Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:21 (GMT +7)
Chăm sóc trẻ F0 như thế nào cho an toàn?
Thứ 3, 03/08/2021 | 10:09:57 [GMT +7] A A
Trước những lo lắng khi chăm sóc trẻ F0, Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM đã đưa ra một số lưu ý phụ huynh cần thực hiện để an toàn cho trẻ và cộng đồng.
Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19 lên trẻ nhỏ, mới đây sở Y tế TP.HCM đã phân công cho Bệnh viện Nhi đồng thành phố và Bệnh viện Nhi đồng 2 chịu trách nhiệm tiếp nhận bệnh nhi mắc Covid-19.
Theo đó, mỗi trẻ mắc Covid-19 sẽ được một người thân chăm sóc. Trường hợp cả người thân và trẻ đều mắc Covid-19 sẽ được điều trị chung, nếu người thân chuyển nặng sẽ được chuyển lên bệnh viện điều trị Covid-19 tuyến trên, gia đình sẽ bố trí người khác để chăm sóc bé.
Trường hợp trẻ mắc Covid-19 nhưng người thân không mắc, bé vẫn được 1 người thân chăm sóc, bệnh viện sẽ tư vấn các nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn người nhà các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, các nguy cơ phơi nhiễm Covid-19 và viết giấy cam kết trước khi vào chăm sóc trẻ.
Đối với các trường hợp bệnh nhi ở khu cách ly tập trung có bệnh lý cần nhập viện điều trị, khu cách ly tập trung chuyển bệnh nhi về các bệnh viện quận, huyện trên địa bàn. Trẻ lớn có thể tự lập thì cách ly một mình.
Với bệnh nhi cần người nhà theo cùng, bệnh viện phải tư vấn các nguy cơ lây nhiễm, hướng dẫn người nhà các biện pháp phòng chống dịch bệnh, sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân...
Trước những lo lắng của phụ huynh khi trẻ nhỏ trong gia đình trở thành F0, Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM đã đưa ra một số lưu ý dành cho các bậc phụ huynh. Theo bác sĩ Khanh các thống kê từ trước đến nay cho thấy đa số trẻ mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ bệnh rất nhẹ.
“Theo tôi nắm được tình hình các ca bệnh ở TP HCM cho tới nay, trẻ nhỏ thành F0 chưa em nào bị nặng. Các nghiên cứu trên thế giới cũng cho thấy trẻ mắc Covid-19 thường rất nhẹ, đa số là các ca không có triệu chứng. Chỉ khi nào trẻ có những bệnh đi kèm rất nặng như suy thận mạn, suy giảm miễn dịch... thì mới lo” – Bác sĩ Khanh cho hay.
Bác sĩ Khanh khuyên, khi trẻ nhỏ thành F0, điều quan trọng hơn là đừng để sự lo lắng của phụ huynh ảnh hưởng tới trẻ, đặc biệt là những bé còn rất nhỏ. Ngay cả đối với các bé có xuất hiện triệu chứng, thường không khác những đợt trẻ bị cảm sốt thông thường, nên bình tĩnh chăm sóc bé như các đợt bệnh trước.
Ngoài ra, cố gắng đừng để trẻ thấy sự lo âu quá độ của bố mẹ và nên bình tĩnh nếu như cả nhà thành F0, trong đó có cả các bé. Các thành viên F0 khác trong gia đình cần tự chăm sóc bản thân theo những hướng dẫn thông thường, nếu có triệu chứng nguy hiểm thì báo ngay với ngành y tế, triệu chứng nhẹ như cảm cúm thì cũng uống thuốc hạ sốt (nếu sốt), tự chăm sóc như khi bị cảm cúm. Không có triệu chứng thì không cần làm gì.
Có thể giải thích đơn giản với trẻ về tình trạng phải cách ly rằng nếu bây giờ trẻ ra ngoài sẽ lây cho bạn, hầu hết trẻ em đều bằng lòng với lời giải thích này.
“Covid-19 cũng như các bệnh khác nên sự vận động vừa sức sẽ giúp tăng sức đề kháng, giảm nhẹ các triệu chứng. Vì vậy đừng nên vì lo lắng mà bắt trẻ nằm nghỉ một chỗ. Cho dù trẻ bị sốt mà vẫn chơi đùa, chạy nhảy trong nhà thì đừng cản, vì điều đó là tốt. Chú ý sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ đúng liều, đúng loại dành cho trẻ em. Ngoài ra, chỉ cần cho trẻ ăn đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giữ vệ sinh môi trường sống, bé sẽ nhanh chóng đi qua tình trạng F0. Các F0 trẻ em thường cũng sớm âm tính hơn người lớn” – Bác sĩ Khanh nhấn mạnh.
Còn nếu cha mẹ không mắc Covid-19 nhưng phải đi theo trẻ nhỏ mắc Covid-19 để chăm sóc, cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn của ngành y tế nhằm để phòng lây nhiễm, vì như vậy trẻ nhỏ sẽ dễ dàng đi qua cơn bệnh. Nếu có bất kỳ triệu chứng sốt, ho... nào, hãy báo ngay với bác sĩ vì có thể đó là dấu hiệu cho thấy cha mẹ cũng đã nhiễm bệnh.
Khi trẻ mắc Covid-19 các bậc phụ huynh cần đảm bảo được chế độ dinh dưỡng, cho trẻ uống đủ nước, bổ sung các thực phẩm giàu protein: trứng, thịt, cá, tăng cường các thực phẩm giàu kẽm như tôm, cua, gan động vật, thịt bò, các loại ngũ cốc,... để tăng sức đề kháng cho trẻ, giúp trẻ chống lại những vi rút gây bệnh.
Ngoài ra, phụ huynh có thể bổ sung các loại rau củ, hoa quả chứa nhiều vitamin C, E giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhuận tràng, tránh táo bón. Cha mẹ cũng cần tập cho bé một lối sống lành mạnh, đảm bảo cho bé ngủ đủ giấc, đúng giờ, rèn luyện cơ thể thường xuyên, tắm nắng để hấp thụ vitamin D.
Theo giadinhonline.vn
Liên kết website
Ý kiến ()