Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 07:25 (GMT +7)
Cấp thiết giảm lãi vay giúp doanh nghiệp phục hồi
Thứ 3, 14/03/2023 | 06:20:59 [GMT +7] A A
Trước những khó khăn bởi dịch Covid-19, nhất là dòng tiền cạn kiệt, cộng đồng doanh nghiệp đã khẩn thiết kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành gói hỗ trợ lãi suất và nới điều kiện vay để tiếp cận vốn. Và đến thời điểm này, làn sóng giảm lãi suất đã bắt đầu được triển khai trên diện rộng nhưng các doanh nghiệp vẫn chưa thể mừng vì sản xuất kinh doanh khó khăn, lãi suất cho vay còn cao, đặc biệt có nguy cơ tăng trở lại.
Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, hiện nay, trên 80-90% các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, trong đó vốn và lãi suất tiếp tục là vấn đề đem đến áp lực nhiều nhất cho các doanh nghiệp. Ông Phạm Quang Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Thanh Tùng - Vân Đồn, Chủ tịch CLB Đầu tư khởi nghiệp Vân Đồn, chia sẻ: Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, sức khỏe các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ gần như kiệt quệ, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ trên địa bàn huyện đã không trụ vững được và phải rời thị trường. Riêng như Công ty của chúng tôi cũng đang rất áp lực với tiền lãi suất hằng tháng để đảm bảo cho khoản vay hơn 10 tỷ đồng, vì có ngân hàng chúng tôi đang vay với mức lãi suất lên tới 12,5%/năm. Với mặt bằng lãi suất cho vay trung hạn, dài hạn như hiện nay mà trên 10%/năm thì việc vay vốn ngân hàng sẽ khiến chi phí doanh nghiệp đội lên rất lớn. Vì thế, chúng tôi rất mong các ngân hàng cần có giải pháp làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và phát triển sản xuất.
Không chỉ các doanh nghiệp hoạt động trong lịch vực du lịch, dịch vụ gặp khó mà hiện các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh cũng lao đao vì cơn lốc tăng giá của nhiên liệu đầu vào. Ông Phạm Phú Đức, Phó Giám đốc Công ty CP Gốm mầu Hoàng Hà (CCN Kim Sơn, phường Kim Sơn, TX Đông Triều) cho biết: Hiện giá than cục, than cám đã tăng gấp đôi so với thời điểm trước ngày 17/3/2022. Trước đó giá than chỉ có 3,4 triệu đồng/tấn nhưng nay đã tăng lên 6,4 triệu đồng/tấn. Mà giá nhiên liệu để sản xuất thông thường chiếm 40% giá thành sản xuất của một viên gạch. Điều này đã khiến cho giá gạch tăng cao, dẫn đến sức cạnh tranh giảm. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng của người dân đang siết chặt lại do ảnh hưởng của thị trường bất động sản nên lượng gạch tồn kho của Công ty đang rất lớn. Bình thường, chúng tôi chỉ tồn khoảng 800.000m2 gạch thì dòng tiền vẫn cân đối được, nhưng hiện nay lượng gạch tồn kho đã lên tới 2,5 triệu m2. Do đó, với lãi suất vay trên 10%/năm thì doanh nghiệp rất dễ rơi vào phát sinh nợ xấu, khó đảm bảo được việc làm, đời sống cho người lao động.
Lãi vay cao đang là mối lo của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn này. Thống kê của Ngân hàng nhà nước cho thấy, đến cuối tháng 12/2022, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,0-10,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,7%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN (5,5%/năm).
Trước thực trạng này, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp hồi phục sản xuất, kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo các tổ chức tin dụng tiết giảm chi phí hoạt động, sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ kết hợp với cả biện pháp hành chính (chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện đồng thuận lãi suất huy động tiền gửi VNĐ không quá 9,5%/năm tại tất cả các kỳ hạn, đã bao gồm các khoản khuyến mại) nhằm điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất trên thị trường. Đồng thời, căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mình tiếp tục giảm chi phí, giảm lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp với mức giảm từ 0,5-2%/năm tùy từng đối tượng, trong đó tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên.
Với sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của NHNN, thực tế lãi suất thị trường đến nay đã giảm, hiện đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân với mức giảm bình quân từ 1-1,5%/năm. Hiện lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh bằng VND ngắn hạn phổ biến ở mức 7-10%/năm; trung dài hạn phổ biến ở mức 10-12%/năm. Đơn cử như Ngân hàng MB áp dụng giảm 1% lãi suất cho vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV cũng triển khai gói vay ngắn hạn mới với quy mô 30.000 tỷ đồng phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi từ 8%/năm đối với các khoản vay kỳ hạn dưới 6 tháng; hoặc từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6-12 tháng. Trước đó, hồi đầu năm, Vietcombank (VCB) cũng là ngân hàng thương mại đầu tiên công bố giảm 0,5% lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và tổ chức có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới tại ngân hàng, trừ nhóm khách hàng hoạt động trong lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự giảm sâu, chưa đáp ứng kỳ vọng của doanh nghiệp. Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh cũng đang tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực tiền tệ ngân hàng; báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo thẩm quyền về một số kiến nghị liên quan đến tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp như có chính sách cơ cấu lại nợ do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19; mở rộng đối tượng và tháo gỡ khó khăn trong thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị định 31.
Hoàng Nga
- Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay
- Ngân hàng giảm lãi suất huy động, một số kỳ hạn giảm mạnh nhất
- Ngân hàng Nhà nước ưu tiên nguồn vốn cho nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân
- Lãi suất ngân hàng không còn mức 10%/năm cho khoản tiền gửi dưới 50 tỷ đồng
- Hội nghị kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp
Liên kết website
Ý kiến ()