Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:22 (GMT +7)
Chấm dứt bệnh lao: Mối lo khi 70% người mắc trong độ tuổi lao động
Thứ 4, 24/03/2021 | 15:54:17 [GMT +7] A A
Mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020), khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại Chương trình. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) |
Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
Đáng lưu ý, 70% người mắc bệnh lao ở trong độ tuổi lao động và đây là một vấn đề rất đáng suy nghĩ, bởi điều này ảnh hưởng đến kinh tế của từng gia đình nói riêng và của toàn đất nước nói chung.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã nhấn mạnh như vậy khi phát biểu tại Chương trình nghệ thuật Hưởng ứng Ngày thế giới phòng chống bệnh lao 24/3.
Chi phí vượt quá 20% thu nhập của cả hộ gia đình
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, bệnh lao được phát hiện hơn 130 năm trước, đến nay bệnh lao vẫn hàng ngày cướp đi sinh mạng 4.000 người trên toàn cầu, trong khi đây bệnh có thể phát hiện sớm, phòng ngừa và điều trị.
Việt Nam là một trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao cao và là một trong 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới. Mỗi năm, Việt Nam có 170.000 ca mắc mới (báo cáo WHO 2020), khoảng 11.400 ca tử vong. Trong đó, 63% bệnh nhân lao thường, 98% bệnh nhân lao kháng thuốc và gia đình người bệnh phải gánh chi phí lớn dành cho việc chẩn đoán và điều trị bệnh lao, vượt quá 20% thu nhập của cả hộ gia đình. Do vậy, việc đầu tư cho chấm dứt bệnh lao là đầu tư cho phát triển bền vững.
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng nếu huy động được toàn xã hội vào cuộc, sự chung tay của cộng đồng, phòng chống lao giống với tinh thần phòng chống COVID-19, chúng ta chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung - Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống Lao quốc gia nhấn mạnh năm 2020 Việt Nam cũng không nằm ngoài các nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Công tác phát hiện các trường hợp mắc mới bệnh lao cũng giảm đi hơn 3%. Tuy nhiên, người dân dã có ý thức rất cao về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp, có sự tương đồng giữa lao và COVID-19.
Qua dịch bệnh COVID-19 vừa qua đã cho thấy hệ thống chính trị đã có đủ thông tin về vai trò của y tế trong phát triển kinh tế-xã hội, các biện pháp giải quyết dịch bệnh đường hô hấp. Đó chính là cơ hội để Việt Nam thực hiện chấm dứt bệnh lao.
Vì vậy, năm 2020 chủ đề ngày thế giới phòng chống lao Chương trình đã đưa ra là “Biến hiểm họa COVID-19 thành cơ hội để Việt Nam chấm dứt bệnh lao.” Tiếp nối mạch này, chủ đề năm 2021 là: “Việt Nam Chiến thắng COVID - Chấm dứt bệnh lao.”
Chủ đề muốn nêu rõ từ cuộc chiến chống COVID-19, mọi người hãy tích cực hơn nữa trong công cuộc phòng, chống bệnh lao. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nếu các cấp chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và cộng đồng cùng vào cuộc, đoàn kết, chung tay, chắc chắn Việt Nam sẽ đẩy lùi được dịch bệnh COVID-19 và tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh Lao vào năm 2030.
Việt Nam tiến tới chấm dứt bệnh lao
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng thời là Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chấm dứt bệnh lao đánh giá so với 5 năm trước, mặc dù tại Việt Nam số người mắc lao mới đã giảm, nhất là số người mắc chưa phát hiện ra, tuy nhiên vẫn còn tới 50.000 mắc lao mà chưa được phát hiện.
Số người tử vong vì bệnh lao còn cao hơn nhiều số tử vong do COVID-19 hay do tai nạn giao thông. Những người tử vong do lao chủ yếu do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Bệnh lao là một bệnh lây nhiễm, tuy nhiên bệnh có thể chữa khỏi hoàn toàn nếu được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.
Tiến sĩ Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) |
Tại Việt Nam, mỗi năm khoảng 11.400 ca tử vong do bệnh lao (trong đó 9.400 ca tử vong ở bệnh nhân lao không nhiễm HIV, 2.000 ca tử vong ở bệnh nhân lao đồng nhiễm HIV), phần lớn các ca tử vong do chưa được phát hiện và điều trị.
Theo phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, bệnh lao tại Việt Nam không chỉ xảy ra và tập trung ở một vài địa phương như Hà Nội, Hải Dương, Quảng Ninh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc... mà ở tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước đều.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện và hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo trong cộng đồng. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức trên 90% với bệnh nhân lao mới, gần 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn.
Trên thực tế, những người tử vong do lao chủ yếu là do chưa được phát hiện và điều trị kịp thời. Hiện nay, Chương trình đã điều trị hơn 100.000 bệnh nhân mỗi năm, số người tử vong khi đã được phát hiện và điều trị chỉ hơn 2.000 người. Một trong những nguyên nhân là do vẫn còn tồn tại sự mặc cảm của người bệnh, sự kỳ thị của xã hội đối với người bệnh lao.
Tiến sỹ Kidong Park - Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho biết năm 2015 các nhà lãnh đạo thế giới đã cam kết chấm dứt đại dịch lao vào năm 2030. Tuy nhiên, việc tiếp cận công bằng, kịp thời với dịch vụ chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị và chăm sóc có chất lượng vẫn còn là một thách thức. Đầu tư toàn cầu hằng năm cho bệnh lao vẫn thấp hơn một nửa số tiền đã cam kết. Đại dịch COVID-19 gây ra nguy cơ cho cuộc chiến chấm dứt bệnh lao, nó làm giảm tỷ lệ phát hiện bệnh lao.
Ông Kidong Park cho rằng dự kiến sẽ có nhiều trường hợp tử vong do lao hơn do giảm phát hiện bệnh lao và cản trở việc tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc và điều trị lao.
Chủ đề năm nay là “The clock is ticking - Đồng hồ đã điểm” - toàn thế giới không còn nhiều thời gian để hành động theo cam kết của các nhà lãnh đạo toàn cầu về chấm dứt bệnh lao. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến tiến trình nước rút của chiến lược chấm dứt bệnh lao toàn, bao gồm đảm bảo tiếp cận với dịch vụ y tế cho tất cả mọi người dân.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trương Sơn trao danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN) |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể trong công tác chống lao trong thời gian qua, nhưng bệnh lao vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng, với khoảng 10 triệu bệnh nhân lao mới hàng năm và khoảng 1,4 triệu người tử vong do lao trên toàn cầu hàng năm, trong đó có khoảng 208.000 người chết do lao trong số những người nhiễm HIV.
Trong chiến lược chấm dứt bệnh lao The End TB Strategy đã được ban hành, WHO đã đưa ra mục tiêu phát triển thiên niên kỷ trên toàn cầu đến năm 2020 giảm 20% số người bệnh lao mới mắc và 35% số người tử vong vì lao so với năm 2015, đến năm 2025 sẽ giảm tương ứng là 50% và 75%. Như vậy, tốc độ giảm mới mắc sẽ cần phải tăng lên từ 4-5% mỗi năm vào năm 2020 và tăng lên 10% vào năm 2025.
Chính vì vậy, WHO khuyến nghị các nước cần phải hành động nhanh để cứu sống mọi người, nỗ lực tạo ra sự thay đổi bằng việc thực hiện các ưu tiên. Trong đó, từ bài học thành công của mình trong ứng phó với COVID-19, Việt Nam có thể áp dụng cho công cuộc chấm dứt bệnh lao./.
Ngày thế giới phòng chống bệnh lao 24/3, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam đã quyết định trao tặng danh hiệu Thầy thuốc Nhân dân cho phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Chủ nhiệm chương trình chống Lao quốc gia vì những đóng góp của mình cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ngoài ra, 39 tập thể và 48 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đã nhận được bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()