Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:34 (GMT +7)
TKV: Chạm đích hành trình năm
Thứ 5, 01/09/2022 | 08:01:19 [GMT +7] A A
Nhìn lại gần 3/4 hành trình của năm 2022 đã qua, dù phải đối mặt với không ít khó khăn thách thức, song ngành Than đã nỗ lực vượt khó đẩy mạnh sản xuất, ổn định việc làm cho hơn 96.000 lao động, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh. Với đà tăng trưởng ổn định, TKV được kỳ vọng sớm hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh năm 2022.
Chống dịch nghiêm túc - sản xuất tập trung
Ngay từ những tháng đầu năm 2022, các đơn vị của TKV phải đối mặt với thách thức chưa từng có là tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng phục vụ sản xuất. Thời điểm tháng 2 và tháng 3/2022, dịch Covid-19 “quét” qua các mỏ than, nơi tập trung đông lực lượng công nhân, làm lây nhiễm chéo. Tính hết tháng 3/2022, TKV đã ghi nhận trên 50% số CNLĐ mắc Covid-19, buộc phải cách ly từ 7-14 ngày, khiến một số vị trí, dây chuyền sản xuất phải tạm dừng hoặc phải bố trí sản xuất từ 3 ca còn 1-2 ca/ngày. Trong khi đó, nhu cầu than tiêu thụ trong nước những tháng đầu năm 2022 có dấu hiệu tăng cao trở lại. Nghịch lý thiếu nhân lực sản xuất với bài toán tăng sản lượng than, đảm bảo phát triển năng lượng gây áp lực không nhỏ đối với các đơn vị sản xuất than.
Trước khó khăn, thách thức đó, các đơn vị của TKV đã kích hoạt nhiều biện pháp: Chống dịch như chống giặc, đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho công nhân, bố trí nhân lực sản xuất phù hợp... Nhờ những giải pháp quyết liệt đã giúp TKV nhanh chóng kiểm soát tình hình, giảm các ca lây nhiễm chéo để ổn định sản xuất kinh doanh. Khi dịch cơ bản được kiểm soát, các đơn vị ngành Than khẩn trương chuyển sang trạng thái thích nghi mới, chạy đua với thời gian đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, phấn đấu hoàn thành “mục tiêu kép”.
Công ty CP Than Cao Sơn là đơn vị khai thác than lộ thiên có sản lượng lớn nhất của TKV. Năm 2022, Công ty được TKV giao sản xuất 6,4 triệu tấn than nguyên khai. Công ty phấn đấu sản xuất 6,7 triệu tấn, tiêu thụ 6,64 triệu tấn. Để không bị đứt gãy chuỗi sản xuất trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty kiên trì vừa sản xuất kinh doanh vừa tập trung phòng, chống dịch, nhanh chóng kích hoạt các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn, cho biết: Khi dịch dần được kiểm soát, Công ty tập trung tối đa nhân lực, máy móc thiết bị, khuyến khích công nhân làm thêm ca, thêm giờ, nâng cao năng suất lao động, tăng sản lượng bù đắp mức hao hụt trước đó. Đỉnh điểm tháng 3/2022, Công ty khai thác được trên 700.000 tấn than, sản lượng kỷ lục trong 1 tháng tính từ năm 2019 đến nay. 7 tháng năm 2022, Công ty khai thác trên 4,7 triệu tấn than, đạt hơn 70% kế hoạch năm TKV giao. Công ty đang phát động phong trào thi đua “Ngày công cao - Sản lượng cao - Thu nhập cao”, tranh thủ thời tiết thuận lợi, tập trung nhân lực, thiết bị, đẩy mạnh sản xuất than nguyên khai vỉa chính và chế biến để về đích năm 2022.
Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: 7 tháng năm 2022, hoạt động sản xuất và tiêu thụ than của Tập đoàn bị ảnh hưởng do diễn biến dịch phức tạp, thời tiết mưa nhiều, giá cả nguyên, nhiên liệu biến động… Tập đoàn đã chỉ đạo, điều hành thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các đơn vị tiết giảm chi phí 2% bằng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, quản lý; bù đắp các chi phí tăng thêm hằng năm, như xuống sâu và đi xa hơn, chi phí an toàn, thông gió thoát nước, chi phí phòng chống dịch. Để đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, Tập đoàn đã có nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực, phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng khai thác than. Nhiều phong trào thi đua tạo sức lan tỏa mạnh mẽ như: Thi đua “Ngày công cao - Sản lượng cao - Thu nhập cao”, "Phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật", "Lao động giỏi, lao động sáng tạo" đã góp phần nâng cao năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Nhờ vậy, Tập đoàn cơ bản hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch sản xuất kinh doanh của 7 tháng năm 2022: Than nguyên khai 25 triệu tấn, than tiêu thụ 28,53 triệu tấn; doanh thu ước đạt 96.443 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 13.279 tỷ đồng (đạt 73,4% kế hoạch năm, tăng 126% so với cùng kỳ 2021); tiền lương bình quân 14,2 triệu đồng/người/tháng. TKV đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục giữ vai trò ngành kinh tế trụ cột trong phát triển của tỉnh, tạo động lực tăng trưởng cho các ngành kinh tế khác.
Chiến lược bứt phá cho hành trình mới
Xuyên suốt hành trình phát triển của TKV cho thấy, dù đối mặt với bất cứ thách thức nào ngành Than cũng tìm ra giải pháp vượt khó thành công. Giai đoạn hiện nay, Tập đoàn nhận định: “Chìa khóa” quan trọng nhất giúp TKV tăng trưởng ổn định, cùng với ngoài áp dụng “3 hóa” (cơ giới hóa - tin học hóa - tự động hóa) là tiếp tục đầu tư mở rộng công suất các mỏ và đẩy mạnh chuyển đổi số.
Những năm qua, triển khai chiến lược “3 hóa” đã đem lại cho TKV nhiều thành tựu trong sản xuất kinh doanh. Để nâng cao hệ số an toàn trong khai thác, TKV đã đầu tư các hệ thống vận hành thiết bị băng tải, hệ thống trạm điều khiển tập trung, sử dụng hệ thống quản lý khí mỏ, hầm bơm nước, trạm quạt gió chính, trạm dung dịch nhũ hóa, trạm nén khí cố định… Các đơn vị sàng tuyển, chế biến than đã tự động hóa tối đa công đoạn giám sát thông số công nghệ chính; tự động điều khiển chế độ làm việc của các thiết bị cơ điện trong dây chuyền.
TKV chuyển từ sửa chữa thiết bị đơn thuần sang chế tạo phục vụ sản xuất, như chế tạo cột, giàn thủy lực, cán thép vì lò, máy xúc, thiết bị phòng nổ, các chi tiết máy với những robot hiện đại, tự hành hoàn toàn. Cơ giới hóa - tin học hóa - tự động hóa giúp các mỏ hầm lò giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên từ 23,5% còn dưới 20%; từ 4,9% còn 4,3% trong khai thác lộ thiên; năng suất lao động (tính theo giá trị) tăng bình quân 12%/năm; làm lợi trung bình 450 tỷ đồng/năm.
Để bắt kịp xu thế chuyển đổi số, TKV tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành sản xuất, như: Phần mềm hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khỏe cho người lao động mỏ hầm lò; nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên; hệ thống giám sát lưu chuyển than… TKV cũng xây dựng, ứng dụng nhiều giải pháp CNTT vào khâu quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp, như: Hệ thống giám sát lưu chuyển dòng than; Hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất TKV; nâng cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp để chuẩn hoá lại quy trình nghiệp vụ quản lý văn bản điều hành, tích hợp chữ ký số và tiến tới liên thông văn bản toàn.
Hướng phát triển bền vững của TKV thời gian tới ưu tiên nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm để nâng công suất cho các mỏ. Tiêu biểu, đối với sản xuất than lộ thiên, TKV đang đầu tư Dự án Bắc Bàng Danh (Công ty CP Than Hà Tu), tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng. Dự án có trữ lượng than nguyên khai 23,5 triệu tấn, công suất thiết kế 3,3 triệu tấn than/năm. Đối với sản xuất hầm lò, TKV đang đầu tư Dự án khai thác hầm lò dưới mức -150, mỏ Mạo Khê (Công ty Than Mạo Khê), tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng; dự án Khe Chàm II-IV (Công ty Than Hạ Long), hơn 12.500 tỷ đồng. Dự kiến giai đoạn 2022-2025, các dự án này sẽ cho ra than, không chỉ mở hướng nâng cao năng lực sản xuất cho các đơn vị ngành Than, mà còn đảm bảo việc làm cho hàng nghìn công nhân.
Phạm Tăng
Liên kết website
Ý kiến ()