Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:46 (GMT +7)
Chào năm mới 2025: Sẵn sàng khi Việt Nam phát triển trở lại điện hạt nhân
Thứ 5, 02/01/2025 | 11:41:02 [GMT +7] A A
Những ngày cuối năm 2024, vững bước vào năm mới 2025, đánh dấu những thay đổi lớn đối với lĩnh vực năng lượng hạt nhân khi ngày 30/11/2024 Quốc hội Việt Nam đã có Nghị quyết về việc Việt Nam quay lại phát triển điện hạt nhân sau 8 năm tạm dừng kể từ năm 2016.
Cơ hội tốt cho ngành hạt nhân
Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhấn mạnh: Việt Nam quay trở lại phát triển điện hạt nhân là một cơ hội tốt cho ngành hạt nhân, đồng thời cũng là một thách thức rất lớn cho ngành năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, để có thể thực hiện thành công chương trình phát triển điện hạt nhân, đòi hỏi Việt Nam phải có đội ngũ cán bộ nghiên cứu, quản lý, vận hành hùng mạnh, năng lực khoa học công nghệ, sản xuất công nghiệp tốt hỗ trợ cho việc bảo đảm chất lượng trong triển khai xây dựng, đưa vào vận hành an toàn các nhà máy điện hạt nhân.
Trong bối cảnh đó, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam nhận thức rõ vai trò, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử, cũng như hướng đến nhiệm vụ hỗ trợ tích cực cho chương trình điện hạt nhân của đất nước. Vì vậy, năm 2025, Viện Năng lượng nguyên tử xác định một số giải pháp, nhiệm vụ như: Xây dựng chương trình nghiên cứu dài hạn, tập trung xây dựng tiềm lực khoa học, triển khai nhiệm vụ nghiên cứu với chất lượng tốt; xây dựng một số nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong đó có các nhóm tập trung vào công nghệ điện hạt nhân, vật lý hạt nhân, thủy nhiệt và phân tích, đánh giá an toàn hạt nhân đối với một số công nghệ điện hạt nhân được lựa chọn để sẵn sàng cho phát triển điện hạt nhân tại Việt Nam.
Trong năm 2024, Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã chủ động và tích cực hợp tác với chủ đầu tư các dự án điện hạt nhân, tham gia vào các nhiệm vụ tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, an toàn liên quan đến các dự án điện hạt nhân; xây dựng năng lực chế tạo, sản xuất thiết bị trong nước, từng bước hướng tới nội địa hóa thiết bị ghi đo bức xạ, các loại máy gia tốc; hoàn thiện và đưa vào vận hành Mạng Quan trắc phóng xạ quốc gia, tiếp tục xây dựng nhóm nghiên cứu về phát tán phóng xạ mạnh với đội ngũ cán bộ tầm quốc tế; tích cực triển khai Dự án Trung tâm Nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân hợp tác với Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Liên bang Nga (Rosatom), sớm hoàn thành việc xây dựng và đưa lò hạt nhân nghiên cứu mới vào vận hành.
Viện trưởng Trần Chí Thành cũng cho rằng: Năm 2024, Viện cũng đạt được nhiều thành tích và kết quả đáng ghi nhận như: Viện đã vận hành an toàn Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và khai thác hiệu quả, vượt chỉ tiêu đặt ra với tổng thời gian vận hành là 3.700 giờ trong 47 đợt dài ngày ở công suất 500 kWt. Năng lực sản xuất dược chất phóng xạ trên lò phản ứng dùng cho chẩn đoán và điều trị ung thư tiếp tục được duy trì và đáp ứng tốt nhu cầu trong nước với sản lượng đã cung cấp năm 2024 là 1.067 Ci, 100% sản lượng được sản xuất trên lò phản ứng Đà Lạt. Bên cạnh đó, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội vận hành máy gia tốc Cyclotron 13 MeV đã có những thành công nhất định khi sản xuất được hơn 300 ca thuốc Vinatom FDG, cung cấp hơn 160.000 mCi dược chất phóng xạ FDG cho các bệnh viện lớn ở Hà Nội sử dụng để chẩn đoán hình ảnh PET/CT cho hơn 10.000 bệnh nhân...
Xác định nhiệm vụ trong bối cảnh mới
Tại Hội nghị “Tổng kết công tác năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025 của Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam” mới diễn ra, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt khẳng định, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lớn để phát triển ngành năng lượng hạt nhân của riêng mình, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Bộ trưởng đề nghị Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cần xác định rõ vai trò, vị trí và nhiệm vụ trong bối cảnh mới, phải là nơi hội tụ tri thức khoa học hạt nhân với đông đảo đội ngũ chuyên gia, các nhà nghiên cứu làm việc trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và điện hạt nhân nói riêng. Cùng với đó, Viện chủ trì đề xuất Chương trình nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia tập trung vào công nghệ, an toàn điện hạt nhân nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng từ khi bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.
Nhận thức rõ đây là nhiệm vụ chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của ngành, là kim chỉ nam “dẫn đường” cho ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam với tầm nhìn dài hạn, được kỳ vọng sẽ giúp nâng tầm của ngành tương xứng với vị thế và tiềm năng của năng lượng nguyên tử đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội đất nước trong kỷ nguyên mới”, Viện trưởng Trần Chí Thành cho biết: Năm 2025, Viện sẽ tập trung vào nâng cao năng lực nghiên cứu và phát triển công nghệ hạt nhân; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành, gắn với chương trình tổng thể phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử và điện hạt nhân, thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội trong tình hình mới. Viện cũng sẵn sàng chuẩn bị năng lực để tham gia quá trình cung cấp vật tư, thiết bị, xây dựng, lắp đặt, quản lý dự án, giám sát và kiểm tra chất lượng nhà máy điện hạt nhân; xây dựng năng lực về xử lý chất thải phóng xạ và nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng. Đồng thời, phối hợp, hỗ trợ kỹ thuật cho Cơ quan quản lý an toàn hạt nhân trong nghiên cứu, rà soát hoàn thiện hệ thống pháp lý, xây dựng một số thông tư, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cần thiết; hỗ trợ thẩm định, đánh giá an toàn hạt nhân trong các giai đoạn phê duyệt địa điểm, thiết kế và cấp phép xây dựng và vận hành nhà máy điện hạt nhân.
Bên cạnh đó, Viện sẽ chủ trì đề xuất Chương trình nghiên cứu đặc biệt cấp quốc gia tập trung vào công nghệ, an toàn điện hạt nhân nhằm nâng cao năng lực nghiên cứu, tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật hướng đến từng bước làm chủ công nghệ, vận hành, bảo trì, bảo dưỡng. Cùng với đó, tập trung triển khai nhanh, hiệu quả Dự án Trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ hạt nhân làm tiền đề cũng như tạo niềm tin trong nước và cộng đồng hạt nhân quốc tế trong việc triển khai các dự án hạt nhân lớn tại Việt Nam trong thời gian tới.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()