Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:37 (GMT +7)
Chăm lo đời sống thợ mỏ
Thứ 6, 04/11/2016 | 12:38:56 [GMT +7] A A
Trong buổi gặp mặt, nói chuyện với Đoàn đại biểu CBCN ngành than và tỉnh Quảng Ninh tại Phủ Chủ tịch ngày 15-11-1968, Bác Hồ đã căn dặn: “Phải chăm lo đời sống vật chất và văn hoá của công nhân”. Thực hiện lời dạy của Bác, các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến các cơ sở ngành than đã luôn cố gắng với tất cả trách nhiệm và tình cảm để không ngừng nâng cao đời sống cho công nhân mỏ, kể cả những lúc khó khăn nhất của ngành than.
Chuẩn bị cơm công nghiệp để đưa xuống mỏ cho thợ lò ở Công ty Than Mạo Khê. |
NƠI ĂN, CHỐN Ở KHANG TRANG
Mới đây, khi chúng tôi về thăm mỏ Mạo Khê, ông Nhữ Xuân Hinh, Phó Chánh Văn phòng Công ty phấn khởi khoe: Cuối tháng 7 vừa qua, công trình Khu tập thể Vĩnh Xuân - khu nhà ở dành cho CBCN-LĐ của Công ty tại phường Mạo Khê (Đông Triều) được khánh thành. Khu tập thể có tổng diện tích 45.666m2. Trong đó, diện tích xây dựng 7.984m2 gồm 3 lô nhà 5 tầng, tổng số 245 phòng ở khép kín, diện tích sử dụng từ 35-50m2/phòng với đầy đủ tiện nghi. Khu tập thể đáp ứng nhu cầu nhà ở cho 400 CBCN-LĐ. Tổng số vốn đầu tư 187 tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư về phòng ở, khu sinh hoạt, thể thao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, khu tập thể còn có nhà ăn 300 chỗ, khu nhà để xe, khuôn viên cây xanh và hệ thống bể bơi, sân bóng đá, bóng chuyền, sân khấu ngoài trời, thư viện. Đặc biệt, tối thứ 5 hàng tuần, rất nhiều công nhân trực tiếp tham gia múa hát tại sân khấu ngoài trời đã đem lại không khí vui vẻ, xoá tan mệt mỏi, lo âu của người lao động...
Được biết, những năm gần đây, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và các đơn vị thành viên đã có nhiều giải pháp nhằm khắc phục khó khăn về nhà ở cho CNLĐ. Cùng với sự nỗ lực của các đơn vị, Tập đoàn cũng hỗ trợ cho vay một phần vốn ưu đãi, từ đó các doanh nghiệp trong ngành đã xây dựng nhiều khu nhà tập thể cho công nhân. Hầu hết các khu tập thể mới của các đơn vị xây dựng từ năm 2010 đến nay và gần trung tâm, thị trấn, đặc biệt ở gần Công ty, thuận lợi cho việc đi lại của công nhân. Phòng ở khép kín, trong phòng bố trí bếp nấu ăn, mỗi lô, mỗi tầng có phòng đọc sách báo, phòng xem ti vi, phòng hạnh phúc cho vợ thợ lò ra thăm chồng, nhà ăn, căng tin, một số lô nhà cao tầng lắp đặt cầu thang máy, hầu hết các đơn vị đều trang bị cho công nhân trong phòng ở đầy đủ tiện nghi như tủ đựng quần áo, giường, bàn ghế...
Điển hình là Công ty Than Dương Huy xây 2 lô nhà tập thể với 156 phòng, đáp ứng chỗ ở cho trên 400 công nhân, Công ty Than Quang Hanh có 6 lô nhà tập thể, với 276 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 708 công nhân, Công ty Than Nam Mẫu có 4 lô nhà ở với 224 phòng, đáp ứng chỗ ở cho trên 685 người, Công ty Than Vàng Danh có 9 lô nhà ở với 266 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 546 người... Ở đơn vị khai thác mỏ giếng đứng xa nhất của ngành than tại Quảng Ninh là Công ty CP Than Mông Dương cũng vừa mới xây dựng 2 lô nhà tập thể cho CNLĐ. Theo thống kê của TKV, đến nay, khoảng 20 đơn vị thuộc ngành than đã đầu tư được 80 khu nhà ở công nhân tương ứng với gần 5.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho hơn 17.000 người. Những khu nhà tập thể mới được xây này đã đáp ứng phần nào nhu cầu về nhà ở, góp phần lớn trong việc cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người thợ lò.
Không chỉ ở khang trang, việc ăn uống của thợ lò đã được cải thiện đáng kể. Đến nay, rất nhiều đơn vị hầm lò của ngành than đã tổ chức ăn tự chọn với trên 20 món, sau ăn có hoa quả tráng miệng. Mức ăn ca của thợ lò từ 65.000-110.000 đồng/suất. Thường thì công nhân làm việc dưới mức -100 sẽ được ăn mức 110.000 đồng/suất. Kết thúc ca sản xuất, nhiều đơn vị như Công ty Than Nam Mẫu, Mạo Khê, Vàng Danh, Quang Hanh, Khe Chàm... đều nấu chè phục vụ thợ lò giải nhiệt.
Thợ lò Công ty Than Dương Huy xuống lò bằng xe song loan. |
CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LÀM VIỆC CHO THỢ LÒ
Đầu tư công nghệ, trang thiết bị hiện đại, cơ giới hoá khai thác là ưu tiên hàng đầu của ngành than nhằm cải thiện môi trường làm việc cho thợ mỏ, tăng năng suất lao động. Các đơn vị đã ứng dụng thành công vì chống thuỷ lực, cơ giới hoá lò chợ, sử dụng máy khấu combai vào sản xuất. Từ đó năng suất lao động đã tăng từ 7,5 đến 14,1 tấn/công-ca. Viện Khoa học Công nghệ Mỏ đã phối hợp với Công ty CP Than Vàng Danh nghiên cứu xây dựng dự án đầu tư áp dụng công nghệ cơ giới hoá khai thác lò chợ hạ trần than nóc tại vỉa 8 - khu Giếng Vàng Danh. Đồng bộ thiết bị cơ giới hoá khai thác gồm máy combai khấu than, giàn chống tự hành Vinaalta, máng cào và đồng bộ thiết bị phụ trợ. Trên cơ sở áp dụng thành công tại Công ty CP Than Vàng Danh, công nghệ cơ giới hoá khai thác trên đã được mở rộng áp dụng tại Công ty Than Nam Mẫu với sản lượng khai thác có tháng đạt tới 29.000 tấn, năng suất lao động từ 9 đến 14,9 tấn/công-ca... Đặc biệt, Công ty Than Hà Lầm đã áp dụng lò chợ cơ giới hoá đồng bộ 600.000 tấn/năm tại vỉa 11-1.14 đạt công suất thiết kế, đang cơ giới hoá đồng bộ tại vỉa 7.2 công suất 1,2 triệu tấn/năm cuối năm đi vào hoạt động. Việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất đã góp phần tăng năng suất lao động, giảm giá thành, nhân lực và đảm bảo an toàn lao động trong khai thác than... Các dây chuyền cơ giới hoá đào lò đã đi vào sản xuất ổn định, cải thiện điều kiện lao động, giảm rủi ro, giảm chấn động do không phải sử dụng thuốc nổ, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.
Bên cạnh đó, ngành than đã đầu tư đồng bộ các thiết bị an toàn như máy khoan thăm dò, phòng sự cố bục khí, bục nước; thiết bị an toàn phòng nổ hầm lò, hệ thống giám sát tự động khí mê tan đã cơ bản kiểm soát khí 24/24h ở các nơi làm việc; hệ thống tự động giám sát người ra, vào mỏ, hệ thống chỉ huy sản xuất tập trung qua mạng internet... nhằm nâng cao mức độ an toàn trong sản xuất.
Cùng với đổi mới công nghệ đào lò và khai thác, cơ giới hoá khâu vận tải mỏ cũng được triển khai. Một số loại hình vận chuyển công nhân đã được áp dụng tại các mỏ hầm lò như tời hỗ trợ người đi bộ, tời vô cực vận chuyển người, hệ thống monoray kết hợp đầu tàu diezen. Đến nay, tất cả các đơn vị hầm lò đều đã có hệ thống chở người xuống nơi sản xuất. Qua đó, góp phần đảm bảo sức khoẻ thợ mỏ, rút ngắn thời gian di chuyển, tăng thời gian lao động hữu ích, tăng năng suất lao động, hạn chế được tối đa tai nạn lao động.
Chăm lo đời sống, cải thiện điều kiện cho thợ lò luôn là một “tham vọng” rất nhân văn mà nhiều thế hệ lãnh đạo ngành than đã và đang thực hiện tích cực nhằm giữ chân thợ lò. Bởi thế mà những năm gần đây, dù ngành than gặp rất nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị vẫn chăm lo đủ đầy, đảm bảo việc làm, thu nhập ổn định cho thợ mỏ. Đặc biệt, năm nay là năm ngành than phải đối mặt với nhiều khó khăn chồng chất nhưng tiền lương bình quân toàn Tập đoàn vẫn duy trì bằng năm ngoái ở mức 8,4 triệu đồng/người/tháng, khối sản xuất than đạt 9,1 triệu đồng/người/tháng.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()