Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:56 (GMT +7)
Chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng
Thứ 7, 06/11/2021 | 06:26:35 [GMT +7] A A
Những năm qua, chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng được triển khai trên địa bàn Quảng Ninh đã góp phần phát hiện sớm, điều trị kịp thời cho người bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Nhờ đó, nhiều người bệnh đã vượt qua những vấn đề bất ổn tâm lý, ổn định cuộc sống.
Vào ngày mùng 5 hằng tháng, bà Bùi Thị Tin (khu Động Linh, phường Minh Thành, TX Quảng Yên) lại đến Trạm Y tế phường để lĩnh thuốc điều trị bệnh động kinh cho con gái. Bà Tin cho biết: Hơn 5 năm trước, con gái bà bị viêm màng não, để lại di chứng động kinh. Để dự phòng động kinh, các bác sĩ đã chỉ định cho con bà uống thuốc điều trị hằng tháng, nhờ đó sức khỏe ổn định, giảm các cơn động kinh.
Hay trường hợp ông N.V.T (khu 5, phường Hưng Đạo, TX Đông Triều) bị tâm thần phân liệt hơn 20 năm. Trước đây, khi chưa điều trị thuốc đều đặn, ông T không kiểm soát được bản thân, hay đi lang thang, khiến người nhà phải đi tìm. “Gần chục năm qua khi được tham gia chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, tôi đã đến Trạm Y tế phường lĩnh thuốc điều trị hằng tháng và uống thuốc thường xuyên theo chỉ dẫn. Được điều trị ổn định, nên bệnh tình của tôi không bị nặng thêm, kiểm soát được hành vi của mình” - Ông T chia sẻ.
Từ năm 2000, chương trình bảo vệ sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng đã được triển khai tại 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến nay, 177 trạm y tế tuyến xã quản lý và điều trị cho hơn 3.460 bệnh nhân tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm. Theo đánh giá của Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh - đơn vị quản lý chương trình bảo vệ sức khoẻ tâm thần tại cộng đồng trong toàn tỉnh, số bệnh nhân được điều trị ổn định tại gia đình đạt khoảng 85%. Số bệnh nhân tái phát phải đi viện điều trị trong đợt cấp tính vào khoảng 3-4% và nhanh chóng trở lại cộng đồng để tiếp tục điều trị ngoại trú. Trung bình hằng năm có khoảng 1-1,5% số bệnh nhân có hành vi gây hại, gây rối.
Hằng năm, các y, bác sĩ Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh đều về các xã, phường tiến hành khám, tư vấn và đổi sổ cấp thuốc cho bệnh nhân; đồng thời khám sàng lọc, phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Hầu hết bệnh nhân có hồ sơ quản lý đều được hưởng chế độ bảo trợ xã hội của tỉnh.
Bác sĩ Vũ Minh Hạnh, Phó Giám đốc Bệnh viện Bảo vệ sức khỏe tâm thần tỉnh, cho biết: Với chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần tại cộng đồng, bệnh nhân được điều trị tại gia đình giúp cho họ dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ khám, chữa bệnh ở địa phương, hạn chế tái phát nhập viện điều trị nội trú. Gia đình có người bị bệnh đã hiểu được quyền lợi được cấp phát thuốc tại y tế địa phương hằng tháng. Hầu hết bệnh nhân được dùng thuốc đều đặn, cùng với sự quan tâm, giúp đỡ của gia đình và cộng đồng đã hòa nhập rất tốt, có thể lao động và nuôi sống bản thân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an sinh xã hội, nhất là trong giai đoạn phòng chống dịch Covid-19 hiện nay.
Mặc dù đã đạt được những hiệu quả thiết thực, song chương trình bảo vệ sức khỏe tâm thần tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn do kinh phí triển khai mới chỉ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu thực tế; thiếu nguồn nhân lực; bệnh nhân tâm thần vẫn còn bị kỳ thị, chưa được quan tâm đúng mức tại cộng đồng. Cùng với đó, công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần mới chỉ quản lý, điều trị chủ yếu cho 3 thể bệnh là tâm thần phân liệt, động kinh, trầm cảm; các thể bệnh khác chưa có nhiều quan tâm, nhất là hiện nay số người mắc rối loạn tâm thần do nghiện rượu, sử dụng ma túy tổng hợp... ngày càng gia tăng, để lại nhiều hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội.
Hiện nay, với sự tiến bộ của y học, bệnh tâm thần hoàn toàn có thể chữa khỏi, người bệnh có thể trở lại cuộc sống bình thường cùng gia đình và xã hội. Bên cạnh các nỗ lực của ngành Y tế, cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của các cấp, ngành, các tổ chức có liên quan và cả cộng đồng.
Tường Vi
Liên kết website
Ý kiến ()