Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:18 (GMT +7)
Cáp quang biển lại gặp sự cố, người dùng VNPT và FPT bức xúc vì mạng chậm: "Cứ đến tối là khỏi vào Internet"
Thứ 6, 17/12/2021 | 13:34:41 [GMT +7] A A
Theo thống kê của đại diện Viettel Networks, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra quốc tệ gặp sự cố trung bình 10 lần mỗi năm, tính trong vòng 5 năm trở lại đây.
Từ ngày 13/12/2021, tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố trên hướng kết nối đi Hong Kong (Trung Quốc). Đây là thông tin từ một nhà mạng (ISP) tại Việt Nam vừa xác nhận với chuyên trang ICTNews vào sáng nay 16/12.
Vào thời điểm cách đây gần 1 tháng (27/11), bản thân tuyến cáp quang biển này mới khắc phục xong sự cố xảy ra từ tháng 10. Trong bối cảnh một tuyến cáp quang biển khác là AAG vẫn chưa khắc phục xong sự cố xảy ra trước đó, sự cố mới nhất này của tuyến APG lại một lần nữa ảnh hưởng nặng nề tới lưu lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế.
Theo đó, không ít người dùng đã bày tỏ bức xúc khi liên tiếp gặp tình trạng mạng tốc độ chậm, hoặc thậm chí không truy cập được. Tình trạng này phần nhiều diễn ra với người dùng nhà mạng VNPT và FPT, trong khi người dùng từ nhà mạng Viettel lại ít bị ảnh hưởng hơn. Đặc biệt, tình trạng mạng chậm, khó truy cập chủ yếu diễn ra vào thời điểm từ 20h00 buổi tối. Đây cũng là khung thời gian được gọi là 'cao điểm", khi số lượng người truy cập mạng tăng lên.
"Cứ vào khoảng 8 giờ tối đều đặn mỗi ngày, mạng nhà mình lại trở nên rất chậm, đặc biệt là khi truy cập các trang web có máy chủ tại nước ngoài. Do làm quản lý một cộng đồng game thủ tại nước ngoài, việc mang chậm, lag khiến mình gặp khó trong công việc. Thực sự rất bực mình", anh Hoàng Tuấn (TP.HCM) cho biết.
"Do ảnh hưởng của COVID-19 nên các con mình vẫn phải học trực tuyến tại nhà. Tuy nhiên việc học qua các phần mềm trực tuyến như Zoom liên tục gián đoạn do mạng bị chậm. Có hôm con đang học bài thì bị "thoát ra' nhiều lần, đến khi vào được thì hết tiết học", chị Khánh Thi (Thanh Xuân, Hà Nội) bức xúc.
"Tôi mất khoảng 5-10 phút mới gửi được email có đính kèm file nặng, trong khi Facebook thì tải rất chậm, đặc biệt là vào buổi tối. Sao nhà mạng không thông báo gì, cũng như không có bất cứ hỗ trợ nào như giảm giá cước cho khách khi để dịch vụ như vậy?", anh Nguyễn Tuấn Long (Hoàng Mai, Hà Nội) băn khoăn. Anh Long cho biết nhiều lần phản ánh nhưng không nhận được câu trả lời thỏa đáng từ phía nhà mạng.
Một năm đứt cáp 10 lần, kém xa số cáp quang so với các nước trong khu vực
Trước đó, trong sự kiện Ngày Internet Việt Nam 2021 tổ chức vào ngày 15/12/2021, Cục Viễn thông và nhà mạng đã công bố các số liệu quan trọng về tốc độ và chất lượng truy cập Internet tại Việt Nam.
Tại sự kiện, đại diện Viettel Networks cho biết, các tuyến cáp quang biển Việt Nam ra quốc tệ gặp sự cố trung bình 10 lần mỗi năm, theo thống kê trong vòng 5 năm trở lại đây. Do các sự cố thường kéo dài trong vòng 1 tháng, các doanh nghiệp cung cấp mạng thường chỉ sử dụng được ¾ trên tổng các tuyến cáp quang biển (7 tuyến).
So với các nước trong khu vực, số cáp quang biển nối với quốc tế của Việt Nam cũng ít hơn nhiều so với các quốc gia khác như Thái Lan (10 tuyến), Malaysia (22 tuyến) hay Singapore (30 tuyến). Điều này khiến mức độ đảm bảo về hạ tầng quốc tế phục vụ Internet cho người dùng Việt Nam thấp nhất trong khu vực. Trong khi đó, từ tháng 2/2020-10/2021, tổng lưu lượng Internet băng rộng tại Việt Nam đã tăng tới 40%.
Hiện tại, mỗi khi một tuyến cáp trục trặc, các nhà mạng thường áp dụng giải pháp san tải qua các tuyến cáp khác thay thế để giảm thiểu tác động của sự cố. Về phía người dùng, trong các hợp đồng cung cấp dịch vụ viễn thông hiện nay, sự cố "đứt cáp quang" hoặc "đứt cáp ngầm" được quy định là trường hợp hoặc sự kiện bất khả kháng (do tác động của thiên nhiên…). Do vậy, người dùng rất khó để có thể khiếu nại hay kiện nhà cung cấp mạng.
Theo genk.vn
Liên kết website
Ý kiến ()