Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 15:06 (GMT +7)
Chăm sóc trẻ bị ho đúng cách
Thứ 4, 15/06/2022 | 21:50:41 [GMT +7] A A
Nhiều phụ huynh không cho trẻ ăn tôm, uống sữa vì sợ cơn ho nặng nề hơn. Tuy nhiên, trẻ vẫn cần ăn uống đầy đủ để có đề kháng chống lại bệnh tật.
Tại sao trẻ lại ho?
Ho là triệu chứng của bệnh nhiễm khuẩn đường thở, phổ biến nhất ở trẻ em. Ho là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất chất tiết từ đường thở của trẻ.
Nguyên nhân thường gặp là do trẻ bị nhiễm khuẫn hô hấp trên (như viêm nhiễm vùng tai - mũi - họng) thường do siêu vi, nếu chăm sóc tốt đa số sẽ tự khỏi. Hoặc trẻ nhiễm khuẩn hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi, viêm tiểu phế quản) cũng có triệu chứng này.
Khi trẻ bị ho, phụ huynh tiếp tục cho trẻ ăn hoặc cho bú nhiều lần hơn vì trẻ cần năng lượng để phát triển và chống đỡ bệnh tật. Cho trẻ uống đủ nước vì trẻ sốt ho dễ mất nước qua da và đường thở. Phụ huynh có thể chữa ho, đau họng bằng thuốc dân gian an toàn như tắc chưng đường, mật ong, cây tần dầy lá… Ngoài ra, nên nhỏ mũi cho trẻ bằng nước muối sinh lý.
Những sai lầm thường gặp
Các bác sĩ khẳng định, chế độ dinh dưỡng có thể giúp trẻ tăng cường miễn dịch, ngăn ngừa và điều trị triệu chứng ho. Nhiều phụ huynh cho rằng, trẻ cần kiêng tôm hoặc thịt gà để giảm cơn ho là không chính xác (nếu trẻ không bị dị ứng)
Khi trẻ ho, thường dẫn đến đau họng, việc ăn uống bị ảnh hưởng, ngay cả người lớn cũng vậy. Do đó, để bổ sung đủ dinh dưỡng, cha mẹ nên nấu thức ăn lỏng, chia thành nhiều bữa.
Một số người mẹ giảm sữa và nước vì lo trẻ bị ho, sặc. Tuy nhiên, với trẻ còn bú sữa, mẹ tiếp tục cho bú, chia thành các bữa nhỏ, đảm bảo lượng sữa cần thiết cho con. Trẻ uống sữa cũng là cung cấp nước, giúp cho em bé loãng đờm, giảm ho.
Phụ huynh tuyệt đối không lạm dụng thuốc kháng sinh, không tự kê đơn thuốc, không sử dụng các loại thuốc ho như terpin-codein, neo-codion… cho trẻ vì dễ gây ngộ độc. Không hút mũi hay phun khí dung thường quy vì gây sang chấn, bội nhiễm do thủ thuật không đảm bảo vô trùng.
Đếm nhịp thở
Cha mẹ cần tìm dấu hiệu trẻ thở nhanh bằng cách đếm nhịp thở trong 1 phút, khi trẻ nằm yên.
Với trẻ dưới 2 tháng, thở nhanh khi nhịp thở từ 60 lần / phút trở lên. Trẻ từ 2 tháng đến dưới 12 tháng, nhịp thở nhanh là từ 50 lần / phút trở lên. Trẻ từ 12 tháng đến dưới 5 tuổi, thở nhanh là từ 40 lần / phút trở lên
Đặc biệt, khi trẻ có dấu hiệu rút lõm ngực cần nhập viện ngay. Phụ huynh có thể nhận diện bằng cách vén áo trẻ lên, quan sát lồng ngực trẻ. Khi bình thường, trẻ hít vào phần dưới lồng ngực nở ra, nếu khi hít vào phần dưới lồng ngực lõm vào có nghĩ là trẻ có dấu hiệu rút lõm ngực. Đây là dấu hiệu viêm phổi nặng.
Các dấu hiệu trẻ cần nhập viện
Khi trẻ khó thở hơn, thở nhanh hơn, không uống được, mệt, tím tái, bỏ bú hoặc bú kém, co giật, ngủ li bì khó đánh thức, thở có tiếng rít… tất cả đều là dấu hiệu cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, mọi trường hợp viêm phổi ở trẻ dưới 2 tháng đều nặng và cần đến viện gấp.
Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM cũng vừa cho biết, tỷ lệ trẻ viêm tiểu phế quản trong tháng 5 đã tăng mạnh, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và so với trung bình trong 5 năm vừa qua. Tỷ lệ này có khuynh hướng tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Do đó, phụ huynh cần hết sức chú ý bảo vệ sức khỏe, tăng đề kháng cho trẻ và chăm sóc trẻ đúng cách nếu có dấu hiệu của bệnh hô hấp.
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()