Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:54 (GMT +7)
Chất vấn để giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đặt ra
Thứ 2, 06/11/2023 | 11:18:52 [GMT +7] A A
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về vấn đề đã được giám sát.
Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội tiến hành chất vấn các thành viên Chính phủ và “tư lệnh” ngành về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Phiên chất vấn được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Truyền hình Quốc hội để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi, giám sát.
Chất vấn theo 4 nhóm lĩnh vực
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn sáng 6/11, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định rằng thông qua hoạt động giám sát này, Quốc hội sẽ nắm được tình hình, tiến độ và kết quả thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, việc thực hiện các cam kết của Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Việc tái giám sát, chú trọng giám sát những vấn đề sau giám sát, theo dõi đến cùng các vấn đề đã giám sát, đã chất vấn nhằm giúp Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành có cơ hội báo cáo với Quốc hội, cử tri và Nhân dân về những việc mình đã làm, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giải quyết thấu đáo, tận gốc những vấn đề Quốc hội đã đặt ra.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng không phải nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay nhưng Quốc hội, cử tri và Nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và Nhân dân.
“Hoạt động tái giám sát sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững,” Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, mặc dù không phải lời hứa, cam kết, nhiệm vụ nào cũng có thể giải quyết nhanh chóng, có thể làm được ngay, nhưng Quốc hội, cử tri và nhân dân có quyền được biết về tình hình, tiến độ thực hiện và quan trọng nhất, những gì đã hứa trước Quốc hội, cử tri và nhân dân, những nhiệm vụ Quốc hội đã giao cần phải được hoàn thành.
Mặt khác, hoạt động tái giám sát sẽ khẳng định rõ nét hơn một Quốc hội luôn đồng hành cùng cả hệ thống chính trị, nhằm tìm ra các giải pháp phù hợp, sát tình hình thực tiễn, hiệu quả, khả thi, thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần xây dựng, trách nhiệm, qua quá trình hoạt động thực tiễn, làm rõ đến cùng việc thực hiện kiến nghị về những vấn đề đã được giám sát, chất vấn.
Trường hợp thấy cần thiết thì kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc tổ chức giám sát lại theo Khoản 6 Điều 16 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng Nhân dân.
Đối với các thành viên Chính phủ, các vị bộ trưởng, trưởng ngành, đề nghị nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước để làm rõ thực trạng tình hình, những kết quả nổi bật đã làm được, những việc chưa làm được hoặc làm chưa tốt; chỉ rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan và phương hướng, giải pháp tiếp tục thực hiện để tạo chuyển biến căn bản, thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.
Phiên chất vấn diễn ra trong 2,5 ngày, có phạm vi liên quan đến 21 lĩnh vực, gồm những vấn đề lớn, quan trọng, phản ánh mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, được Nhân dân và cử tri hết sức quan tâm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã sắp xếp nội dung chất vấn thành 4 nhóm lĩnh vực, cụ thể là: Nhóm lĩnh vực kinh tế tổng hợp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, tài chính, ngân hàng; Nhóm lĩnh vực kinh tế ngành gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, giao thông vận tải, xây dựng, tài nguyên và môi trường; Nhóm lĩnh vực nội chính, tư pháp gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tư pháp; nội vụ; an ninh, trật tự, an toàn xã hội; thanh tra; tòa án; kiểm sát; kiểm toán; Nhóm lĩnh vực văn hóa, xã hội gồm các vấn đề liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ; giáo dục và đào tạo; văn hóa, thể thao và du lịch; y tế; lao động, thương binh và xã hội; thông tin và truyền thông.
Giám sát để giải quyết tận gốc các vấn đề
Quốc hội cũng nghe Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí và Tổng Kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn báo cáo về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đề ra.
“Nhiều nhiệm vụ đã hoàn thành, tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực và một số nhiệm vụ mang tính thường xuyên, lâu dài đang được triển khai quyết liệt. Tuy nhiên, một số nhiệm vụ triển khai còn chậm, chưa đạt yêu cầu đề ra do nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan và tiếp tục cần thời gian để hoàn thành,” Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết.
Báo cáo tổng hợp nội dung thẩm tra liên quan đến giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết Kỳ họp thứ 4, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết Quốc hội sẽ tiến hành giám sát việc thực hiện 10 nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến Kỳ họp thứ 4 về giám sát chuyên đề và chất vấn.
Ông Bùi Văn Cường nêu một số lĩnh vực được Quốc hội quan tâm, tiến hành giám sát nhiều lần, cụ thể: Lĩnh vực kế hoạch và đầu tư; tài chính; lao động, thương binh và xã hội; nội vụ; Lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; Lĩnh vực tài nguyên và môi trường; Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo; y tế; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; xây dựng; ngân hàng; thông tin và truyền thông; thanh tra.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng Báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và Kiểm toán Nhà nước đánh giá việc thực hiện đã bám sát các nội dung trong nghị quyết của Quốc hội, đã khái quát những kết quả đạt được, một số hạn chế, bất cập trong việc thực hiện các nghị quyết về giám sát chuyên đề và chất vấn, chỉ ra được nguyên nhân và xác định các giải pháp cụ thể để tiếp tục thực hiện trong thời gian tới.
Ông Bùi Văn Cường ghi nhận Chính phủ, các Bộ, ngành đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp để thực hiện nghiêm các nghị quyết của Quốc hội, tạo sự chuyển biến tích cực trong một số lĩnh vực, được đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân, dư luận xã hội ghi nhận, đánh giá cao.
“Điển hình trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, việc triển khai Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội đã phát huy hiệu quả, kịp thời bổ sung nguồn lực lớn hỗ trợ nền kinh tế phục hồi, làm giảm bớt khó khăn của người dân, doanh nghiệp,” ông Bùi Văn Cường nêu rõ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng Thư ký Quốc hội chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn theo từng lĩnh vực.
“Cụ thể, đối với lĩnh vực tài chính, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm; việc thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt rất thấp. Đối với lĩnh vực ngân hàng, việc hoàn thiện pháp luật về cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu còn chậm,” ông Bùi Văn Cường cho biết.
Đề cập về một số vấn đề đặt ra sau giám sát, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng công tác giám sát lại cần được tiếp tục triển khai để đảm bảo các nghị quyết của Quốc hội được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; đánh giá được sự chuyển biến so với yêu cầu, mục tiêu, chỉ tiêu đặt ra trong các nghị quyết của Quốc hội./.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()