Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 08:47 (GMT +7)
Chăm lo cho tương lai đất nước
Thứ 6, 11/06/2021 | 08:05:31 [GMT +7] A A
Những năm qua, Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em (BVCSTE), tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và đạo đức, nhất là trẻ em trong các gia đình nghèo, hoàn cảnh đặc biệt.
Nhiều mô hình thiết thực
Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 15/5, toàn tỉnh có 325.436 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có 144.187 trẻ em dưới 6 tuổi, 3.195 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 12.865 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt. Để thực hiện tốt công tác BVCSTE, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều mô hình thiết thực, hiệu quả, vì mục tiêu tạo môi trường phát triển tốt nhất cho trẻ.
Từ nhiều năm nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã triển khai đa dạng các hoạt động trợ giúp, hỗ trợ đối với đối tượng là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, như: Mô hình hỗ trợ dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; câu lạc bộ gia đình trẻ tự kỷ; dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí… Đặc biệt, dịch vụ tâm lý trị liệu cho trẻ tự kỷ, trẻ em rối nhiễu tâm trí tại trung tâm là mô hình hiệu quả để tổ chức các hoạt động tập huấn, hướng dẫn các bậc phụ huynh phương pháp đánh giá, nhận biết trẻ rối loạn hành vi, trẻ tự kỷ, qua đó can thiệp sớm bằng các biện pháp trị liệu; hỗ trợ trẻ hòa nhập cộng đồng một cách toàn diện, bền vững.
Chị Nguyễn Thúy Hạnh (phường Hồng Hà, TP Hạ Long), chia sẻ: Gia đình tôi có con mắc chứng tự kỷ. Qua tham gia các hoạt động trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cháu đã có những tiến triển rất tốt về tâm lý. Tôi cũng được các chuyên viên tại đây tư vấn, hỗ trợ biện pháp giúp con ổn định tâm lý tại nhà. Tôi thấy đây là mô hình rất thiết thực để hỗ trợ gia đình có trẻ mắc chứng tự kỷ, giúp các con từng bước phát triển ổn định về tâm sinh lý.
Hay như mô hình hỗ trợ dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, năm 2020, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã phối hợp khảo sát 1.800 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở độ tuổi từ 13 đến dưới 16 tại địa bàn Đông Triều, Quảng Yên, Uông Bí để nắm bắt hoàn cảnh, nhu cầu mong muốn và nguyện vọng học nghề của trẻ. Đồng thời, khảo sát 40 cơ sở dạy nghề, 40 cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có đào tạo nghề, nhằm đánh giá năng lực dạy nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động, thực hiện tư vấn, kết nối học - dạy nghề, tạo việc làm cho trẻ ngay chính tại cơ sở đào tạo nghề nơi trẻ theo học.
Cùng với các mô hình tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, thời gian qua, nhiều mô hình thiết thực hỗ trợ trẻ em trên địa bàn Quảng Ninh đã được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Có thể kể đến như mô hình “Gia đình, cá nhân nhận nuôi có thời hạn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt”. Chỉ tính riêng trong năm 2020, đã có 6 gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng 6 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, mức hỗ trợ là 525.000 đồng/trẻ/tháng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên. Các địa phương này cũng khảo sát 200 trẻ em và 200 gia đình về nhu cầu điều kiện sống, kỹ năng sống, kiến thức chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, để xây dựng kế hoạch, qua đó đã lựa chọn, cấp phát kinh phí mua sắm quần áo, sách vở đối với 100 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 700.000 đồng/trẻ/tháng.
Thực hiện mô hình “Phòng, chống tai nạn thương tích”, đến nay toàn tỉnh đã tổ chức 722 lớp dạy bơi miễn phí cho 15.710 trẻ. Trong đó, tỉnh hỗ trợ các huyện, thị xã, thành phố tổ chức 73 lớp dạy bơi miễn phí cho 1.095 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình, trẻ em các xã miền núi, hải đảo, biên giới, dân tộc thiểu số, với mức kinh phí 10 triệu đồng/lớp. Em Nguyễn Quang Tuấn, học sinh lớp 3C, Trường Tiểu học Vĩnh Khê (TX Đông Triều), chia sẻ: Tham gia lớp học bơi, em cùng các bạn được thầy giáo hướng dẫn kỹ thuật bơi cơ bản và các kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân khi gặp sự cố, đồng thời giúp chúng em tăng cường sức khỏe để học tập.
Trong năm 2021, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các mô hình mới để trợ giúp trẻ em, như: “Kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ” tại Ba Chẽ, Đông Triều; “Hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng - dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật” tại Cẩm Phả, Uông Bí, Đông Triều, Móng Cái; “Lớp học chuyên biệt cho trẻ khiếm thính có thu phí” tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh, dạy học cho 38 trẻ khiếm thính tự nguyện. Ngoài ra, tỉnh tiếp tục tổ chức các hoạt động khám sàng lọc, hỗ trợ phẫu thuật cho trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh, dị tật mắt, khuyết tật vận động, bệnh hiểm nghèo... tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố và thực hiện đề án Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em các xã vùng khó khăn.
Trên địa bàn tỉnh hiện đang duy trì, triển khai tốt mô hình, hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em, như “Đội tuyên truyền măng non” tại 198 trường THCS của 13 huyện, thị xã, thành phố. Nhằm phát huy hiệu quả mô hình, hằng năm ngân sách tỉnh hỗ trợ 12 triệu đồng/trường để xây dựng các sản phẩm truyền thông như tiểu phẩm, tổ chức cuộc thi, diễn đàn... về phòng chống xâm hại tình dục, tai nạn thương tích cho trẻ em. Ngoài ra còn có các mô hình “Hội đồng trẻ em cấp tỉnh” duy trì sinh hoạt định kỳ và tổ chức các hoạt động thực tế cho các thành viên; mô hình “Câu lạc bộ Quyền tham gia của trẻ em” duy trì tại 13 huyện, thị xã, thành phố với thành viên là học sinh trong liên đội tại các trường hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, tự quản, có sự hướng dẫn của hội đồng đội cấp huyện...
Em Nguyễn Thảo Trang, lớp 9A3, Trường THCS Kim Đồng (TP Hạ Long), chia sẻ: Tham gia các mô hình câu lạc bộ của trẻ em trên địa bàn tỉnh, chúng em được tiếp cận nhiều hơn những kiến thức về quyền trẻ em và kỹ năng sống bổ ích. Bên cạnh đó, trong các diễn đàn này, chúng em cũng nói lên ý kiến, nguyện vọng của lứa tuổi mình, để kiến nghị các vấn đề liên quan đến trẻ em. Qua đó, giúp chúng em nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ và trách nhiệm của cộng đồng, xã hội trong việc hiện thực hóa các quyền của trẻ em.
Chăm lo toàn diện cho trẻ em
Cụ thể hóa các chủ trương trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của dân tộc, là nhân tố tạo nên sự phát triển bền vững của đất nước, từ năm 2012, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 20-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới. Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các văn bản hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, địa phương thực hiện công tác BVCSTE; cùng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho trẻ em trong tỉnh, như: Quyết định số 3425/QĐ-UBND ngày 25/12/2012 của UBND tỉnh ban hành Quy chế hoạt động của Ban điều hành hệ thống BVCSTE tỉnh Quảng Ninh; Nghị quyết số 99/2013/NQ-HĐND về việc hỗ trợ học phí cho học sinh là con của người có công với cách mạng, đối tượng chính sách đang học phổ thông ngoài công lập trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh ngày 9/12/2020 về chính sách hỗ trợ một số đối tượng trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025…
Cùng với đó, 100% huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều xây dựng chương trình, kế hoạch hành động vì trẻ em của địa phương. Đặc biệt, một số địa phương chủ động bố trí kinh phí hằng năm theo kế hoạch để thực hiện các mục tiêu ưu tiên vì trẻ em. Điển hình như TX Đông Triều từ năm 2013 đến nay, mỗi năm bố trí từ 1-1,5 tỷ đồng từ ngân sách thị xã để thực hiện mục tiêu BVCSTE có hoàn cảnh đặc biệt, bổ sung thiết bị vui chơi cho các điểm vui chơi trẻ em; huyện Vân Đồn năm 2020 đã chi gần 1,2 tỷ đồng để đầu tư bể bơi và thực hiện các hoạt động BVCSTE…
Hiện nay, toàn tỉnh đang thực hiện đầy đủ chính sách trợ giúp xã hội cho 2.703 lượt trẻ với số tiền trên 9,8 tỷ đồng theo Nghị định số 136/2013/NĐ-CP của Chính phủ và 5.770 lượt trẻ với tổng số tiền là trên 8,2 tỷ đồng theo Nghị quyết số 309/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. 99,8% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT miễn phí; 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được công nhận phù hợp với trẻ em. Bên cạnh đó, đối với trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em mồ côi cũng được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện chăm sóc nuôi dưỡng đầy đủ. Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh hiện đang nuôi dưỡng 104 trẻ, trong đó 66 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội (6 trẻ bị mua bán, 14 trẻ khuyết tật đặc biệt nặng, 7 trẻ nhiễm HIV, 39 trẻ mồ côi không nơi nương tựa). Trong những dịp lễ, tết, các sở, ngành, đơn vị của tỉnh luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho trẻ em, nhất là trẻ em miền núi khó khăn, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn tạo cơ chế, điều kiện cho trẻ em phát huy quyền tham gia của mình trên diễn đàn của đại biểu HĐND tỉnh. Kể từ năm 2016, tại kỳ họp HĐND tỉnh, 50 thanh thiếu nhi tiêu biểu của tỉnh đã được tham dự phiên khai mạc. Qua đó, nhằm giáo dục ý thức công dân, trang bị kiến thức, giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về hoạt động của HĐND, về trọng trách của những đại biểu đại diện cho nhân dân. Những năm qua, Quảng Ninh cũng là tỉnh tiên phong cả nước trong quy hoạch, đầu tư, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô lớn tầm cỡ khu vực để phục vụ người dân và trẻ em, như: Cung Văn hóa thanh thiếu nhi Quảng Ninh, Bảo tàng - Thư viện tỉnh...
Hằng năm, các địa phương có trách nhiệm bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bố trí quỹ đất, đầu tư xây dựng điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em. Hiện toàn tỉnh có gần 2.000 điểm sinh hoạt văn hóa, vui chơi cho trẻ em do Nhà nước quản lý. Bên cạnh đó, việc duy trì cơ chế phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội được tăng cường, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn tỉnh được tập trung đầu tư, nâng cấp đồng bộ, công tác xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh, đã góp phần khắc phục những hạn chế, chênh lệch giữa các vùng miền. Tỷ lệ trẻ 5 tuổi được phổ cập giáo dục mầm non hằng năm đạt 100%. Tỷ lệ trẻ em đi học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học đạt 99%. Trẻ em đi học đúng độ tuổi bậc THCS đạt 99,98%, vượt chỉ tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, khẳng định: Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em luôn được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm. Trong Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030, Chính phủ cũng xác định rõ mục tiêu bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cho phát triển KT-XH và hội nhập quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu này, trong thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tập trung bám sát sự chỉ đạo của Trung ương, hướng dẫn của các bộ, ngành trong việc thực hiện mục tiêu chung và từng chỉ tiêu cụ thể. Mặt khác, tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo điều hành của chính quyền, nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong thực hiện Luật Trẻ em, đưa các mục tiêu, chương trình BVCSTE vào chiến lược phát triển KT-XH của địa phương; lồng ghép các mục tiêu chương trình BVCSTE vào hoạt động chuyên môn của các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương; từng bước chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em... Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành, gia đình và toàn xã hội trong BVCSTE, phòng chống xâm hại, bạo hành, tai nạn thương tích, tai nạn đuối nước… từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ cả về nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân. Thường xuyên kiểm tra, theo dõi, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của chính quyền cơ sở, cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để có kết quả đánh giá khách quan, toàn diện...
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()