Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:44 (GMT +7)
Cây chè Đường Hoa tuổi 60
Thứ 2, 26/08/2024 | 15:15:16 [GMT +7] A A
Cây chè Đường Hoa đã có lịch sử phát triển 60 năm tại vùng đất Hải Hà. Theo Lịch sử Đảng bộ xã Quảng Long, thời điểm những năm 1960, tại Quảng Long đã hình thành nông trường Đường Hoa, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn hộ dân nơi đây. Trong những năm 70 của thế kỷ XX, hàng nghìn tấn chè Đường Hoa được chế biến và giao nộp cho Nhà nước nhằm phục vụ công nhân mỏ, nhân dân và xuất khẩu sang các nước Đông Âu. Khi đó, chè Đường Hoa được đánh giá thơm ngon không kém trà Tân Cương (Thái Nguyên) và còn được tuyển chọn phục vụ tại Hội nghị Paris vào năm 1973 cùng nhiều hội nghị quan trọng khác trong cả nước.
Thức uống chính thức tại Hội nghị Paris
Thời tiết những ngày cuối tháng 8 mưa rả rích. Dưới mái hiên nhà ông Vũ Triệu ở xã Đường Hoa (huyện Hải Hà) có nhóm những người bạn già ngồi quây quần bên ấm trà nóng. Nhấp ngụm trà thơm nồng, họ cùng nhau nói chuyện về một loại cây đặc trưng ở vùng đất này, cây chè Đường Hoa.
Ông Triệu và những người bạn của ông từng công tác ở Nông trường Đường Hoa Cương, là những người đầu tiên trồng chè thương phẩm ở Hải Hà. Năm 1963, trong nỗ lực tái cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của Nông trường, cây chè trung du lá nhỏ được đưa từ Nông trường Quân Chu (tỉnh Bắc Thái khi đó) về để trồng thử nghiệm. Từ 5.000m2 chè đầu tiên ấy, cây chè chính thức được trồng đại trà trong suốt chục năm sau đó. Đến khi Hải Hà có cả trăm ha chè, cây chè trở thành cây trồng chính thì Nông trường Đường Hoa Cương đổi tên thành Nông trường chè Đường Hoa.
Đất trồng chè ở Hải Hà là những chân đồi thấp, lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, nắng gió hài hoà, có mạch nước ngầm và lớp mặt tơi xốp, đó là yếu tố để cây chè Đường Hoa có hương vị không lẫn vào đâu được. Năm 1973, sản phẩm chè Đường Hoa của Hải Hà được Bộ Nông trường chọn làm sản phẩm mang đến Hội nghị Paris, một hội nghị đàm phán quan trọng với lễ ký kết hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình cho Việt Nam. Tại hội nghị này, cộng đồng quốc tế biết đến một thức uống của người Việt - chè Đường Hoa, đắng chát mà ngọt thơm, thanh thảo mà đượm vị, rất ôn nhu mà quyết liệt, khác biệt hoàn toàn với đồ uống phương Tây.
Nói về lần xuất ngoại đặc biệt của chè Đường Hoa này, ông Vũ Triệu cho biết: Tôi tháp tùng các chú lãnh đạo Nông trường mang chè lên Bộ Nông trường thi tuyển. Ở đó có sản phẩm chè của các nông trường chè nổi tiếng trong nước, đến khi còn lại 2 loại chè, Đường Hoa của Hải Hà và chè Thái Nguyên, chè Đường Hoa đã được chọn.
Lý do chè Đường Hoa được chọn đi Hội nghị Paris không được công bố. Sau này, khi đã là lãnh đạo Nông trường chè Đường Hoa, ông Triệu được “rỉ tai” rằng chè Đường Hoa và chè Thái Nguyên đều là chè trung du lá nhỏ, xuất thân từ một “mẹ” là Nông trường Quân Chu mà ra, nhưng chè Đường Hoa nhỉnh hơn Thái Nguyên nhờ cách sơ chế thủ công, tỉ mỉ, kỳ công, nước xanh và thơm hơn, sợi xoăn và đanh hơn.
Một đời người, một đời cây
Cây chè Đường Hoa đến nay đã có tuổi đời hơn 60 năm. Cùng với những thăng trầm của Nông trường chè Đường Hoa cũng như những tác động của cơ chế thị trường, cây chè Đường Hoa có lúc phát triển rực rỡ, có khi trầm lắng đi xuống. Quá trình phát triển của cây chè chứng kiến mốc tổng sản lượng đạt đến trên 1.600 tấn chè khô/năm của những năm 90 của thế kỷ trước, chứng kiến nhà nhà nổi lửa sao chè, thương lái vạ vật nằm chờ để được mua chè Đường Hoa đưa đi cả nước giai đoạn 2005-2008. Cũng có thời điểm cả trăm ha cây chè bị đốn hạ, chè tươi hái ra đổ dọc đường vì không có người mua (giai đoạn 2015-2017). Ở những nốt nhạc thăng - trầm ấy, có những con người cả đời vẫn gắn với cây chè.
Ông Vũ Triệu, nhân vật đề cập ở trên chẳng hạn. Ông có 40 năm trồng chè, hái chè, chế biến chè và tiêu thụ chè. Cây chè tồn tại tự nhiên trong đời sống của ông kể từ khi là công nhân cho đến chức vị giám đốc Nông trường chè Đường Hoa (giai đoạn 2005-2008), và nay ở tuổi trên 80 ông vẫn ngày ngày nói chuyện về cây chè. Ông Tô Quang Toàn, thôn 5 xã Quảng Long, nguyên là cán bộ kỹ thuật của Nông trường chè Đường Hoa, người mà đến nay vẫn được “mệnh danh” là người có khả năng lên hương chè Ngọc Thuý. Yêu chè và muốn có những ấm chè mang hương vị cũ để cùng nhâm nhi với bạn bè, hiện nay ông Toàn vẫn sao chè thủ công tại nhà để bán. Những mẻ chè ông Toàn luôn cháy hàng, phần vì số lượng ông làm có hạn, phần vì hương vị chè rất khác biệt.
Gắn bó máu thịt với vùng chè Hải Hà còn có một người phụ nữ gốc Hoa, bà Hà Ngọc Quỳnh, Giám đốc Công ty TNHH Thuấn Quỳnh. Xuất phát từ một người buôn chè, bà Quỳnh hiểu những búp chè trồng trên đất đồi Hải Hà đặc biệt thế nào. Với mong muốn phát triển vùng chè, bà Quỳnh định cư tại Hải Hà; phối hợp với lãnh đạo Nông trường chè Đường Hoa đưa các giống chè mới về canh tác. Bản thân bà Quỳnh nhiều năm phát triển diện tích trồng chè của riêng mình, hỗ trợ tiền cho bà con phát triển hàng trăm ha chè Ngọc Thuý, đặc biệt bà thu mua chè cho bà con toàn huyện để tiêu thụ. Từng có giai đoạn dài xưởng chè Thuấn Quỳnh đưa phần lớn sản lượng chè Hải Hà xuất ra thị trường Đài Loan. Bà Quỳnh cũng là người khởi xướng xu hướng trồng chè hữu cơ và biến những đồi chè xanh ngát trở thành sản phẩm du lịch trên địa bàn.
Tiếp nối các thế hệ đi trước, anh Trần Sỹ Dũng, chủ cơ sở sản xuất chè Dũng Nga, Giám đốc HTX chè Đường Hoa Cương có thể nói là người con ưu tú của vùng chè Hải Hà. Tuổi thơ theo bố lên những đồi chè Quảng Long, anh Dũng có ấn tượng rất tốt đẹp với cây chè, đây là động lực để anh cùng với bà con vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất của vùng chè. Anh là người mở ra hướng xuất khẩu nội tiêu, đưa chè Hải Hà ngược trở lại vùng “lõi” của những vùng chè lớn nhất của cả nước, như Thái Nguyên, Phú Thọ, Lâm Đồng. Anh cũng thành lập CLB chè Hải Hà, thành lập HTX chè Đường Hoa Cương để liên kết sản xuất, thống nhất quy trình canh tác và phân chia thị phần tiêu thụ, tránh cảnh “bỏ trứng một giỏ” như đã từng diễn ra. Hiện nay anh Dũng bao tiêu cho khoảng 30% sản lượng vùng chè Hải Hà.
Khi người trẻ làm trà
Liên quan đến cây chè Hải Hà, thời gian gần đây, thị trường xuất hiện một số sản phẩm trà “nghìn đô” của Nhà trà Việt Tú. Gốc của sản phẩm trà này là chè Đường Hoa và chủ nhân của sản phẩm trà này là con gái của bà Hà Ngọc Quỳnh, chị Phạm Thị Thanh Hương, CEO Công ty TNHH Đầu tư xây dựng và Thương mại Việt Tú.
"Tôi chưa từng nghĩ mình sẽ làm trà. Mẹ tôi, một người phụ nữ đặc biệt, bà đã tận hiến cho cây chè Đường Hoa bằng tất cả những gì bà có. Tôi thì không chăm chỉ như bà, không muốn làm nông. Anh và em tôi cũng vậy, đều đã thoát ly hết rồi. Tôi đã làm ngân hàng, đã làm CEO cho doanh nghiệp nước ngoài, cũng coi là có chút thành tựu. Vậy nhưng khi mẹ tôi ngày càng có tuổi, không thể một mình làm chè, chẳng nhẽ lại để tâm huyết, tài sản cả đời mẹ tôi hoài phí. Vậy là tôi quay về làm trà. Nhưng tôi làm khác, làm theo cách của người trẻ làm trà…" - Chị Phạm Thị Thanh Hương chia sẻ.
Kể từ năm 2020 đến nay, năm đầu tiên chị Phạm Thị Thanh Hương tìm đến các viện nghiên cứu và thương hiệu trà nổi tiếng của nước ngoài để phân tích mẫu và tham khảo quy trình trồng trà hữu cơ tiêu chuẩn Nhật, châu Âu và Mỹ. Năm thứ 2 chị nhờ mẹ tư vấn, mời chuyên gia nước ngoài về phối hợp và bỏ công sáng tạo công thức chế biến trà. Từ năm 2023 đến nay, chị Phạm Thị Thanh Hương có Nhà trà Việt Tú ở Hà Nội để mời thử trà, giới thiệu trà và trải nghiệm văn hoá uống trà Việt. Đến nay Việt Tú có gần 20 sản phẩm trà khác biệt với giá bán từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng/kg, có loại trà giá trên 100 triệu đồng/kg. Ví như Lục trà Đường Hoa, Ô long Đường Hoa, Bạch mẫu đơn Đường Hoa, Bích xuân loan Đường Hoa, Mỹ nhân Đường Hoa, Hồng trà Đường Hoa, Hồng mật trà Đường Hoa…
Cách chế biến khác nhau sẽ làm ra những loại trà khác nhau. Chị Hương phân tích: "Chỉ một chút thay đổi về mức độ ôxi hoá nguyên liệu trà, đổi khác về phương pháp hong trà trong gió thay vì sấy nhiệt, đổi khác về thời gian ủ trà, hoặc là để trà phát triển tự nhiên cùng với cây cỏ côn trùng, hoặc là dùng mật ong để dưỡng lá trà, hoặc là ướp trà với hoa, quả, ướp trà với khí trời hoặc với khói… đều có thể cho ra những hương vị trà rất khác biệt… Thành ra trà Việt Tú làm thay đổi quan niệm trà là phải đắng, chát. Uống trà Việt Tú, người sành mồm nhận ra trà sạch, trà tinh; người sợ trà nhận thấy trà không bẩn, không mất ngủ, không chát, không đắng, thay vào đó là đủ vị hương hoa, quả chín, mật ngọt, hương khói, hương gỗ, hương núi rừng… lưu trong miệng".
Được biết, trong chiến lược phát triển của Việt Tú không vội theo đuổi lợi nhuận. Chị Hương khẳng định: Cái đó tôi có thể đạt được khi vẫn xuất thô chè nguyên liệu ra nước ngoài như cách mẹ tôi làm. Tôi muốn chè Đường Hoa đi chính ngạch với sản phẩm tinh, giá trị ngàn đô, triệu đô. Tôi muốn dùng cây chè Đường Hoa, loại chè ở vùng biển, mang hương vị biển để viết lên câu chuyện của trà Việt, muốn xây dựng thương hiệu trăm năm cho sản phẩm trà, muốn làm di sản trà…
Hiện nay, CEO Phạm Thị Thanh Hương đã và đang đi những bước đi đầu tiên cho chiến lược phát triển của mình. Hương khẳng định: "Đời mẹ tôi đi chậm, bà đã tạo ra nền tảng, tôi quyết tâm làm công việc xây dựng thương hiệu cho nền tảng ấy, thậm chí chấp nhận đến đời con cháu tôi mới có thành quả, mới đạt thành tựu tôi cũng làm".
Cây chè Đường Hoa tuổi 60 mang theo những thăng trầm. Có những người cả đời gắn bó với cây chè. Có người đi khỏi vùng chè, cũng có những người trở lại vùng chè để đưa cây chè vươn xa. Bản thân tôi luôn có niềm tin về một vùng chè quý còn mãi, sẽ phát triển từ dạng này sang dạng khác, mới hơn, tinh hơn, quý hơn, đặc biệt hơn.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()