Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:41 (GMT +7)
Cao su Bình Phước vững vàng “mục tiêu kép”
Thứ 5, 16/09/2021 | 17:58:05 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số công ty, doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ quan, lơ là, để dịch Covid-19 có cơ hội xuyên thủng “3 tại chỗ” làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế của tỉnh. Nhận định được tình hình, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch vừa duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh.
Nông trường an tâm
Chúng tôi gặp anh Già Bá Long, công nhân Nông trường cao su Đồng Tâm, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước khi anh đang trút những âu mủ cao su cuối cùng của buổi sáng. Anh Long là người dân tộc miền núi phía Bắc vào làm công nhân tại nông trường theo mùa vụ. Năm nay dịch bệnh, nhiều hộ dân đi cùng anh vào làm việc đã bỏ về từ sớm. Thế nhưng, anh vẫn quyết tâm gắn bó với nông trường để hoàn thành công việc của mình. “Lúc dịch mới bùng phát, nghe người ta xôn xao, một số người lập trường không vững đã quyết định về quê. Còn mình ở đây có chỗ làm ổn định, nông trường cũng vận động công nhân ở lại sản xuất nên mình an tâm, tin tưởng” - anh Long chia sẻ.
Có được sự tin tưởng của những công nhân này là điều không dễ. Xác định đây không phải là nguồn lao động ổn định nhưng là nguồn nhân lực không thể thiếu trong mỗi mùa thu hoạch mủ cao su, ban lãnh đạo công ty cũng như các nông trường thường xuyên tuyên truyền, tập trung quan tâm hơn đến đời sống người lao động, nhất là lao động đặc thù, lao động dân tộc thiểu số. Anh Và Gióng Nanh, công nhân Nông trường cao su Đồng Tâm cho biết: “Nông trường luôn tạo điều kiện, quan tâm nơi ăn, chốn nghỉ nên anh em yên tâm lắm. Đầu đợt dịch có một số anh em tư tưởng dao động muốn về quê, nhưng mình khuyên nhủ cố gắng ở lại làm việc, sẽ không ai bỏ rơi mình. Ở trong này gần như không tiếp xúc với người lạ nên mình cũng an tâm, không lo dịch bệnh lây nhiễm”.
Hiện có khoảng 73 công nhân là người dân tộc H’mông của Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19, trong tổng số 290 chỉ tiêu tiêm vắc xin được phân bổ cho công ty trong đợt đầu. Việc ưu tiên tiêm vắc xin cho công nhân dân tộc thiểu số là chính sách thiết thực để chuỗi sản xuất của công ty không bị gián đoạn, tạo tâm lý an tâm cho người lao động.
Nhà máy an toàn
Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước có 5 nông trường nhưng chỉ có 1 nhà máy chế biến mủ cao su. Do đó, bảo đảm nhà máy chế biến “đứng vững” trước đại dịch là yếu tố cực kỳ quan trọng để công ty vừa duy trì sản xuất vừa chống dịch. Bởi chỉ cần hoạt động của nhà máy ngưng trệ thì gần 1.000 lao động cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Với quyết tâm giữ vững “vùng xanh” ở nhà máy, công ty đã và đang siết chặt phòng dịch ở các khâu, đặc biệt là việc thực hiện “3 tại chỗ” trong khu vực nhà máy.
Những ngày này, các “bàn tay, khối óc” bên trong nhà máy vẫn không ngừng sản xuất. Họ là những công nhân tình nguyện ở lại nhà máy để giữ vững dây chuyền, đồng hành với doanh nghiệp chống dịch. Công nhân nhà máy đa phần là đồng bào dân tộc tại chỗ nên việc ăn, nghỉ tại nhà máy ban đầu còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Chị Đàm Thị Đẹp, công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” chia sẻ: “Đã 2 tháng rồi mình không về nhà, việc gia đình phải nhờ người nhà phụ giúp. Khi mới vào cũng nhớ nhà, rồi không quen môi trường sống trong nhà máy, nhưng được lãnh đạo công ty động viên nên mình cũng an tâm làm việc. Giờ chỉ mong nhanh hết dịch để về nhà”.
Dù chịu nhiều ảnh hưởng do tác động của dịch Covid-19 nhưng từ khi bùng phát dịch đến nay, dây chuyền sản xuất của nhà máy vẫn hoạt động liên tục. Sản lượng chế biến duy trì, đảm bảo trên 30 tấn/ngày. Để người lao động an tâm làm việc, công ty luôn tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động về suất ăn, nơi sinh hoạt. Chính sự đồng lòng, chia sẻ của công nhân là một trong những yếu tố quan trọng để việc thực hiện “3 tại chỗ” đạt hiệu quả, vừa phòng chống dịch vừa đảm bảo năng suất làm việc.
Để bảo vệ sức khỏe người lao động, công ty còn phối hợp Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh tổ chức xét nghiệm khẳng định PCR vào thứ 2 hằng tuần cho tất cả cán bộ, nhân viên, người lao động đang thực hiện “3 tại chỗ”, đồng thời kiểm soát nghiêm việc ra, vào của tài xế vận chuyển hàng. Từng khâu xuất hàng, giao nhận vật tư đều được thực hiện riêng biệt và không để người lao động tiếp xúc gần với các trường hợp có nguy cơ cao.
Ông Phạm Huy Thông, Giám đốc Nhà máy chế biến mủ cao su, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước cho biết: “Nhà máy thường xuyên có phương tiện ra, vào vận chuyển hàng hóa nên quy trình xuất nhập hàng phải được kiểm soát nghiêm. Tài xế được bố trí chỗ ăn, nghỉ riêng, không vào bên trong khu vực nhà máy và cũng không tiếp xúc với công nhân đang thực hiện “3 tại chỗ” để phòng chống dịch”.
Vững vàng “mục tiêu kép”
Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, ở thời điểm Bình Phước chưa ghi nhận ca nhiễm, với phương châm “chống dịch như chống giặc”, Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước đã tập trung tuyên truyền, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và các phương án đảm bảo an toàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh. Trên 1.000 cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động công ty đều phải cam kết thực hiện khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, giữ đơn vị an toàn về mọi mặt. Các trường hợp nghi có liên quan đến dịch đều đã thực hiện đầy đủ các biện pháp y tế và quay trở lại làm việc bình thường.
Ông Nguyễn Bá Việt, Chủ tịch Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước cho biết, công ty đã tuân thủ đúng các chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn chuyên ngành của Sở Y tế trong phòng, chống dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, ban lãnh đạo công ty chỉ đạo xây dựng các kế hoạch phòng, chống dịch trong công ty và sẵn sàng phương án ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, dù chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng hoạt động sản xuất, chế biến của Công ty TNHH MTV cao su Bình Phước vẫn chưa ngưng trệ ngày nào. Sản lượng 8 tháng ước thực hiện gần 2.800 tấn, đạt trên 42,2% kế hoạch năm. Công ty đảm bảo việc làm và thu nhập bình quân của người lao động gần 5 triệu đồng/người/tháng.
Theo Thu Thảo/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()