Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 19:07 (GMT +7)
Cạnh tranh bằng nguồn nhân lực để không bỏ lỡ cơ hội thời đại 4.0
Thứ 2, 08/02/2021 | 17:07:20 [GMT +7] A A
Các chuyên gia nhấn mạnh tính cạnh tranh trong thời đại 4.0 thực chất chính là cuộc cạnh tranh nhân lực. Do đó, tận dụng được hết tiềm năng của lực lượng lao động mới nắm bắt được cơ hội phát triển.
Sự thay đổi của thị trường lao động đang đòi hỏi các hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn. (Ảnh: Thanh Tân/TTXVN) |
Với điều kiện đang là quốc gia có lực lượng lao động lớn, Việt Nam phải tranh thủ tận dụng cơ hội biến nhân lực thành một lợi thế. Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là chìa khóa nâng cao năng suất lao động và tính cạnh tranh của Việt Nam. Đây cũng chính là thách thức lớn đối với Việt Nam để nắm bắt được những cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế thế giới.
Chưa tận dụng hết tiềm năng lao động
Thế hệ Z được định nghĩa là những bạn trẻ có năm sinh thuộc nửa sau của thập niên 1990 cho tới những năm đầu của thập niên 2000 (khoảng 1996 đến 2001). Thế hệ Z đạt độ tuổi trưởng thành khi thế giới bước vào năm 2020 và chính thức tham gia vào lực lượng lao động. Tại Việt Nam, tính đến năm 2025, thế hệ Z sẽ chiếm khoảng 25% lực lượng lao động, tương đương với 15 triệu người.
Thế hệ Z được sinh ra và trưởng thành trong thời đại công nghệ, với những ứng dụng vượt bậc của Internet, thiết bị di động, truyền thông xã hội... Điều này góp phần định hình hành vi và thay đổi xu hướng tiêu dùng cũng như phong cách làm việc, định hướng về sự nghiệp của thế hệ Z so với những thế hệ trước đó.
Ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group cho biết thông qua phân tích toàn diện về tính cách, thế hệ Z được mô tả là một thế hệ giàu năng lượng, nhiệt huyết và năng động. Với mức năng lượng cao và việc sẵn sàng đón nhận thử thách và áp lực trong công việc, phần lớn thế hệ Z có kỳ vọng thăng tiến trong sự nghiệp và phát triển về mặt chuyên môn.
Theo ông Gaku Echizenya, trong môi trường làm việc, họ là thế hệ khéo léo trong giao tiếp và có khả năng thể hiện thiện cảm để có thể dễ dàng phối hợp trong công việc của tập thể. "Thế hệ Z thể hiện họ là lực lượng lao động tiên phong và có nhiều tiềm năng để phát triển khi được trao đúng cơ hội nghề nghiệp và phát triển," ông Gaku Echizenya nhấn mạnh.
Theo báo cáo mới nhất của Tổng Cục Thống kê vừa công bố hồi tháng 1/2021, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là chỉ tiêu cho biết mức độ “lệch pha” giữa cung và cầu lao động trên thị trường, phản ánh tình trạng dư cung về lao động. Trong điều kiện kinh tế phát triển bình thường, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng luôn tồn tại. Tỷ lệ này thường tăng cao khi thị trường chịu các cú sốc về kinh tế-xã hội.
Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng của Việt Nam giai đoạn 2018-2019 dao động ở mức 4%. Tỷ lệ này bắt đầu tăng lên khi dịch COVID-19 xuất hiện tại nước ta. Sang năm 2020, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 5,02%, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng hơn 614.000 người.
Đa số lao động không sử dụng hết tiềm năng là những người dưới 35 tuổi (56,5%), trong khi đó lực lượng lao động dưới 35 tuổi chỉ chiếm 36,6%. Điều này cho thấy Việt Nam vẫn còn một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động tiềm năng chưa được khai thác, đặc biệt là nhóm lao động trẻ và trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện, việc tận dụng nhóm lao động này càng trở nên hạn chế.
Hiện nay, việc lãng phí nguồn nhân lực còn thể hiện ở tình trạng phải đào tạo lại, người lao động làm việc không phù hợp với ngành nghề, trình độ chuyên môn và tay nghề được đào tạo. Số liệu thống kê cho thấy khoảng 23,8% số lao động có trình độ đại học trở lên làm các công việc có yêu cầu trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng thấp hơn so với trình độ chuyên môn kỹ thuật được đào tạo (theo bằng cấp/chứng chỉ).
Cạnh tranh bằng nguồn nhân lực
Thị trường lao động tại Việt Nam đang có sự thay đổi sâu sắc trước những tác động của hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, dịch bệnh và nhất là đại dịch COVID-19. Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải tăng tốc trong quá trình nâng cao kỹ năng cho người lao động.
Bà Valentina Barcucci, chuyên gia kinh tế lao động, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho rằng những thách thức hiện nay đòi hỏi Việt Nam phải có một thị trường lao động được hiện đại hóa, trong đó những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống phát triển kỹ năng chất lượng cao được người sử dụng lao động tin tưởng và đầu tư thời gian và nguồn lực. "Đặc biệt, thị trường lao động phải cho phép học tập suốt đời và mọi người đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục và đào tạo nghề và giáo dục đại học,” bà Valentina Barcucci nói.
Sinh viên thực hành nghề tự động hóa tại phòng học công nghệ 4.0. (Ảnh minh họa: Anh Tuấn/TTXVN) |
Bà Valentina Barcucci nhấn mạnh rằng chất lượng của nền giáo dục cơ bản của Việt Nam ở mức cao và giáo dục cơ bản là điều mà Việt Nam cần để duy trì ngành công nghiệp chế tạo với giá trị gia tăng thấp. Tuy nhiên, giờ đây, người sử dụng lao động đòi hỏi những nhân tài với kỹ năng cao hơn, đòi hỏi phải có các hệ thống giáo dục và đào tạo nghề vận hành hiệu quả hơn và các hệ thống giáo dục cao hơn.
Theo các chuyên gia, điều kiện để lao động Việt Nam có cạnh tranh được thì cần hội tụ các yếu tố ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc... Trong khi đó, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng thực hành của lao động Việt Nam lại còn yếu và chưa thật sự có tác phong công nghiệp. Điều này đòi hỏi công tác đào tạo cần phải có sự thay đổi căn bản để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động xã hội (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), cho rằng khi nền kinh tế ở giai đoạn trì trệ, thị trường lao động bị tác động mạnh, lúc này, thị trường lao động tạo ra những phân khúc mới, đòi hỏi những kỹ năng mới. Trong bối cảnh chịu tác động của dịch COVID-19, thị trường sẽ hướng tới phân khúc việc làm mới, ngành nghề mới xuất hiện, nhóm ngành nghề này "thích" sử dụng lao động trẻ, có sức bật tốt trong thị trường lao động.
Tiến sỹ Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết trong quá trình xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các nhà quản lý, nhà khoa học và chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến, nội dung liên quan đến vấn đề phát triển giáo dục nghề nghiệp. Đây là cơ hội lớn đối với giáo dục nghề nghiệp, bởi đây là một trong ba đột phá chiến lược phát triển nguồn nhân lực; trong đó nhấn mạnh việc hiện đại hóa và đổi mới phương thức đào tạo của giáo dục nghề nghiệp...
Rõ ràng, một thực té là ngày càng có nhiều khu công nghệ cao, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung theo mô hình tiên tiến trên thế giới được vận hành tại Việt Nam. Cùng với sự thay đổi đó là yêu cầu đối với lực lượng lao động ngày càng tăng. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng tính cạnh tranh trong thời đại 4.0 thực chất chính là cuộc cạnh tranh về nhân lực. Tận dụng được hết tiềm năng của lực lượng lao động mới có thể nắm bắt được các cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế thế giới và ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai./.
Dự thảo chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 đặt ra một số yêu cầu cần đổi mới, đó là tăng quy mô và nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo; phát triển giáo dục nghề nghiệp mở và linh hoạt; chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang gắn kết doanh nghiệp, doanh nghiệp phải là nhà trường thứ hai; đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, trong đó có tự chủ tài chính các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập là xu hướng không thể đảo ngược; chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ hơn nữa trong quản lý, điều hành và tổ chức đào tạo.
Chiến lược cũng hướng đến mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 giáo dục nghề nghiệp Việt Nam tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()