Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 10:31 (GMT +7)
Giải bài toán tuyển chọn, đào tạo VĐV cầu mây
Thứ 7, 13/08/2022 | 08:57:08 [GMT +7] A A
Cầu mây từng làm rạng danh thể thao tỉnh nhà, thế nhưng thế hệ trẻ hôm nay vẫn chưa nối tiếp được thành tích đó. Một trong những khó khăn của môn thể thao ít được biết tới và như còn mới mẻ với nhiều người, đó chính là đầu vào, khâu đào tạo và tìm kiếm tài năng.
Cầu mây là môn thể thao có nguồn gốc từ Đông Nam Á, lan rộng trong khu vực từ năm 1950 rồi ra nhiều nước trên thế giới. Năm 1990, cầu mây được đưa vào thi đấu chính thức tại Đại hội Thể thao châu Á, rồi đưa ra thế giới. Việt Nam cũng đã nhiều lần khẳng định thế mạnh ở bộ môn này. Cầu mây được đưa về học tập, thi đấu ở Quảng Ninh từ năm 1999 và cũng từng gặt hái nhiều thành công.
Là môn khá mới, không phải môn thế mạnh, truyền thống, trước hết có thể thấy cầu mây gặp khó khăn ở khâu đào tạo, thiếu những HLV chuyên môn. Bởi từ khi đưa về Quảng Ninh, dù đã trở thành môn chính thức trong danh sách thi đấu, nhưng tới nay cầu mây chưa có HLV chuyên môn. Vì thế, đa phần HLV cầu mây là HLV các môn khác chuyển sang, hoặc may mắn hơn là có các VĐV từng thi đấu rồi chuyển sang làm công tác huấn luyện.
Chuyện về HLV, người làm công tác đào tạo đã khó, việc tuyển chọn tài năng cho cầu mây cũng không ít gian nan. Với cầu mây, độ tuổi tuyển chọn đào tạo tốt nhất là 10-12 tuổi. Một nguồn tìm kiếm là VĐV tham gia các lớp nghiệp dư. Tuy nhiên hầu hết ở các lớp này, gia đình cho con em đi học nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, còn việc gắn bó lâu dài, hướng đến chuyên nghiệp là cả một vấn đề. Vì thế HLV phải mở rộng diện tìm kiếm, tuyển chọn bằng các mối quan hệ với các trường học, với cộng tác viên các địa phương, hoặc tìm kiếm ở những môn có kỹ thuật tương đồng như đá cầu, bóng đá.
Đối với công tác huấn luyện năng khiếu, HLV có nhiệm vụ đào tạo chuyên môn, kỹ thuật cơ bản, làm tiền đề cho phát triển sâu hơn ở tuyến tỉnh. Theo đó, các VĐV trải qua quá trình đào tạo khoảng 2-3 năm, gồm kỹ thuật cơ bản cá nhân (kỹ thuật tâng), giai đoạn chuyền bắt bước 1, kỹ thuật chuyên môn (cho 3 vị trí: Phát cầu, chuyền 2 và tấn công). Điều này cần 1-2 HLV đào tạo các khâu kỹ thuật cơ bản và đào tạo chuyên sâu. Đó là chưa kể cần HLV giỏi, thông thạo cả 3 vị trí để vừa dạy vừa giám sát, chỉnh sửa cho VĐV. Trên thực tế, do thiếu nhân lực nên hầu như các nhiệm vụ đó đều chỉ có 1 HLV đảm nhận.
Ngoài ra, một trong những thiệt thòi của VĐV trẻ môn cầu mây là không có giải đấu cho các VĐV năng khiếu để cọ xát tiến bộ và chỉnh sửa về kỹ thuật. Hiện tại, cầu mây không có giải trẻ dành cho lứa tuổi thiếu niên, mà chỉ có giải dành cho lứa tuổi từ 16-18 trở lên.
Khó khăn là vậy, nhưng Quảng Ninh cũng có thuận lợi là Trường TDTT tỉnh được tạo điều kiện tương đối tốt về cơ sở vật chất để rèn luyện kỹ thuật cá nhân. Hiện các VĐV năng khiếu có thể tập ở nhà tập luyện có mái che trong khuôn viên trường, khu nhà thi đấu khang trang của tỉnh, hoặc tập ở sân ngoài trời rộng hàng trăm m2. Việc đào tạo VĐV năng khiếu có HLV Nguyễn Thị Hoa là người có kinh nghiệm, từng khẳng định mình ở đấu trường khu vực, có thể khi chơi đa năng ở các vị trí trên sân.
Gần đây, cầu mây Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, làm nức lòng người hâm mộ khi giành chức vô địch thế giới ở nội dung đồng đội nữ 4 người vào tháng 7/2022. Nhìn lại, cầu mây Quảng Ninh có VĐV Nguyễn Thị Hoa từng giành HCV ở Đại hội Thể thao châu Á tại Qatar (năm 2006), HCB SEAGames lần thứ 24 (năm 2007); từng có những VĐV giỏi giành HCV nội dung đồng đội tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014... Đó là động lực, niềm tin cho các VĐV trẻ vượt khó, kiên trì vươn lên để tiếp bước thế hệ trước.
Hà Phong
Liên kết website
Ý kiến ()