Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:35 (GMT +7)
Chăm lo cho giáo dục vùng khó
Thứ 3, 05/09/2023 | 16:07:25 [GMT +7] A A
Sau 3 tháng hè vui tươi, bổ ích, các em học sinh, đặc biệt là những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số quay lại trường với nhiều niềm vui mừng phấn khởi khi cơ sở vật chất, trường lớp ngày càng khang trang hơn; điều kiện ăn ở, sinh hoạt và học tập ngày càng tốt hơn. Điều đó có được, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các thầy cô và học sinh, còn nhờ sự quan tâm, chăm lo, dành nguồn lực lớn đầu tư thỏa đáng của tỉnh Quảng Ninh và các sở, ngành, địa phương cho công tác giáo dục.
Những ngày thu tháng 9, Trường PTDT Bán trú THCS Đồng Tâm (xã Đồng Tâm, huyện Bình Liêu) đang hoàn thiện những khâu cuối cùng để đón các em học sinh vào năm học mới. Năm học 2023- 2024, học sinh nhà trường được học tập trong những phòng học to đẹp, khang trang của dãy nhà học 3 tầng được xây dựng hoàn thiện từ nguồn kinh phí hơn 10 tỷ đồng do Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hỗ trợ. Với 9 phòng học văn hóa, 6 phòng chức năng, được xây dựng trên tổng diện tích sàn hơn 1.500m2, 282 học sinh, trong đó có 140 bạn ăn ở bán trú tại trường sẽ có điều kiện tốt hơn, đủ đầy hơn để nuôi dưỡng sự học của mình.
Em Chíu Thị Thu, học sinh lớp 9 của Trường PTDT Bán trú THCS Đồng Tâm, nhà ở thôn Ngàn Phe, cách trường gần chục cây số vừa nhìn ngắm ngôi trường mới vừa chia sẻ: Trước đây, phòng học của bọn em chật lắm, với lại không có những phòng chức năng để học tin học, âm nhạc, có nhiều lớp phải học ghép nữa. Năm nay trường được xây mới to đẹp quá… Phòng ở, bếp ăn của bọn em cũng được sửa sang lại rất sạch sẽ, gọn gàng, bọn em vui lắm.
Dẫn phóng viên đi một vòng tham quan cơ sở vật chất của nhà trường, cô Ngô Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường PTDT Bán trú THCS Đồng Tâm, chia sẻ: Công tác tại trường đã lâu, tôi thấu hiểu những vất vả trăm bề của giáo viên, học sinh và phụ huynh nơi đây, nhất là về cơ sở vật chất học tập và sinh hoạt của các em học sinh. Được sự quan tâm của tỉnh, của huyện, năm nào nhà trường cũng rà soát, tu bổ, nâng cấp cơ sở vật chất, sửa sang phòng học, phòng ở cho các em nhưng vẫn trong tình trạng chật chội, thiếu thốn. Đã bước vào năm học mới, cô và trò được học trong ngôi trường mới khang trang to đẹp, được xây dựng từ nguồn hỗ trợ của TKV, ai cũng vui mừng phấn khởi, nhất là các bạn học sinh nhà xa, ở bán trú tại trường.
Cũng giống như Trường PTDT Bán trú THCS Đồng Tâm, Trường Tiểu học Đồng Tâm cũng được huyện Bình Liêu phê duyệt phân bổ kinh phí xây mới, một dãy nhà học 2 tầng với 8 phòng học, phòng chức năng và nâng cấp, cải tạo khu nhà ở, bếp ăn bán trú cho các em học sinh. Dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở vật chất đang gấp rút được hoàn thiện, thầy Lương Trọng Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đồng Tâm, chia sẻ: Năm nay, nhà trường đón 75 em học sinh khối 4, 5 ở các điểm trường lẻ về học ở điểm trường chính. Dãy nhà học được xây mới và phòng ở, bếp ăn được mở rộng, sửa sang lại chắc chắn sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh, nhất là các em nhà xa điểm trường chính như các thôn Phiêng Sáp, Sam Quang, Ngàn Phe…
Cùng với các công trình Trường PTDT Bán trú THCS Đồng Tâm, Trường Tiểu học Đồng Tâm, để chuẩn bị cho năm học mới 2023 – 2024 này, huyện miền núi Bình Liêu cũng đã dành nguồn lực xây mới, nâng cấp, cải tạo Trường Bán trú Tiểu học & THCS Đồng Văn, Trường Tiểu học Lục Hồn và Trường Tiểu học Tình Húc). Đồng thời tiến hành sửa chữa nhỏ hơn 40 hạng mục tại 14 trường học trên địa bàn. Nhờ đó, đến nay, tổng số phòng học kiên cố, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học của thầy cô và học sinh của huyện đạt 449/530 phòng, tỷ lệ gần 85%.
Không chỉ ở Bình Liêu, thời gian qua, tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, xây trường học mới tại các địa phương miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số với kinh phí hàng nghìn tỷ đồng nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục, kéo gần khoảng cách giáo dục giữa các vùng miền. Từ năm 2022 đến nay, tỉnh và các địa phương đã đầu tư xây mới các trường, như: THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà), THPT Quan Lạn (huyện Vân Đồn), THPT Hải Đông, Phổ thông dân tộc nội trú Tiên Yên (huyện Tiên Yên); THPT Bình Liêu, THCS-THPT Hoành Mô (huyện Bình Liêu), Trường THCS-THPT Quảng La (TP Hạ Long)... Năm 2023, tỉnh đã phân bổ kinh phí 440 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đến nay, cơ sở vật chất toàn ngành Giáo dục đã tiếp tục được bổ sung, củng cố theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, hiện đại, tập trung xóa bỏ các phòng học xuống cấp, phòng học tạm, phòng học nhờ, thực hiện kế hoạch cải tạo, sửa chữa, nâng cấp các công trình nhà vệ sinh, nhà công vụ; tỷ lệ phòng học kiên cố hóa của cả tỉnh được nâng lên 92,1% và tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt trên 89%.
HĐND tỉnh cũng đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ học sinh khu vực miền núi, hải đảo, biên giới tới trường, như: Nghị quyết số 60/2017/NQ-HĐND “Về việc hỗ trợ kinh phí tổ chức dạy hè cho trẻ em mầm non tại cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các xã trong danh mục đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Nghị quyết số 63/2021/NQ-HĐND “Ban hành Quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long và từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025-2026”, trong đó học sinh đoạt giải là người dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào, miền núi, biên giới, hải đảo được thưởng bằng 1,5 lần mức thưởng quy định; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND “Về hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên đang học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh năm 2022-2023”; Nghị quyết số 204/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh…
Cùng với việc quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất và ban hành các chính sách đặc thù cho giáo dục vùng khó, ngành Giáo dục cũng đặc biệt quan tâm đến việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Mô hình bồi dưỡng thường xuyên, liên tục, ngay tại trường qua mạng với sự hỗ trợ của đội ngũ giáo viên cốt cán, cán bộ quản lý cốt cán và giảng viên sư phạm chủ chốt của các trường đại học sư phạm đã được triển khai hiệu quả. Đến nay, 100% giáo viên dạy chương trình GDPT 2018 của các trường đã hoàn thành nội dung bồi dưỡng. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp được quan tâm, chú trọng xây dựng, nâng cao chất lượng, cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn. Sở GD&ĐT Quảng Ninh chủ động rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các đơn vị vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phù hợp với điều kiện thực tế và biên chế được giao…
Với sự chăm lo, chuẩn bị chu đáo của các cấp, ngành, địa phương, các nhà trường, khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi của tỉnh đang ngày càng được thu hẹp; học sinh ở mọi nơi đều bình đẳng để tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất. Sự quan tâm, chăm lo, hỗ trợ của tỉnh, các địa phương, ngành Giáo dục cùng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị chính là nguồn động viên to lớn để mỗi học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn yên tâm tới trường, viết tiếp những ước mơ tri thức, mở ra cánh cửa tương lai tươi sáng hơn.
Song Hà
Liên kết website
Ý kiến ()