Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:29 (GMT +7)
Phát triển giáo dục, đào tạo bằng nhiều chính sách đặc thù
Thứ 2, 05/09/2022 | 07:19:15 [GMT +7] A A
Phát triển giáo dục và đào tạo gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học và công nghệ, phù hợp quy luật khách quan. Quan điểm đó được tỉnh Quảng Ninh quán triệt, thực hiện xuyên suốt, cụ thể hóa bằng sự quan tâm, dành nguồn lực, kinh phí lớn cho sự nghiệp giáo dục, bằng những chính sách đặc thù.
Thu hẹp khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền
Để tạo sự công bằng trong giáo dục, giúp mọi học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, hơn chục năm qua, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt, ưu tiên, hỗ trợ cho học sinh vùng miền núi, vùng DTTS, diện có hoàn cảnh khó khăn. Nổi bật là: Nghị quyết số 39/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú tại các cơ sở giáo dục THCS trên địa bàn tỉnh, không thuộc đối tượng quy định tại Quyết định số 85/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết số 183/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ tiền ăn cho học sinh tiểu học bán trú, tiền nhân công chăm sóc bán trú tại các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ở các xã trong Danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 21/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc bổ sung nội dung một số nghị quyết của HĐND tỉnh quy định một số chính sách thuộc lĩnh vực giáo dục và đào tạo, áp dụng cho một số đối tượng và địa bàn đặc thù của tỉnh; Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh…
Ghi nhận tại huyện Ba Chẽ - huyện miền núi với trên 80% là người DTTS, nhờ có các nghị quyết của tỉnh về giáo dục nói chung, giáo dục vùng cao nói riêng, nơi đây đã được hưởng lợi rất nhiều. 10 năm qua, chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục THCS, phổ cập trẻ mẫu giáo 5 tuổi của huyện được duy trì, nâng lên. Cấp học mầm non đã huy động được số học sinh thuộc diện được hỗ trợ ăn trưa đến ăn ngủ tại trường và góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; tổ chức học 2 buổi/ngày thuận lợi hơn so với giai đoạn trước.
Cô giáo Phạm Thị Thanh, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Đồn Đạc (huyện Ba Chẽ), cho biết: Nhờ có Nghị quyết số 204, Nghị quyết số 21 của HĐND tỉnh, học sinh bán trú của Trường được hỗ trợ tiền ăn gần 600.000 đồng/em/tháng; học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập 150.000 đồng/em/tháng. Hiện tỷ lệ học sinh DTTS của Trường chiếm gần 70%, chủ yếu là dân tộc Dao. Năm học 2021-2022, nhà trường có 67 học sinh ăn ở bán trú tại trường. Có nhiều gia đình học sinh cách trường gần 20 cây số, đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Vì thế, việc được tỉnh hỗ trợ để có thể ăn, nghỉ bán trú tuần tại Trường giúp tỷ lệ trẻ ra lớp cao hơn, ổn định hơn.
Chị Linh Thị Tư, phụ huynh học sinh Trường PTDT bán trú THCS Đồn Đạc, chia sẻ: "Được sự quan tâm của tỉnh, tôi rất yên tâm khi cho con tới Trường. Gia đình tôi chủ yếu làm nương, làm rừng, nên điều kiện kinh tế còn hạn chế. Sự hỗ trợ của tỉnh đã giúp gia đình tôi vơi bớt khó khăn khi cho con ăn học".
Đảm bảo hài hòa ở tất cả các cấp học
Cùng với ban hành các nghị quyết cho giáo dục vùng khó, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định các chính sách cho giáo dục phải đảm bảo hài hòa ở tất cả các cấp học, cân đối giữa giáo dục với đào tạo, giữa loại hình công lập và tư thục. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác bồi dưỡng nhân tài, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh.
Với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, có các nhóm chính sách nổi bật: Nghị quyết số 20/2009/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc quy định mức hỗ trợ kinh phí chi trả tiền công và các khoản đóng góp chế độ theo tiền công cho giáo viên hợp đồng đạt chuẩn đào tạo trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập; Nghị quyết số 59/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ tiền ăn cho học sinh bán trú đang học THPT, trung cấp nghề hoặc học văn hóa THPT kết hợp với học nghề trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với nước, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 331/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 của Nghị quyết số 49/2011/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ thưởng cho học sinh đạt giải trong các kỳ thi chọn học sinh giỏi, học sinh đạt điểm giỏi trong kỳ thi tuyển sinh vào hệ chính quy các trường đại học và giáo viên đào tạo học sinh đạt giải.
Đối với lĩnh vực đào tạo, đặc biệt là Trường Đại học Hạ Long, tỉnh đã ban hành nhiều nhóm chính sách. Nổi bật: Nghị quyết số 178/2014/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Trường Đại học Hạ Long giai đoạn 2015-2017; Nghị quyết số 233/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chế độ chi cho giảng viên thỉnh giảng, chính sách tạo nguồn giảng viên tiếng Nhật và chính sách hỗ trợ người học một số ngành nghệ thuật tại Trường Đại học Hạ Long; Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định chính sách thu hút, đào tạo học sinh, sinh viên học tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025…
Từ những chính sách vượt trội, giáo dục, đào tạo Quảng Ninh đã có những bước tiến không ngừng. Tỉnh đã có một số học sinh giành được huy chương, giải cao tại các cuộc thi, kỳ thi tầm cỡ quốc gia, khu vực quốc tế, quốc tế. Điển hình: Vũ Huy Hoàng, HCB Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương năm 2022; Lê Thùy Mai Anh được xướng tên tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu 2022 - một trong 2 kỳ thi cấp cao nhất về Vật lý; thí sinh Quảng Ninh 3 lần giành được vòng nguyệt quế chung kết Đường lên đỉnh Olympia, là: Đặng Thái Hoàng, năm 2012; Nguyễn Hoàng Cường, năm 2018; Nguyễn Hoàng Khánh, năm 2021. Năm 2022, giáo dục Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế trong nước với 48 học sinh đoạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tăng 7 giải so với năm 2021...
Đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn tới, tỉnh sẽ tiếp tục xây dựng, ban hành các chính sách về giáo dục, đào tạo hợp lòng dân, phù hợp với điều kiện của tỉnh, góp phần tạo những đột phá mới, thành tựu mới trong giáo dục, đào tạo. Ông Trần Trung Vỹ, Phó Hiệu trưởng điều hành Trường Đại học Hạ Long, cho biết: Giai đoạn 2021-2025, Đại học Hạ Long dự kiến mở thêm 14 ngành đào tạo đại học mới; trong đó có 8 ngành chưa đủ giảng viên. Vì thế, nhà trường rất mong HĐND tỉnh tiếp tục ban hành nghị quyết về chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại Đại học Hạ Long giai đoạn 2021-2025. Qua đó, bắt kịp xu hướng đào tạo của các trường đại học lớn trong nước và quốc tế, phát triển trường trở thành trung tâm đào tạo nhân lực chất lượng cao, phát huy được lợi thế của trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực.
Lan Anh
Liên kết website
Ý kiến ()