Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:19 (GMT +7)
Chấn chỉnh kịp thời các tác động tiêu cực của mạng xã hội
Thứ 5, 15/07/2021 | 15:25:00 [GMT +7] A A
Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, hoạt động cung cấp thông tin không còn là vị trí độc tôn của các cơ quan báo chí mà còn có sự tham gia của những người dùng trên mạng xã hội, như: Facebook, Youtube, TikTok, Twitter, Instagram...
Sự phát triển của mạng xã hội đã có những tác động cả tích cực lẫn tiêu cực đối với đời sống xã hội. Trong đó, mặt trái của sự phát triển công nghệ thông tin đã bộc lộ, thông qua những hoạt động lợi dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Những bất cập này cần có sự chấn chỉnh kịp thời.
Quyết liệt, kịp thời ngăn chặn các thông tin sai lệch
Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2021, mức độ ảnh hưởng và phổ biến của các mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới, như: Facebook, Youtube, TikTok... chiếm tỷ lệ cao đối với người Việt Nam. Trong đó, Facebook có khoảng 65 triệu thành viên Việt Nam; Youtube có khoảng 60 triệu; TikTok khoảng 20 triệu...
Thực tế cho thấy, các mạng xã hội xuyên biên giới này chưa tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật Việt Nam. Các quy định hiện hành đối với hoạt động cung cấp thông tin, dịch vụ qua biên giới vẫn còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, đây cũng là môi trường tồn tại nhiều thông tin vi phạm pháp luật, lan truyền tin giả, gây mất ổn định, bức xúc trong xã hội.
Nhiều cá nhân, tổ chức lợi dụng mạng xã hội để hoạt động báo chí, tổ chức phát trực tuyến (livestream) để cung cấp thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác và cung cấp thông tin, dịch vụ vi phạm pháp luật...
Nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý các thông tin sai lệch, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là xử lý các đối tượng có hành vi sai phạm, phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội. Trường hợp vi phạm mức độ nhẹ, sẽ nhắc nhở, rút kinh nghiệm. Trường hợp vi phạm ở mức độ nặng có thể xem xét xử phạt vi phạm hành chính, thu hồi giấy phép, thu hồi tên miền. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm hình sự, sẽ chuyển hồ sơ cơ quan công an điều tra, xem xét, xử lý theo quy định. Trong đó, đáng chú ý là việc xử phạt kênh Youtube Hoàng Anh - Timmy tại Thành phố Hồ Chí Minh; kênh Hưng blog, Hưng troll tại Bắc Giang; kênh Thơ Nguyễn tại Bình Dương... Đồng thời, Bộ đã yêu cầu Google đóng nhiều kênh Youtube của người dùng trong nước có nội dung vi phạm pháp luật.
Cùng với đó, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành có liên quan, triển khai, kết hợp nhiều giải pháp đấu tranh quyết liệt nhằm yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin sai sự thật, tin giả; yêu cầu Facebook, Google... xử lý mạnh hơn các tài khoản đăng tải, chia sẻ các tin giả; nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp mới để công tác đấu tranh đạt hiệu quả, mục tiêu cao hơn...
Ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết: Những nền tảng mạng xã hội nhiều vi phạm chủ yếu là nền tảng xuyên biên giới. Họ từ nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới trên internet vào Việt Nam, vì thế việc yêu cầu họ tuân thủ pháp luật Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Một số nền tảng khi thiết lập văn phòng đại diện tại Việt Nam, họ chấp hành tốt hơn nhưng một số nền tảng không có văn phòng ở Việt Nam, hoàn toàn ở nước ngoài thì việc tuân thủ pháp luật có nhiều hạn chế, ví dụ như Facebook, Google...
Bộ Thông tin và Truyền thông đã phải triển khai nhiều cuộc đấu tranh đặc biệt để yêu cầu những nền tảng này tuân thủ pháp luật và gần đây mới đạt được bước tiến lớn. Tuy nhiên, các nền tảng xuyên biên giới như YouTube, Facebook... vẫn đề cao tiêu chuẩn cộng đồng của họ và coi đó là yếu tố thông tin số một trong việc xử lý những nội dung vi phạm. Đặc biệt những thông tin liên quan đến văn hóa, phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục..., có sự khác nhau giữa quy định của Việt Nam và tiêu chuẩn cộng đồng của các công ty công nghệ Mỹ. Góc nhìn, quan điểm của các công ty này có nhiều điểm rất khác, thậm chí họ coi một số hành vi sai phạm là chuyện bình thường nên không chịu xử lý. Đó là một yếu tố khách quan.
Ngoài ra, theo quy định của pháp luật Việt Nam, hiện nay có những hành vi vi phạm cụ thể và đạt đến mức độ nhất định mới phải chịu chế tài pháp luật. Nhưng đại đa số những nội dung xuất hiện trên không gian mạng, mức độ thường dừng ở nhảm nhí, câu view câu like, ở mức "lưng chừng", phản cảm nhưng chưa đến mức độ vi phạm pháp luật, nên xử lý khó khăn. Trước tình hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề xuất một số hướng giải quyết và đã triển khai trên thực tế.
"Các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhiều lần làm việc với các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới và đạt được nhiều thỏa thuận. Họ phải gỡ những nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Trong năm 2020 đã có những bước tiến lớn, tuy vậy hai bên còn những khác biệt về pháp luật, quan điểm chính trị, văn hóa nên để họ thực hiện đầy đủ 100% yêu cầu của chúng ta là vẫn có khoảng cách và các bên đang tìm mọi giải pháp thu hẹp khoảng cách này..." - ông Lê Quang Tự Do cho biết.
Hướng tới quản lý chặt chẽ hơn các mạng xã hội
Một trong những giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hơn trong việc cấp phép các mạng xã hội và việc cung cấp thông tin xuyên biên giới dưới hình thức mạng xã hội đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện là trình Chính phủ xem xét, ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP. Hiện dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến rộng rãi và được người dân hết sức quan tâm.
Dự thảo Nghị định yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thông tin xuyên biên giới phải tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Các cơ quan quản lý có quyền thực thi các biện pháp ngăn chặn trong các trường hợp: Cung cấp thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam; không hợp tác để ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm.
Các trang web/ứng dụng cung cấp dịch vụ nội dung có từ 100.000 lượng người truy cập thường xuyên 1 tháng phải thực hiện các nghĩa vụ: Thông báo/xác nhận thông báo hoạt động với Bộ Thông tin và Truyền thông; phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông để xử lý thông tin vi phạm theo quy trình (phải ngăn chặn, gỡ bỏ dịch vụ, thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ khi có yêu cầu từ cơ quan có thẩm quyền Việt Nam).
Các doanh nghiệp viễn thông thực hiện biện pháp kỹ thuật cần thiết để ngăn chặn nội dung vi phạm cung cấp tới người sử dụng tại Việt Nam. Người sử dụng tại Việt Nam có quyền thông báo vi phạm yêu cầu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới xử lý; thông báo cho Bộ Thông tin và Truyền thông về những vi phạm nội dung trên các website cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam; khởi kiện nếu doanh nghiệp cung cấp xuyên biên giới gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm xác định nội dung vi phạm thuộc phạm vi, chuyên ngành quản lý nào, chuyển Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối yêu cầu các doanh nghiệp xuyên biên giới xử lý, gỡ bỏ thông tin vi phạm. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nội dung xuyên biên giới phải tuân thủ các quy định chuyên ngành khi cung cấp dịch vụ tại Việt Nam như: Mạng xã hội, cung cấp trò chơi điện tử trên mạng, kho ứng dụng...
Dự thảo Nghị định bổ sung thêm trách nhiệm của mạng xã hội xuyên biên giới, đó là phải có bộ phận chuyên trách tiếp nhận/giải quyết khiếu nại từ người sử dụng; tạm khóa/xóa các nội dung (trong vòng 24 giờ) khiếu nại chính đáng từ cá nhân/tổ chức bị ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp khi nhận được yêu cầu; tuân thủ quy định về bản quyền với báo chí khi đăng, phát các tác phẩm báo chí của các cơ quan báo chí Việt Nam.
Bên cạnh đó, các mạng xã hội xuyên biên giới phải yêu cầu các kênh/tài khoản tại Việt Nam có lượng người sử dụng theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên thực hiện thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông. Các mạng xã hội xuyên biên giới chỉ cho phép các kênh/tài khoản đã thông báo với Bộ Thông tin và Truyền thông mới được cung cấp dịch vụ livestream và các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Các doanh nghiệp viễn thông, doanh nghiệp cho thuê chỗ lưu trữ dữ liệu có trách nhiệm thực hiện biện pháp ngăn chặn các nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam khi tự phát hiện hoặc theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông trong thời gian 3 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu.
Trước đó, ngày 28/5/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác quản lý, xử lý thông tin vi phạm trên mạng xã hội.
Theo đó, nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của mạng xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý, xử lý theo thẩm quyền được giao.
Cụ thể, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an các địa phương cần tăng cường rà soát, phát hiện kịp thời những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng, đặc biệt là mạng xã hội; chủ động xử lý nghiêm khắc các đối tượng vi phạm trên địa bàn.
Trong trường hợp không xác định được danh tính, nhân thân của đối tượng vi phạm, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an các tỉnh, thành phố cần phối hợp với các bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an để có biện pháp ngăn chặn, xử lý phù hợp...
Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 72/2013/NĐ-CP được Chính phủ thông qua sẽ là một trong những công cụ quan trọng giúp các cơ quan nhà nước siết chặt hơn việc quản lý đối với các trang mạng xã hội, nhất là các mạng xã hội có nền tảng xuyên biên giới, góp phần lành mạnh hóa môi trường internet tại nước ta hiện nay.
Theo TTXVN
Liên kết website
Ý kiến ()