Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:35 (GMT +7)
Trường TDTT tỉnh: Chặng đường 40 năm đào tạo tài năng thể thao Vùng mỏ
Thứ 7, 18/06/2022 | 08:03:05 [GMT +7] A A
Nhiều tài năng thể thao nức tiếng Vùng mỏ, tỏa sáng ở tầm châu lục và thế giới được trưởng thành từ việc quan tâm đào tạo, sự dạy dỗ của những người thầy vốn là những nhà vô địch nổi tiếng là cách mà Trường TDTT tỉnh làm trong suốt 40 năm qua. Đây từ lâu đã được coi là cái nôi đào tạo nên nhiều lớp VĐV tài năng, dù đối mặt với không ít khó khăn.
Thành lập ngày 9/6/1982 theo Quyết định số 272/TC-UB của UBND tỉnh Quảng Ninh, Trường Nghiệp vụ và Năng khiếu TDTT ban đầu được thành lập nhằm đào tạo VĐV cho 2 môn thể thao thế mạnh của tỉnh nhà: Bóng chuyền và Bóng đá. Trong những ngày đầu đó, trường tập tạm ở sân vận động Hòn Gai cũ (phường Hồng Gai, TP Hạ Long) với cơ sở vật chất nghèo nàn.
"Khi đó, trường chỉ có các sân bãi thô sơ, thầy trò đều thiếu, khó khăn chật vật về cơ sở vật chất. Năm 1983, trường chuyển về bãi gỗ cột 3, được phân 1 nhà kho và 2 dãy nhà tập thể. Nơi tập luyện là sân Kho vật tư cũ, thầy trò vừa tập vừa nhặt đá, nhặt sỏi, khắc phục khó khăn để tập luyện. Số học viên ban đầu chỉ có hơn 20, giáo viên, HLV chỉ có 3 người... Thế nhưng trong khó khăn đó, bao "viên ngọc thô" được mài giũa thành những VĐV, những tuyển thủ tài năng đem lại bao vinh quang cho thể thao Vùng mỏ, cho quốc gia” - ông Bùi Văn Thuộc, Hiệu trưởng đầu tiên của Trường TDTT, nhớ lại.
Quả vậy, nhà trường đã là nơi cung cấp nhiều lớp VĐV tài năng cho tuyến tuyển tỉnh. Trong khó khăn, sự nhiệt huyết của những lớp HLV, người thầy đầu tiên của trường như: Vũ Đình Chiến, Trần Đình Hùng (Hùng C) đã đào tạo nên bao lớp VĐV tài năng nức tiếng cho thể thao Vùng mỏ, cho ĐTQG. Đó là lớp VĐV khóa đầu tài năng như: Trần Thị Yến, Bùi Lan Anh... (bóng chuyền), Đỗ Ngọc Khải (bóng đá)... hoặc từng đã giảng dạy như Phạm Văn Thông, làm nức tiếng thể thao Vùng mỏ ở các môn thể thao thế mạnh.
Với sự phát triển và tầm quan trọng của các môn thể thao thế mạnh khác, cuối những năm 90, Nhà thi đấu tỉnh đã được xây dựng. Tháng 11/1996, nhà trường được đầu tư xây trụ sở và kí túc xá, đến năm 2000 hoàn thiện lại được tiếp quản Nhà thi đấu phục vụ học viên luyện tập. Lúc này, diện tích trường là 6.000m2, tổng diện tích các cơ sở vật chất lên tới gần 12.000m2. Thời kì từ 1985-1990, mỗi năm Trường đều xin chủ trương, kinh phí đào tạo bổ sung thêm các môn thể thao. Năm 2006, Trường được bổ sung đào tạo U11, U13 cho đội bóng đá than Quảng Ninh, số giáo viên trực tiếp giảng dạy tại trường là khoảng 23-26 giáo viên. Cho đến tháng 6/2019, Trường đã có khả năng đào tạo 19 môn với 255 học sinh/năm, đào tạo từ 5-14 tuổi.
Dù nhiều trang thiết bị tập luyện chuyên môn vẫn còn thiếu thốn, thầy trò nhiều môn phải tập chung phòng, chung thiết bị, thầy trò vừa học vừa tìm hiểu, cập nhật thông tin với nhiều môn thể thao mới như: Bắn cung, Muay Thái... Trong suốt một chặng đường dài đó, Trường vẫn mài giũa nhiều viên ngọc thô làm tiền đề cho những tài năng thể thao xuất sắc của tỉnh nhà, cho ĐTQG như: Vũ Thị Hoa (điền kinh), Nguyễn Thị Phương (bơi lội), Trần Thị Hiền, Lê Thị Hiền (bóng chuyền)...
Rất nhiều trong số này đã tỏa sáng ở đấu trường quốc tế, đem vinh quang về cho Tổ quốc, như: Kỳ thủ cờ vua nức tiếng Nguyễn Anh Dũng, Nguyễn Lê Cẩm Hiền ghi danh ở các giải đấu của Liên đoàn cờ Thế giới FIDE; những nhà vô địch Pencak Silat thế giới, SEA Games như: Lê Thị Hằng, Lâm Thị Hương, Nguyễn Thái Linh...; Nhà vô địch Asiad cầu mây Nguyễn Thị Hoa, HCB thế giới đá cầu Nguyễn Thanh Hoa...
Thật bất ngờ, tất cả những tài năng đó trưởng thành từ những nỗ lực vượt mình, những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất... Từ đó khẳng định thương hiệu, thế mạnh của thể thao Quảng Ninh ở nhiều môn như: Cờ vua, bóng chuyền, bóng đá, Pencak Silat...
Trong những năm gần đây, việc đào tạo tài năng thể thao của Trường được tổ chức một cách quy củ, khoa học trên cơ sở học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến, đặc biệt coi trọng các bài kiểm tra đầu vào, việc đào tạo toàn diện (chuyên môn và cả đào tạo tri thức). Nhờ đó, tỷ lệ tốt nghiệp hàng năm, cung cấp tài năng cho các đội tuyển tỉnh đều đạt yêu cầu đề ra.
Một trong những dấu ấn chính là khuyến khích, thu hút chính những tài năng xuất sắc, trưởng thành từ mái trường này quay trở lại làm công tác huấn luyện, tiếp tục truyền lửa cho thế hệ trẻ, như: Nguyễn Thanh Hoa, Lâm Thị Hương... Đây có thể coi là một trong điểm mạnh, cách làm để nuôi dưỡng, rèn giũa tài năng. Thời gian tới đây, khi Trường TDTT được sáp nhập vào Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh, hy vọng sẽ tiếp tục phát huy những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong việc tuyển chọn, nuôi dưỡng những tài năng thể thao cho Vùng mỏ.
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()