Tất cả chuyên mục

Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân luôn là nhiệm vụ được ngành Y tế tỉnh đặt lên hàng đầu. Những năm qua, nhờ những giải pháp cụ thể, hiệu quả, công tác khám, chữa bệnh tại các đơn vị y tế đã có chuyển biến tích cực, đồng đều ở các tuyến, tạo được niềm tin của người bệnh.
Để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, ngành Y tế tỉnh xác định cần phải đầu tư mạnh về nhân lực và trang thiết bị y tế. Bởi nếu có đội ngũ y, bác sĩ giỏi nhưng không có phương tiện, kỹ thuật hiện đại sẽ không thực hiện được những kỹ thuật cao trong khám, điều trị bệnh. Ngược lại, cơ sở vật chất được đầu tư, thiết bị máy móc hiện đại nhưng y đức chưa cao cũng không tạo được niềm tin, sự ủng hộ của người bệnh và nhân dân.
![]() |
Thực hiện kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng trong phẫu thuật lấy thai tại Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. |
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại các cơ sở y tế, nhất là các vùng khó khăn. Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên sau hơn hai năm triển khai, đã có trên 400 bác sĩ (hầu hết là bác sĩ chính quy) được thu hút về làm việc tại các đơn vị thuộc ngành. Đến nay, toàn ngành đã có 1.251 bác sĩ, trong đó 30% số bác sĩ có trình độ sau đại học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.
Bên cạnh nâng cao năng lực chuyên môn, từ năm 2013, ngành còn thực hiện đề án “Nâng cao y đức trong ngành y tế tỉnh đến năm 2020”. Đề án được triển khai sâu, rộng trong toàn ngành, được thực hiện ở từng khoa, phòng, bộ phận, trạm y tế v.v.. Việc đánh giá hiệu quả của Đề án được thực hiện chặt chẽ, khách quan thông qua nhiều hình thức. Sở Y tế đã tổ chức trên 50 lượt các đoàn đi kiểm tra đột xuất tại các đơn vị, đồng thời bố trí các đoàn cán bộ tiến hành các lượt đi lấy phiếu khảo sát sự hài lòng của người bệnh. Qua tổng hợp các ý kiến góp ý cho thấy tỷ lệ người bệnh, gia đình người bệnh hài lòng với phương thức phục vụ và tinh thần thái độ, chất lượng cung ứng dịch vụ của các cơ sở y tế và nhân viên y tế tăng dần qua các lần khảo sát. Như tháng 12-2012, khảo sát thấy có 23,2% ý kiến trái chiều; đến 12-2013, còn 7,3% ý kiến trái chiều; đến tháng 6-2015, chỉ còn 3,6% ý kiến trái chiều, trong đó chỉ có 0,76% ý kiến về y đức (không hài lòng về tinh thần thái độ, chất lượng khám chữa bệnh).
![]() |
Chụp cắt lớp cho bệnh nhân tại Bệnh viện Lao và Phổi Quảng Ninh. |
Việc đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại cũng được ngành Y tế tỉnh đặc biệt quan tâm. Các cơ sở y tế đều đạt tiêu chí “sáng, xanh, sạch, đẹp” với cảnh quan, môi trường thân thiện. Tỉnh đã đầu tư xây mới Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện đa khoa thị xã Quảng Yên; nâng cấp Bệnh viện Bãi Cháy, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả, Trung tâm Y tế Đầm Hà v.v.. Nhiều cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện đã được đầu tư thiết bị chuyên sâu hiện đại ngang tầm khu vực như: Hệ thống máy CT 128 lát cắt, thiết bị các chuyên khoa và thiết bị cho Trung tâm tim mạch ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh; hệ thống MRI 1,5 Tela, hệ thống xạ trị điều trị ung thư, máy chụp mạch và thiết bị chuyên khoa ở Bệnh viện Bãi Cháy; thiết bị mới đồng bộ cho Bệnh viện Sản - Nhi; máy chụp CT 2-8 lát cắt, phẫu thuật nội soi, máy lọc máu nhân tạo cho một số bệnh viện tuyến huyện. Lĩnh vực y tế dự phòng được tỉnh đầu tư, mua sắm nhiều trang, thiết bị chẩn đoán hiện đại; ngành đã thực hiện được nhiều xét nghiệm chuyên sâu, như: Các xét nghiệm về an toàn thực phẩm; xét nghiệm phát hiện các chủng cúm A (H5N1, H1N1, H3N2...). Trung tâm Y tế dự phòng được Bộ Y tế công nhận là chuẩn quốc gia về y tế dự phòng với năng lực chuyên môn ngang tầm quốc gia và khu vực.
Đến nay, bằng sự đầu tư đồng bộ và hiệu quả cả về nhân lực, vật lực, các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị; sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị hiện đại được đầu tư, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên. Các bệnh viện tuyến tỉnh đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến trung ương, như: Kỹ thuật mổ tim hở; kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể; phẫu thuật thay khớp gối, thay khớp háng; phẫu thuật vi phẫu nối thần kinh mạch máu dưới kính vi phẫu; kỹ thuật lọc máu liên tục điều trị suy đa tạng; đặt máy tạo nhịp tim ngoài cơ thể; kỹ thuật thay máu để điều trị cho bệnh nhi mắc bệnh vàng da nặng v.v.. Các bệnh viện tuyến huyện đã thực hiện được nhiều kỹ thuật tuyến tỉnh: Phẫu thuật nội soi ổ bụng; xử lý vết thương gan trong chấn thương; xử lý vết thương tim; phẫu thuật sọ não; chạy thận nhân tạo và nhiều kỹ thuật khó khác…
Đến nay, nhiều người dân trong tỉnh đã được khám, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại địa phương với tinh thần, thái độ phục vụ nhiệt tình, trách nhiệm của đội ngũ y, bác sĩ. Những chuyển biến tích cực của ngành Y tế tỉnh trong khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã tạo được niềm tin của người bệnh và được các cấp uỷ Đảng, chính quyền và nhân dân ghi nhận.
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm thu hút cán bộ có trình độ chuyên môn cao về làm việc tại các cơ sở y tế, nhất là các vùng khó khăn. Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nên sau hơn hai năm triển khai, đã có trên 400 bác sĩ (hầu hết là bác sĩ chính quy) được thu hút về làm việc tại các đơn vị thuộc ngành. Đến nay, toàn ngành đã có 1.251 bác sĩ, trong đó 30% số bác sĩ có trình độ sau đại học, cơ bản đáp ứng được nhu cầu về khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. |
Hoàng Quý
Ý kiến ()