Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:12 (GMT +7)
Chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước
Thứ 7, 24/06/2023 | 11:52:01 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính - ngân sách nhà nước.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các cơ quan, đơn vị và cấp dưới trực thuộc thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật, chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công, quản lý giá và thẩm định giá; tăng cường công tác quyết toán, kiểm toán, thanh tra, kiểm tra, giám sát, công khai, minh bạch; thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước. Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan theo quy định tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn theo hướng đổi mới cơ chế phân cấp ngân sách, cơ bản khắc phục tình trạng lồng ghép trong quản lý ngân sách nhà nước, tăng cường vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ quản lý ngành, lĩnh vực tổng hợp, rà soát, xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về đầu tư công và pháp luật có liên quan đảm bảo giải quyết, xử lý các tồn tại, hạn chế đã kéo dài nhiều năm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỷ cương, kỷ luật trong thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; đấu thầu, mua sắm tài sản, vật tư, trang thiết bị ở những lĩnh vực đặc thù, nhất là lĩnh vực y tế…
Đảm bảo thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của các Luật thuế, Luật quản lý thuế và pháp luật có liên quan, tăng cường công tác quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước; hạch toán, điều tiết các khoản thu của từng cấp ngân sách, từng địa phương theo đúng quy định; không tự đặt ra các khoản thu, không giữ lại hoặc để các khoản thu ngoài ngân sách nhà nước trái với quy định của pháp luật; khẩn trương xử lý theo chế độ quy định các khoản tạm thu, tạm giữ, các khoản thuế đã kê khai nhưng chậm nộp và các khoản đã được các cơ quan kiểm toán, thanh tra phát hiện, kiến nghị thu vào ngân sách nhà nước.
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương lập dự toán thu ngân sách nhà nước theo đúng quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, các Luật thuế, chế độ thu, đảm bảo tính tích cực, vững chắc và bao quát hết các nguồn thu, có tính đến các khoản thu đột biến, đặc thù; phù hợp với khả năng tăng trưởng kinh tế tại địa phương và tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế; nâng cao chất lượng công tác phân tích, dự báo, xây dựng dự toán thu, nhất là các khoản thu tiền sử dụng đất, thu tiền cho thuê đất; khắc phục tình trạng dự báo, xây dựng dự toán thu ngân sách chưa sát với thực tế trong thời gian qua.
Nghiêm cấm các trường hợp chi sai nguồn; mượn nguồn của các cấp ngân sách khi chưa được sự cho phép
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương kiểm soát chi ngân sách chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Thực hiện nhiệm vụ chi theo đúng nguồn kinh phí được giao; trường hợp không còn nhiệm vụ chi, phải hoàn trả ngân sách nhà nước theo quy định. Nghiêm cấm các trường hợp chi sai nguồn; mượn nguồn của các cấp ngân sách khi chưa được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền; nghiêm cấm thực hiện các khoản chi ngoài dự toán, các khoản chi trái quy định của pháp luật, sử dụng ngân sách để cho vay, tạm ứng đối với những việc, nội dung sai chế độ quy định…
Đa dạng hóa hơn nữa nguồn vốn, phương thức vay trong nước và nước ngoài
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tổ chức huy động vốn để đáp ứng nhiệm vụ vay của ngân sách nhà nước trong trung hạn và hằng năm theo Nghị quyết của Quốc hội; đa dạng hóa hơn nữa nguồn vốn, phương thức vay trong nước và nước ngoài; quán triệt nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, chỉ chi trong khả năng của nền kinh tế và chỉ vay trong khả năng trả nợ; bố trí nguồn vốn để thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, không để xảy ra tình trạng nợ quá hạn, làm ảnh hưởng đến các cam kết của Chính phủ và hệ số tín nhiệm quốc gia.
Các địa phương thực hiện huy động để bù đắp bội chi ngân sách địa phương trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định, bố trí chi trả nợ lãi trong chi cân đối ngân sách địa phương; chi trả nợ gốc ngoài chi cân đối ngân sách địa phương được bố trí từ nguồn vay, bội thu ngân sách cấp tỉnh, kết dư ngân sách cấp tỉnh và nguồn tăng thu, tiết kiệm chi theo quy định, đảm bảo trả nợ đầy đủ, đúng hạn theo cam kết và hợp đồng vay đã ký.
Đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản công đúng chế độ, tiết kiệm, công khai, minh bạch
Các bộ, cơ quan trung ương, địa phương cần tổ chức rà soát, sắp xếp lại tài sản công bảo đảm sử dụng đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức theo chế độ quy định và phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ; đẩy mạnh việc xử lý tài sản không còn nhu cầu sử dụng để tạo nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và các nhu cầu khác theo quy định; kiên quyết thu hồi các tài sản sử dụng sai đối tượng, sai mục đích, vượt tiêu chuẩn, định mức; tổ chức xử lý tài sản đúng pháp luật, công khai, minh bạch, không để lãng phí thất thoát tài sản công…
Công khai, báo cáo kết quả thực hiện kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tổ chức đôn đốc, chỉ đạo thực hiện và báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra, trong đó tập trung làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan. Đề ra các giải pháp và phối hợp với các cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng từ các năm trước và những nội dung thực hiện theo Chỉ thị này.
Định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả xử lý, gửi Bộ Tài chính cùng với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính; trong đó, phải nêu rõ những tồn tại trong quản lý, sử dụng các nguồn lực tài chính - ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài sản công đã được khắc phục, những tồn tại chưa khắc phục và thời gian, biện pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương và địa phương không chấp hành chế độ báo cáo kết quả xử lý các kiến nghị, kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, thanh tra theo quy định của pháp luật và quy định tại Chỉ thị này, hoặc báo cáo chậm, Bộ Tài chính tạm dừng cấp kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Theo TTXVN/Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()