Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 21:35 (GMT +7)
Cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững: Còn nhiều vướng mắc
Thứ 7, 06/08/2022 | 11:04:42 [GMT +7] A A
Chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) là một trong những điều kiện bắt buộc để sản phẩm lâm sản có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, những khó khăn từ thực tiễn khiến Quảng Ninh chưa có tổ chức, cá nhân được cấp mới, hoặc duy trì chứng chỉ này.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ba Chẽ là một trong số ít doanh nghiệp được cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh. Bà Bùi Thị Hương, Giám đốc công ty, cho biết: Năm 2015, đơn vị đã được cấp chứng chỉ FSC. Đơn vị đã duy trì chứng chỉ này trong 5 năm. Chi phí đầu tư lớn, nhiều tiêu chuẩn khắt khe, địa hình nhiều đồi núi… là những nguyên nhân khiến cho đơn vị không thể duy trì chứng chỉ này. Hằng năm, đơn vị phải bỏ kinh phí 200 triệu nộp cho Hội đồng Quản lý rừng quốc tế để duy trì cấp chứng chỉ. Ngoài ra, đơn vị cũng phải bỏ ra nguồn kinh phí rất lớn đầu tư máy móc, thiết bị, nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn của FSC. Sản phẩm thu hoạch đều là cây gỗ lớn, chu kỳ dài, thời gian chăm sóc nhiều. Trong khi đó, giá trị sản phẩm được cấp chứng chỉ FSC chỉ tăng từ 10-15% so với rừng truyền thống.
Để có được chứng chỉ FSC, chủ rừng phải đảm bảo thực hiện 10 bộ nguyên tắc và 56 tiêu chí do các tổ chức quốc tế về cấp chứng chỉ FSC đưa ra. Ví dụ như: Cây con gieo bằng hạt, giâm cành bằng hom; không được sử dụng các loại chất hóa học và phân bón đã bị FSC cấm; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất từ việc trồng, chăm sóc, đến thu hoạch. Thêm vào đó, không được vứt các loại rác thải ra rừng, không được đốt thảm thực vật và cành, nhánh sau thu hoạch, không được trồng cây sát bờ suối… và Hội đồng Quản lý rừng quốc tế tổ chức đánh giá hằng năm.
Bên cạnh đó, nhiều khó khăn từ thực tế khiến cho việc cấp chứng chỉ FSC trên địa bàn tỉnh còn chậm. Trong đó, nhiều đồi núi, độ dốc cao, mưa nhiều gây ra tình trạng xói lở tại các khu vực rừng trồng. Tập quán canh tác nhỏ lẻ, lạc hậu, tự phát. Phần lớn sản phẩm sau thu hoạch từ rừng là gỗ giấy, dăm... Hiện cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho các chủ rừng thực hiện cấp chứng chỉ FSC.
Ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Việc được cấp chứng chỉ FSC mang lại lợi ích về kinh tế, thương hiệu, môi trường và xã hội. Tiêu chuẩn FSC được xây dựng với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý và kiểm soát hoạt động khai thác rừng phù hợp với môi trường, đạt hiệu quả kinh tế cao nhất có thể. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi các tổ chức đến Quảng Ninh triển khai dự án hỗ trợ cấp chứng chỉ FSC, đẩy mạnh tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân là chủ rừng về ý nghĩa của việc cấp chứng chỉ, đẩy mạnh trồng rừng gỗ lớn.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang đề xuất các bộ, ngành Trung ương cho phép Quảng Ninh triển khai chính sách thu phí từ doanh nghiệp hấp thụ khí cacbon để chi trả dịch vụ môi trường cho các diện tích rừng gỗ lớn, rừng tự nhiên... Đồng thời, tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí cấp chứng chỉ FSC cho các tổ chức, cá nhân, nhất là nguồn kinh phí duy trì chứng chỉ hằng năm. Từ đó, giúp các tổ chức, cá nhân có thêm nguồn lực thực hiện cấp và duy trì chứng chỉ FSC, nâng cao giá trị sản phẩm lâm sản, phát triển lâm nghiệp bền vững.
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()