Do đó, Bộ GTVT yêu cầu đơn vị tổ chức triển khai thực hiện bảo đảm không ảnh hưởng tiêu cực đến việc đi lại của người dân, đáp ứng tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Quá trình triển khai thực hiện, Tổng cục Đường bộ tổ chức đàm phán, thống nhất với nhà đầu tư, nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hài hòa lợi ích các bên, tránh tranh chấp pháp lý trong quá trình thực hiện.
Bộ GTVT yêu cầu Tổng cục Đường bộ tổ chức tuyên truyền cho chủ phương tiện; phối hợp với các cơ quan chức năng phân luồng, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn trong quá trình triển khai thí điểm và tổng kết, đánh giá kết quả thí điểm theo quy định.
Trước đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam có báo cáo đề xuất Bộ GTVT lựa chọn tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng để triển khai thí điểm chỉ áp dụng hình thức thu phí điện tử không dừng với thời gian triển khai thí điểm dự kiến từ 5.5.2022.
Theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - ông Nguyễn Mạnh Thắng, trước khi thực hiện thí điểm, Tổng cục Đường bộ sẽ tuyên truyền trong 4 tháng để người dân chuẩn bị, dán thẻ ETC để lưu thông trong thời gian từ nay đến hết quý I/2022. Sau thời gian này, xe không có đủ điều kiện thu phí không dừng sẽ không được lưu thông trên tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và người dân có quyền lựa chọn vì hiện tuyến cao tốc này đã có Quốc lộ 5 chạy song song.
Cũng theo ông Thắng, Tổng cục Đường bộ Việt Nam sẽ đẩy mạnh tuyên truyền về xử phạt nghiêm xe không đủ điều kiện đi vào làn không dừng theo Nghị định 100.
Hiện, Tổng cục Đường bộ đang xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 100 để quy định rõ thế nào là xe không đủ điều kiện đi vào làn ETC như xe không dán thẻ, tài khoản không có hay không đủ tiền và việc này sẽ thuận tiện hơn cho công tác xử phạt của lực lượng chức năng.
Ý kiến ()