Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:26 (GMT +7)
Cáp quang biển APG gặp sự cố, chất lượng internet bị ảnh hưởng
Chủ nhật, 17/04/2022 | 19:18:19 [GMT +7] A A
Hiện tại đơn vị quản lý tuyến cáp quang biển quốc tế nối châu Á-Thái Bình Dương chưa thông tin đến các nhà mạng về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.
Ngày 17/4, theo thông tin từ nhà cung cấp cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam, tuyến cáp quang biển quốc tế nối châu Á-Thái Bình Dương Asia Pacific Gateway (APG) đã gặp sự cố trên phân đoạn S1.7 cách khu vực Đông Nam Á khoảng 910km vào khoảng 21 giờ ngày 15/4.
Hiện tại đơn vị quản lý tuyến cáp chưa thông tin đến các nhà mạng về kế hoạch sửa chữa, khắc phục sự cố.
Tại Việt Nam, lưu lượng truy cập internet từ các địa chỉ nước ngoài hiện lớn hơn nhiều so với trong nước. Vì thế, mỗi lần các tuyến cáp biển quốc tế gặp sự cố thì chất lượng dịch vụ internet của hầu hết các nhà mạng tại Việt Nam đều bị ảnh hưởng.
Để đảm bảo chất lượng dịch vụ internet, các nhà mạng viễn thông của Việt Nam luôn tìm cách đầu tư xây dựng các tuyến cáp mới. Đồng thời, các nhà mạng cũng tìm các giải pháp để để tăng lưu lượng internet trong nước.
Để khắc phục tạm thời việc mất ổn định chất lượng internet, thông thường, các nhà mạng viễn thông sẽ bổ sung thêm dung lượng băng thông quốc tế, tiến hành điều chỉnh lưu lượng internet trên tuyến cáp gặp sự cố sang các tuyến tuyến đất liền và cáp biển khác như IA, APG, AAE1...
Cuối tháng 12/2021, theo báo cáo trong ngày Internet Việt Nam 2021, cáp quang biển tại Việt Nam bình quân gặp sự cố khoảng 10 lần mỗi năm, mỗi lần sửa có thể kéo dài cả tháng. Điều này khiến nhà mạng viễn thông trong nước chỉ khai thác, sử dụng được 3/4 công suất của tuyến cáp đó.
Trong thời gian cáp biển gặp sự cố, bản thân mỗi người dùng internet nên lưu ý một số điều khi dùng máy tính, điện thoại di động, các thiết bị cá nhân có kết nối internet.
Theo khuyến cáo của chuyên gia công nghệ, hiện các ứng dụng phổ biến để nghe nhạc, xem video... đều đã có tính năng lưu dữ liệu (offline). Nhiều ứng dụng trực tuyến hiện nay như Maps, Zing MP3, YouTube… cho phép người dùng tải về và lưu dữ liệu offline để sử dụng được nhanh chóng, thuận tiện.
Chính vì vậy, nếu thường xuyên cần sử dụng dữ liệu trên những ứng dụng này, người dùng nên tải trước các dữ liệu cần thiết khi thiết bị đang có kết nối wifi mạnh hoặc internet cáp.
Điều này góp phần tránh giúp người dùng không phải sử dụng ứng dụng trực tuyến (online) bằng dung lượng di động wifi (3G-4G Lte ). Nếu cần xem trực tuyến, người dùng có thể chọn độ phân giải thích hợp. Trên YouTube cho phép điều chỉnh chất lượng luồng video từ độ phân giải chuẩn (240p hoặc 360p) đến độ phân giải cao (720p hoặc 1080p) dựa trên tốc độ kết nối internet của người dùng.
Với ứng dụng facebook, người dùng nên tắt tính năng tự động phát video, ảnh động (GIF). Khi cần gửi các tệp tin (file) lớn, cần nén thông tin để giảm dung lượng. Cài đặt chế độ tắt tính năng tự động cập nhật phiên bản mới của các phần mềm, ứng dụng.
Đặc biệt, người dùng cần thoát (hoặc tắt) các phần mềm, ứng dụng, trò chơi, trình duyệt... không sử dụng mà vẫn đang chạy ngầm trên các thiết bị để gia tăng tính năng sử dụng các thiết bị cũng như chất lượng mạng internet.
Với các cuộc gọi qua các nền tảng, ứng dụng như Facetime, Zalo, Viber... nên cân nhắc gọi hình ảnh (video-call) hay gọi tiếng (voice-call).
Tuyến cáp quang biển quốc tế APG được đưa vào vận hành chính thức từ giữa tháng 12/2016. Có chiều dài khoảng 10.400km, APG được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, với khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps.
Cáp biển APG có sự tham gia đầu tư của các nhà mạng Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom. Đây là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng internet tại Việt Nam.
Tuyến cáp này có các điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()