Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:34 (GMT +7)
Hạ Long Chăm lo phát triển vùng đồng bào DTTS
Thứ 2, 01/04/2024 | 14:10:19 [GMT +7] A A
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, gắn với thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, TP Hạ Long đã ưu tiên dành cơ chế đặc thù, nguồn lực lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển sản xuất, làm thay đổi diện mạo các xã vùng DTTS, nâng cao đời sống nhân dân.
TP Hạ Long có 11/12 xã thuộc vùng đồng bào DTTS với hơn 34.000 người, chiếm 7% tổng số dân, cư trú trên 70% diện tích của thành phố. Để vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh và bền vững, rút ngắn khoảng cách chênh lệch vùng miền, trong 3 năm qua thành phố đã ưu tiên dành hơn 2.500 tỷ đồng để đầu tư, xây dựng 45 công trình hạ tầng, thiết yếu, động lực. Trong đó có nhiều công trình giao thông huyết mạch, kết nối trung tâm thành phố với các xã vùng cao, như: Tuyến đường nối từ QL279 (xã Tân Dân) đến đường tỉnh 291 - thị trấn Tây Yên Tử (huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); tuyến đường liên xã, đoạn từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đi qua thôn Đèo Đọc, thôn Cài, xã Đồng Lâm đến trung tâm xã Đồng Sơn; tuyến đường từ trung tâm thành phố đi Đồng Lâm - Kỳ Thượng; tuyến đường nối từ tỉnh lộ 342 đến QL279 qua trung tâm xã Sơn Dương…
Cùng với đó, các xã triển khai 248 công trình hạ tầng nông thôn, tổng kinh phí hỗ trợ gần 202 tỷ đồng để bê tông hóa 30,7km đường giao thông, cứng hóa 28,8km kênh mương, 24km đường ống nước, lắp đặt 11,5km hệ thống điện chiếu sáng, sửa chữa 10 nhà văn hóa, 1 công trình đảm bảo vệ sinh môi trường, duy trì và nâng cao các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM.
Bà Đặng Thị Mơ, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 3 (xã Bằng Cả), cho biết: Tuyến đường thôn 3 dài hơn 1km, trước đây đi lại rất khó khăn do đường rất nhỏ hẹp, nhiều ổ voi, ổ gà. Năm 2023 được sự quan tâm của tỉnh và thành phố, tuyến đường được mở rộng từ 3m lên 5,5m, được bê tông hóa, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại, đem lại cuộc sống ấm no hơn cho người dân, vì bây giờ, bán con lợn, con gà, cây keo được giá hơn so với trước kia.
Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân, thành phố triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025; chương trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với ngành nông lâm, ngư nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Đến nay thành phố đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, như: Vùng trồng ổi, mía tím tại xã Sơn Dương; chăn nuôi gà tại xã Đồng Lâm, xã Đồng Sơn; trồng dược liệu tại xã Tân Dân; đã cấp mã số vùng trồng đủ điều kiện để xuất khẩu cho 21ha vùng trồng ổi tại xã Sơn Dương, xã Dân Chủ; cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm Bí xanh tại xã Hòa Bình, ổi lê tại xã Quảng La, bí đỏ tại xã Vũ Oai, nâng 6 vùng trồng được cấp mã trên địa bàn thành phố.
Thành phố đang triển khai 14 chương trình tín dụng ưu đãi cho gần 10.000 lượt khách hàng vay hơn 563 tỷ đồng để đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; tăng cường kết nối du lịch với các xã vùng cao, khai thác tối đa lợi thế tự nhiên, giá trị bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập cho đồng bào DTTS.
Hết năm 2023 thành phố có 5/11 xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 66,7% kế hoạch đề ra đến năm 2025; thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 73,2 triệu đồng/năm, tăng 12 triệu đồng so với năm 2021.
Kết quả này tạo cơ sở vững chắc để thành phố phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nâng thu nhập bình quân của người dân lên 100 triệu đồng vào năm 2024, đến năm 2025 có 75% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 25% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, góp phần xây dựng thành phố đẹp về cảnh quan, giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh, giữ vững vị thế là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Minh Yến
Liên kết website
Ý kiến ()