Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 05:21 (GMT +7)
Chăm sóc sức khỏe từ cây dược liệu
Thứ 5, 23/03/2023 | 15:04:23 [GMT +7] A A
Sử dụng dược liệu trong phòng và chữa bệnh đang phát triển mạnh, không chỉ ở nước ta mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Người dân ưa chuộng sử dụng dược liệu vì hầu hết có độ an toàn cao, đã được nhân dân sử dụng trong khoảng thời gian rất dài, ít gây ra tác dụng phụ và dễ dàng sử dụng.
Chị La Thị Thanh (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) cho biết: “Bà con ở đây có rất nhiều bài thuốc quý, sử dụng các cây tự nhiên trong rừng để chữa được nhiều bệnh như đau xương khớp, viêm da ở trẻ hay lá tắm cho bà mẹ và em bé sau sinh. Mọi người dùng hiệu quả lại bảo nhau mua”.
Anh Hoàng Văn Tuấn (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: “Tôi bị đau dạ dày phải uống thuốc tây điều trị, rất mệt. Sau thời gian kết hợp dùng thuốc đông y, sắc uống hằng ngày thấy cơ thể khỏe hơn”.
Bên cạnh các dược liệu được sử dụng rộng rãi với nhiều nghiên cứu cho thấy mức độ lành tính cao; cũng có những dược liệu chưa được nghiên cứu kỹ, người dân sử dụng theo kinh nghiệm tại địa phương, có thể có độc tố, từ đó gây nên những tác dụng nguy hiểm đến người dùng.
Bác sĩ Đinh Thị Thảo, phụ trách Khoa Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế huyện Đầm Hà, cho biết: Nhiều dược liệu độc tính cao thường chỉ được dùng bôi, đắp ngoài da; nếu dùng uống có thể gây những tác hại nặng nề, thậm chí dẫn tới tử vong. Ví dụ, lá vòi voi dùng đắp ngoài sẽ chữa được các bệnh khớp, nhưng nếu dùng uống có thể dẫn đến suy thận cấp, rất nguy hiểm. Trường hợp người bệnh có vết thương hở, vùng da đang viêm nhiễm lở loét, việc tự ý sử dụng các thuốc bôi, lá đắp tại vị trí tổn thương theo kinh nghiệm dân gian truyền miệng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm bệnh nghiêm trọng hơn, có thể gây bội nhiễm, hoại tử tại vết thương, thậm chí nhiễm trùng huyết gây nguy hiểm đến tính mạng.
Một trong những yếu tố quan trọng để dược liệu phát huy tác dụng tốt là sử dụng dược liệu đúng cách. Khi muốn sử dụng dược liệu làm thuốc, bước đầu tiên thu hái cần tuân theo nguyên tắc “3 đúng” (đúng đúng tên, loài; đúng bộ phận dùng; đúng thời điểm). Công đoạn sơ chế, chế biến cũng rất quan trọng, vừa phải đảm bảo dược liệu loại bỏ đi độc tố, vừa không bị mất đi hoạt chất có tác dụng chữa bệnh. Khi mua dược liệu về sử dụng cần tìm những cơ sở uy tín và học cách phân biệt, đánh giá để tránh mua phải sản phẩm giả, kém chất lượng. Đặc biệt, người dân không nên tự ý sử dụng dược liệu tùy tiện, cần phải được chẩn đoán đúng bệnh, đúng liều để tránh “rước họa vào thân”.
Bác sĩ Đinh Thị Thảo cho biết thêm: Đối với từng thể trạng, bệnh, biểu hiện triệu chứng mà y học cổ truyền phân thành hàn (lạnh), nhiệt (nóng), hư (các cơ quan tạng phủ trong cơ thể bị suy giảm chức năng), thực (bệnh cấp, mới mắc, chưa ảnh hưởng tới các tạng bên trong cơ thể)... tương ứng với các phương pháp điều trị đặc hiệu. Bệnh hàn thì phải dùng thuốc nhiệt, bệnh nhiệt thì dùng thuốc hàn, bệnh hư dùng thuốc bổ, bệnh thực dùng thuốc tả để công phạt. Do đó, không thể có một phương thuốc chung cho bất kỳ bệnh nào, nếu dùng sai sẽ để lại hậu quả tai hại.
Khi dùng thuốc đông y, người bệnh cũng cần kiêng một số thức ăn; đặc biệt cần đi khám ở các cơ sở y học cổ truyền uy tín để được bác sĩ chẩn đoán và tư vấn điều trị bệnh chính xác.
Hoài Minh
Liên kết website
Ý kiến ()