Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:48 (GMT +7)
Cát nhân tạo - Hướng đi mới cho ngành xây dựng
Thứ 5, 31/08/2023 | 11:36:38 [GMT +7] A A
Hằng năm, Quảng Ninh có trên 200 triệu m3 đất đá thải từ hoạt động khai thác khoáng sản, trong đó khoảng 42% khối lượng có tỷ lệ đá cát kết có thể thu hồi để tái chế thành vật liệu xây dựng, vật liệu san nền, đặc biệt có thể làm nguyên liệu sản xuất cát nghiền nhân tạo thay thế cát tự nhiên.
Công ty CP Thiên Nam (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) là doanh nghiệp đầu tiên của Quảng Ninh sản xuất cát nghiền nhân tạo (năm 2016) với dây chuyền nghiền sàng, phân loại sản phẩm cát nhân tạo, tổng mức đầu tư hơn 280 tỷ đồng, công suất 550 tấn/giờ/dây chuyền. Công ty CP Thiên Nam sử dụng nguồn đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải mỏ than khu vực bãi thải Đông Cao Sơn để làm nguyên liệu.
Năm 2017, công ty ứng dụng dây chuyền sản xuất cải tiến thêm với hệ thống sàng do Việt Nam chế tạo để sản xuất cát nhân tạo. Nguyên lý vận hành hệ thống dây chuyền này là theo hình thức chuyển động nén, vật liệu được đưa xuống bị nén, ép nghiền và chảy ra ngoài qua máy sàng phân loại, chia thành nhóm có kích thước khác nhau rồi chuyển qua máy nghiền nát. Quá trình này sẽ làm cho vật liệu va đập chuyển động tương hỗ với tốc độ cao, ma sát giữa các nguyên liệu tạo thành sản phẩm. Cát được đưa xuống máy rửa để loại bỏ tạp chất cho ra sản phẩm cát sạch, chủ yếu dùng cho sản xuất bê tông.
Theo ông Vũ Đình Kiên, Giám đốc Công ty CP Thiên Nam, ưu việt của hệ thống dây chuyền sản xuất trên là dưới áp lực nước và cơ chế hoạt động của sàng quay như một chiếc lồng giặt, bùn sét lẫn trong đá thải đã được rửa, hàm lượng chỉ còn 0,96%, thấp hơn rất nhiều so với quy định, đảm bảo độ sạch của cát thành phẩm… Cùng với đó, cát nhân tạo sau khi hoàn thiện có hạt cát đồng đều hơn, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau (bê tông asphalt, bê tông xi măng, bê tông đầm lăn, bê tông mác cao đặc biệt…), cho phép tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình, tỷ lệ tiết kiệm có thể đạt hơn 19% lượng xi măng so với dùng cát tự nhiên...
Từ những cải tiến quan trọng, sản phẩm cát nghiền cho bê tông và vữa của Công ty CP Thiên Nam đã được Viện Vật liệu (Bộ Xây dựng) giám định chất lượng đạt TCVN 9025-2012, được Tổ chức chứng nhận Vinacontrol cấp giấy chứng nhận hợp quy sản phẩm QRCM0546 ngày 4/7/2017 và giấy chứng nhận hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 QSV0722 ngày 4/7/2017, là chứng nhận đạt tiêu chuẩn TCVN 7570:2006.
Hiện nay, Công ty CP Thiên Nam đã đầu tư 9 dây chuyền sản xuất cát nghiền nhân tạo, công suất 550 tấn/giờ/dây chuyền. Sản phẩm làm ra đã được BOT Biên Cương sử dụng trong dự án xây dựng cao tốc Vân Đồn - Móng Cái và dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn... Công ty cũng đã giới thiệu sản phẩm sang Hồng Kông (Trung Quốc), Malaysia, Singapore và Bangladesh.
Được biết Công ty CP Thiên Nam hiện đang phối hợp với Công ty CP Công nghiệp ô tô nghiên cứu dây chuyền nhà máy sản xuất cát nghiền từ đá cát kết với mục tiêu 90% do Việt Nam chế tạo, sản xuất. Thời gian tới, sau khi nghiên cứu thành công, công ty sẽ đầu tư thêm một nhà máy mới, nâng công suất sản xuất cát nghiền lên 750 tấn/giờ, phục vụ tốt hơn nhu cầu về cát xây dựng.
Việc Công ty CP Thiên Nam thành công trong sản xuất cát nhân tạo có ý nghĩa quan trọng, không chỉ thay thế nguồn tài nguyên cát tự nhiên vốn ngày càng cạn kiệt, mà còn bảo vệ môi trường và tận dụng đất đá thải mỏ thành vật liệu xây dựng có giá trị. Từ điển hình Thiên Nam, thiết nghĩ tỉnh, ngành chuyên môn, các địa phương cần có những chính sách khuyến khích cụ thể, thiết thực để nhân rộng hoạt động sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.
Việt Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()