Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 14:52 (GMT +7)
Chăm sóc đúng cách để giúp trẻ nhanh khỏi ốm
Thứ 2, 03/04/2023 | 22:52:29 [GMT +7] A A
Thời tiết mưa ẩm là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus xâm nhập gây bệnh cho trẻ nhỏ. Nguyên nhân là do trẻ có sức đề kháng yếu nên rất dễ nhiễm các bệnh dễ lây như: Ho, sốt, tiêu chảy… Việc chăm sóc đúng cách để giúp trẻ nhanh hồi phục sức khoẻ là vấn đề rất nhiều cha mẹ quan tâm.
Chăm sóc khi trẻ ho
Thời tiết đang oi nồm chuyển sang mưa lạnh nên trẻ rất dễ bị ho. Ho có thể là biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường thở và là phản xạ bảo vệ cơ thể, giúp tống xuất chất tiết từ đường thở của trẻ. Khi trẻ ho nếu chăm sóc đúng thì đa số tình trạng ho sẽ tự khỏi.
- Đối với chế độ ăn cần chú ý: Khi trẻ ho sẽ dễ nôn trớ và biếng ăn, vì vậy việc lựa chọn thực phẩm cần được quan tâm hơn.
Cần cho trẻ ăn đảm bảo 4 nhóm thực phẩm gồm: Tinh bột, chất béo, đạm, rau và phù hợp với khẩu vị của trẻ. Hạn chế cho trẻ ăn các món ăn chiên, xào có quá nhiều dầu mỡ. Tập trung cho trẻ ăn những thực phẩm giàu sinh tố A, chất kẽm, sắt có trong thịt bò, gà, trứng và rau xanh…
Ngoài ra, cha mẹ cho trẻ uống các nước ép như: Cà rốt, táo, nho, lê... các loại sinh tố ít ngọt hoặc hẹ chưng đường phèn...
Nếu trẻ ho có đờm, cha mẹ cần đưa trẻ tới cơ sở y tế để được các bác sĩ thăm khám. Việc dùng thuốc cần tuân thủ chỉ định của các y bác sĩ.
Trẻ ho có đờm phải chọn món ăn có nhiều nước, điều này sẽ có tác dụng làm loãng đờm, nhớt ở cổ họng trẻ, giúp không bị kích thích ho nhiều.
Điều quan trọng nên chia nhỏ thành nhiều bữa ăn cho trẻ, tránh ép con ăn quá nhiều một lúc, trước khi cho con ăn nên cho uống vài thìa nước, sau đó để trẻ nằm sấp, vỗ nhẹ lưng trẻ giúp đờm, nhớt không đọng ở cổ trẻ.
Chăm sóc khi trẻ mắc tiêu chảy
Tiêu chảy là vấn đề thường gặp ở trẻ nhỏ, đây là tình trạng đi ngoài ra phân lỏng hoặc toé nước ít nhất 3 lần/24 giờ. Theo các nghiên cứu, hàng năm, có khoảng từ 1,5 - 2 triệu trẻ em trên thế giới dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy.
Khi trẻ bị tiêu chảy cấp chỉ cần chăm sóc cho trẻ đúng cách tại nhà thì sẽ hiếm khi nguy hiểm. Ngược lại, nếu chăm sóc không đúng cách và kịp thời có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng các chất điện giải (natri, kali, clorua), nghiêm trọng hơn có thể ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ. Do đó, việc chăm sóc đúng cách tại nhà là rất quan trọng.
- Cần bù nước cho trẻ
Do trẻ tiêu chảy nên cơ thể mất nhiều nước, vì thế cha mẹ chú ý bù nước cho trẻ. Ngoài bù nước cho trẻ bằng uống dung dịch Oresol - dung dịch chứa Glucose và chất điện giải theo tỉ lệ thích hợp thì cha mẹ nên cho trẻ uống nhiều nước (nước lọc, nước canh).
- Không được kiêng khem kỹ
Nhiều trẻ khi bị tiêu chảy, cha mẹ không cho trẻ ăn thịt, trứng… vì sợ lâu khỏi. Chỉ cho trẻ ăn cháo trắng và muối, điều này dẫn đến trẻ bị thiếu chất, suy dinh dưỡng... bệnh sẽ càng lâu khỏi. Trẻ tiêu chảy cần tiếp tục chế độ ăn bình thường và hầu hết trẻ đều dung nạp được các sản phẩm sữa bò nguyên chất, không cần thiết phải pha loãng hoặc ngừng sữa, trừ trường hợp trẻ bị dị ứng với sữa bò.
Thực phẩm được khuyến nghị bao gồm các loại tinh bột như gạo, lúa mì, khoai tây, bánh mì, thịt nạc, trái cây và rau. Tuy nhiên, cha mẹ nên giảm các thực phẩm giàu chất xơ, thức ăn có nhiều đường, nên tránh thực phẩm giàu chất béo sẽ gây khó hấp thụ hơn, tránh đồ uống có quá nhiều đường và có nồng độ chất điện giải không phù hợp cho trẻ bị tiêu chảy. Nên chia nhỏ các bữa ăn và khẩu phần ăn ít hơn, để giảm nguy cơ nôn mửa.
Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi, tiếp tục cho bú sữa mẹ hoặc bú bình nhiều lần. Người mẹ cần ăn nhiều đạm (thịt, cá) và hạn chế chất xơ (rau xanh). Để yên tâm hơn, trẻ dưới 6 tháng tuổi cần đưa đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn cụ thể. Hoặc trẻ lớn khi có các dấu hiệu tiêu chảy có máu, từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong hơn vài giờ, có biểu hiện mất nước, đau bụng từng cơn hoặc dữ dội, nôn nhiều… cần đưa trẻ nhập viện ngay để được thăm khám và điều trị.
Chăm sóc khi trẻ sốt
Sốt là tình trạng rất hay gặp ở trẻ và do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng thường gặp nhất là do nhiễm vi khuẩn và virus, mọc răng, thay đổi thời tiết… Sốt là phản ứng có lợi của cơ thể, nhằm giúp tiêu diệt tác nhân gây bệnh, nhưng khi trẻ sốt cao có thể gây khó chịu, thậm chí co giật.
Để biết chính xác trẻ có bị sốt hay không thì phải đo thân nhiệt bằng nhiệt kế, khi đo nhiệt độ ở nách từ 37.5 độ C trở lên chứng tỏ trẻ đã sốt.
Cần theo dõi thân nhiệt và cho hạ nhiệt khi cần thiết
Khi trẻ bị sốt, cha mẹ cần theo dõi nhiệt độ của trẻ thường xuyên, nhất là khi trẻ sốt cao hay sốt liên tục.
Thấy thân nhiệt trẻ cao, cần cởi bỏ bớt chăn, quần áo, chỉ cho trẻ mặc quần áo mỏng thoáng, để cơ thể dễ dàng thoát nhiệt.
Khi đo nhiệt độ trên 38 độ C cần cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt, có thể dùng dạng uống hoặc dạng đặt hậu môn, cần chú ý đến khuyến cáo độ tuổi, cân nặng trên bao bì và tốt nhất tham khảo ý kiến của thầy thuốc. Thực hiện đúng nguyên tắc 4 - 6 tiếng/lần, tránh nguy hiểm đến sức khỏe của trẻ.
Lau người cho trẻ để giảm nhiệt, cần lau bằng nước ấm khi sốt. Không áp dụng lau nước lạnh, nước mát cho trẻ vì dễ gây mất nhiệt, dẫn đến hạ thân nhiệt. Trong khi lau cần kiểm tra thân nhiệt mỗi 15 - 30’, ngưng lau ấm khi thân nhiệt xuống dưới 38 độ C.
Cần chú ý chế độ ăn cho trẻ
Do sốt nên cơ thể dễ mất nước, khả năng tiết nước bọt giảm, vì vậy nguyên tắc đầu tiên các mẹ phải bổ sung thường xuyên nước cho con. Với trẻ đang bú mẹ, mỗi ngày cần bú 150ml sữa mẹ/kg cân nặng. Trẻ lớn cho uống nhiều nước, nước hoa quả (cam, chanh, dừa, bưởi…), uống sữa, ăn sữa chua… để cung cấp vitamin A, C đã mất do đi tiểu nhiều.
Nên cho trẻ ăn đồ ăn loãng, dễ tiêu, nhưng phải đủ chất dinh dưỡng. Một nguyên tắc chung với các trẻ bị ốm là phải chia nhỏ bữa ăn thành nhiều bữa trong ngày.
Tóm lại: Thời điểm giao mùa khiến trẻ dễ mắc bệnh. Khi đó cha mẹ cần theo dõi diễn biến của bệnh để phát hiện những bất thường và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất. Cần chăm sóc trẻ đúng cách khi ốm để giúp trẻ nhanh phục hồi.
Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ cần tuân thủ thực đơn dinh dưỡng và giờ giấc sinh hoạt của trẻ, đặc biệt trong giai đoạn chuyển mùa, giúp trẻ tăng thêm sức đề kháng, chống lại bệnh tật, để trẻ có được sự phát triển tốt nhất.
Cần đảm bảo vệ sinh sạch sẽ môi trường xung quanh, nhất là nơi sinh hoạt của trẻ phải được lau chùi thường xuyên. Bên cạnh đó, cha mẹ có thể hạn chế nguy cơ nhiễm bệnh do tiếp xúc bề mặt bằng cách vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, những vị trí nhiều người chạm vào như tay nắm cửa, nên dùng chất cồn hoặc dung dịch kháng khuẩn để loại bỏ tối đa các loại virus, vi khuẩn bám vào.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()