Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 17:42 (GMT +7)
Chăm sóc trẻ phòng dịch bệnh mùa lạnh
Chủ nhật, 31/12/2023 | 17:08:37 [GMT +7] A A
Mùa đông thời tiết diễn biến bất thường, chính là điều kiện thuận lợi để nhiều loại virus phát triển mạnh khiến nhiều người thấy mệt mỏi, đau ốm, đặc biệt là trẻ em, do sức đề kháng của cơ thể cũng có phần giảm sút. Ngoài ra, không khí ô nhiễm dễ dẫn đến các bệnh lý về hô hấp, dị ứng tăng cao và đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ nhỏ.
Tại Hà Nội, số ca mắc cúm A đang có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, đặc biệt ở trẻ nhỏ, trong đó có nhiều ca diễn biến suy hô hấp nặng, phải thở máy.
PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An - nguyên trưởng khoa Tai Mũi Họng trẻ em (Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương), Giám đốc chuyên môn Bệnh viện An Việt cho biết: Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do các virus cúm mùa gây nên. Các chủng virus cúm A phổ biến là A(H1N1), A(H3N2)… Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn khi nói chuyện, ho, hắt hơi…
Triệu chứng của bệnh cúm A rất khó phân biệt với các bệnh đường hô hấp khác. Việc chẩn đoán và điều trị phải tuân thủ theo hướng dẫn của cơ sở y tế. Việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp cha mẹ có thể xử trí và đưa con đến bệnh viện thăm khám kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
"Thời điểm mùa đông nhiệt độ xuống thấp, độ ẩm trong không khí cao, cộng thêm sức đề kháng của cơ thể bị suy giảm trong khi các vi sinh vật như ký sinh trùng, nấm mốc, virus… có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, không khí bị ô nhiễm như hiện nay gây viêm phổi. Các triệu chứng có thể bao gồm đau ngực, ho, mệt mỏi, khó thở và sốt", PGS.TS Nguyễn Thị Hoài An cho hay.
Trong điều kiện hiện nay, PGS Hoài An cho rằng cần thường xuyên chăm sóc trẻ, giữ ấm và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ. Khi có dấu hiệu chảy nước mũi, xịt xịt cần vệ sinh sạch sẽ, tránh bội nhiễm có thể gây lan sang các vùng mũi họng khác.
Không phải trường hợp nào mắc cúm cũng cần điều trị bằng thuốc kháng virus đặc hiệu như Tamiflu. Những trường hợp có nguy cơ tiến triển nặng cao, bác sĩ mới xem xét việc sử dụng thuốc kháng virus đặc hiệu để giảm nguy cơ tiến triển thành nặng.
Đa phần trường hợp nhiễm cúm đều có thể tự khỏi. Việc điều trị chủ yếu là chữa triệu chứng, giúp làm giảm tình trạng khó chịu trong giai đoạn nhiễm cấp tính của bệnh nhân. Bên cạnh đó, theo dõi và phát hiện những dấu hiệu nặng và nguy cơ tiến triển nặng để cho bệnh nhân nhập viện thăm khám kịp thời.
Bên cạnh đó, tiêm vaccine vẫn là biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, giúp tạo "lá chắn" bảo vệ trẻ khỏi virus cúm cũng như nhiều bệnh lý khác, nhất là trong thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường này.
Cũng theo PGS. Hoài An với trẻ nhỏ cần đảm bảo sữa mẹ, lưu ý trang phục cho trẻ phù hợp với thời tiết và giữ ấm trong những ngày trời lạnh. Thực hiện giữ vệ sinh, sát khuẩn tay, vệ sinh mũi họng tốt cho trẻ.
Tăng khả năng phòng vệ tự nhiên và chủ động cho bé: Mẹ rửa tay cho con, sử dụng khẩu trang, cách ly nguồn bệnh khi xung quanh có nguồn lây (người bị bệnh), khói bụi chất độc; tiêm vaccine đúng lịch để tạo miễn dịch chủ động cho bé.
Một điều đáng chú ý chính là tạo nền tảng sức khỏe tốt cho con với chế độ dinh dưỡng, giàu vitamin.
Theo Lao động
Liên kết website
Ý kiến ()