bảo đảm hiệu quả, công khai, minh bạch theo các quy định.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, về việc bổ sung 1.431,387 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên năm 2020), Chính phủ cần rà soát số liệu và thống nhất với Kiểm toán Nhà nước hoàn chỉnh hồ sơ để trình Quốc hội xem xét bổ sung dự toán thu chi, phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020.
Về việc bổ sung 4.217,777 tỷ đồng dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ cũng phải rà soát, tổng hợp đầy đủ số liệu, thống nhất với Kiểm toán Nhà nước hoàn chỉnh hồ sơ, báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét bổ sung dự toán phân bổ chi tiết cho bộ, ngành, địa phương. Thời gian trình chậm nhất là trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2022).
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()