Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:06 (GMT +7)
Cha mẹ đau đầu khi quản lý con học tập bằng thiết bị thông minh
Thứ 6, 12/03/2021 | 09:11:25 [GMT +7] A A
"Đầu tư cho con học nhưng con lại dùng điện thoại, máy tính để xem phim, chơi game,… tôi vô cùng lo lắng".
Đây có lẽ không chỉ là lo lắng của riêng anh Nguyễn Hoàng Lâm (45 tuổi, Hưng Yên) khi cho con sử dụng các thiết bị thông minh để phục vụ việc học tập. Điện thoại di động, máy vi tính là những món đồ dùng gần như không thể thiếu để phục vụ việc học tập của các bạn nhỏ trong thời đại 4.0. Đặc biệt trong thời buổi dịch Covid-19 bùng phát, các trường học buộc phải tổ chức học online thì các thiết bị này càng trở nên quan trọng hơn nhiều.
Anh Hoàng Lâm có hai bé trai hiện đang học lớp 6 và lớp 11. Ngay từ đầu năm ngoái, vợ chồng anh chị đã phải chi hơn 10 triệu đồng để sắm máy tính phục vụ cho việc học tập của các con bởi dịch bệnh không thể học tại trường.
Anh cho biết: "Lúc đầu thì hai vợ chồng tôi cũng dùng điện thoại di động cho con học online. Tuy nhiên do thời gian học kéo dài, mà cho con học qua màn hình điện thoại thì rất hạn chế, nên vợ chồng tôi quyết định đầu tư cho các cháu máy tính để học tập.
Bởi vì dịch bệnh còn nhiều phức tạp nên việc đầu tư thế này tôi nghĩ là cần thiết. Xong khi quay trở lại trường học tập, các con lại dùng điện thoại, máy tính để xem phim, chơi game,…khiến cho tôi vô cùng lo lắng".
Anh Hoàng Lâm chia sẻ, các bạn nhỏ nhà anh đã có sự phát triển nhất định về mặt tâm lý, bắt đầu thích có không gian riêng nên việc quản lý con sử dụng thiết bị điện tử là rất khó khăn.
"Đôi khi mình thấy con mở máy tính, hỏi con làm gì thì nó bảo đang học. Đứng ở ngoài nghe vào thì thấy tiếng chơi game, vậy mà lúc mình mở cửa ra thì con đã trở về "màn hình khác" rồi. Nhiều lần tôi cũng cáu giận quát mắng, con lại mua cả tai nghe về dùng để mình không nghe thấy tiếng nữa nên nhiều khi tôi cảm thấy bất lực vì không quản lý nổi", anh Lâm cho hay.
Mặc dù lo lắng cho con như vậy nhưng vợ chồng anh cũng không dám cấm con sử dụng máy tính, điện thoại. Chị Minh Thùy (vợ anh Hoàng Lâm) cũng là một giáo viên nên chị cũng hiểu rất rõ tầm quan trọng của việc cho con tiếp cận với công nghệ.
Chị Thùy cho rằng: "Bản thân mình cảm thấy ở thời đại như bây giờ mà cấm con sử dụng thiết bị thông minh chưa chắc là tốt cho con. Chúng cũng cần tiếp cận với thông tin hàng ngày, được cần trang bị những kiến thức, kỹ năng theo xu hướng 4.0 để dễ dàng thích ứng với tương lai".
Cũng giống như gia đình anh Lâm chị Thùy, vợ chồng anh chị Văn Hoàng, Lê Cúc (Đống Đa, Hà Nội) cũng đầu tư cho con các thiết bị điện tử để học tập. Vợ chồng anh chị cũng tìm hiểu nhiều cách để quản lý con khi sử dụng máy tính, điện thoại.
Chị Lê Cúc cho biết: "Ngoài giờ học online thì tôi cũng cho phép các con sử dụng các thiết bị thông minh khoảng 2 giờ mỗi ngày. Chưa kể các ngày nghỉ sẽ cho phép các con sử dụng lâu hơn.
Tôi quản lý con bằng cách kiểm soát truy cập internet của con. Cứ 10 giờ tối là ngắt hết kết nối wifi. Nếu không có mạng wifi chúng cũng sẽ hạn chế sử dụng máy tính quá muộn".
Ngoài ra, anh chị cũng thường xuyên trò chuyện với con, cùng con tìm hiểu những công nghệ hay những xu hướng đang thịnh thành trên mạng xã hội. Nhờ trò chuyện thường xuyên với con, làm bạn với con nên khoảng cách giữa hai vợ chồng anh chị với con cái không quá xa. Chính vì thế mà việc can thiệp khuyên răn con cũng trở nên dễ dàng.
Có thể nói trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão, và đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đang rất phức tạp, việc cho trẻ tiếp xúc với các thiết bị thông minh là việc cần thiết phải làm. Xong các bậc cha mẹ không nên quá lo lắng mà hạn chế trẻ. Hãy định hướng, trò chuyện thật nhiều với con để trẻ có cách sử dụng đúng mục đích và phát triển được lợi ích mà các thiết bị mang lại.
Theo Dân trí
Liên kết website
Ý kiến ()